Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Không để Tây Ninh là điểm nóng của bệnh truyền nhiễm
Thứ năm: 18:07 ngày 22/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thời tiết khu vực miền Nam nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh phát triển, lây lan và làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng- Phó viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại cuộc giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Gia tăng trẻ mắc bệnh sởi

Hơn một tháng nay, số trẻ mắc bệnh sởi có dấu hiệu gia tăng tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Phần lớn trẻ em mắc sởi đều chưa được tiêm ngừa, một số ít trẻ mới được tiêm một mũi.

Ghi nhận tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Tây Ninh, chỉ trong một tuần, Khoa Nhi bệnh viện tiếp nhận điều trị 5 trẻ mắc bệnh sởi. Để phòng bệnh lây lan, Khoa Nhi đã bố trí phòng điều trị riêng biệt, các quy trình thăm, khám và người chăm sóc phải tuân thủ khâu vệ sinh, khử khuẩn, đeo khẩu trang phòng lây nhiễm.

Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tuyền, đây là những trường hợp trẻ từ 5 tháng tuổi đến 5 tuổi, trong đó có 2 trẻ cùng một gia đình, hầu hết chưa tiêm vaccine phòng bệnh sởi. Trước khi nhập viện, trẻ có triệu chứng sốt, ho, chảy nước mũi, mắt đỏ, nổi ban rải rác toàn thân, chẩn đoán lâm sàng nghi ngờ trẻ mắc bệnh sởi, bệnh viện lấy mẫu gửi về Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, kết quả PCR các bé dương tính với bệnh sởi.

“Sau khi điều trị, các bé đã xuất viện, sức khỏe ổn định và không để lại di chứng. Các bệnh nhi còn lại đang tiếp tục được theo dõi. Ngoài bệnh sởi, Khoa Nhi hiện đang điều trị hơn 10 ca thuỷ đậu, sốt xuất huyết, tay chân miệng và nhiễm trùng tiêu hoá”- bác sĩ Tuyền cho biết.

Bác sĩ Tuyền cho biết thêm, từ đầu năm 2024 đến nay, Khoa Nhi bệnh viện đã tiếp nhận 541 ca bệnh truyền nhiễm ở trẻ em, trong đó có 33 ca sốt xuất huyết, 43 ca tay chân miệng, 224 trẻ nhiễm siêu vi, 232 trẻ mắc bệnh nhiễm trùng tiêu hoá, 5 ca bệnh sởi và 4 ca mắc bệnh thuỷ đậu. 

“Trẻ mắc bệnh sởi là do bị lây từ những người trong gia đình, từ những người chăm sóc trẻ mà chưa được tiêm chủng, mẹ không tiêm ngừa đầy đủ sẽ dễ lây truyền cho con. Đối với trẻ miễn dịch yếu, suy giảm nên khi nhiễm sẽ gây biến chứng nặng. Cha mẹ không nên khi thấy con bị sốt, phát bang mới đưa đi khám, mà phải tiêm ngừa sởi ngay từ 5 tháng tuổi để bảo vệ tốt nhất cho con của mình”- bác sĩ Tuyền khuyên.

Đã ghi nhận bệnh ho gà

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tây Ninh, từ đầu năm đến nay tỉnh có sự xuất hiện trở lại của các ca bệnh ho gà và sởi. Thị xã Trảng Bàng là địa phương đầu tiên xuất hiện 2 ca mắc ho gà, chưa ghi nhận ổ dịch và ca tử vong.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã ghi nhận 33 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 16 ca dương tính với virus sởi, được ghi nhận tại các huyện: Châu Thành (1 ca), Dương Minh Châu (2 ca), Gò Dầu (1 ca), Tân Châu (2 ca), thành phố Tây Ninh (2 ca) và thị xã Trảng Bàng (9 ca). So với cùng kỳ năm 2023, CDC Tây Ninh ghi nhận tăng 30 ca (tăng 10 lần), hiện không có ca tử vong và chưa ghi nhận ổ dịch sởi.

“Tình hình dịch bệnh hiện nay có nguy cơ bùng phát do tình hình Covid-19 làm gián đoạn việc tiêm vaccine. Dịch sởi có thể bùng phát tại trường học do chuẩn bị vào năm học mới. Trước tình hình như hiện nay thì việc tiêm ngừa cho trẻ là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh sởi”

Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng- Phó viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh

Ngành Y tế cũng ghi nhận 367 ca tay chân miệng và 6 ổ dịch, giảm 387 ca (giảm 51,33 % so với cùng kỳ năm 2023); 371 ca sốt xuất huyết và 272 ổ dịch, giảm 564 ca (giảm 60,32% so với cùng kỳ năm 2023), chưa chưa ghi nhận ca tử vong.

Để phòng ngừa lây lan, CDC tăng cường theo dõi, phân tích tình hình dịch bệnh để có giải pháp phù hợp, kịp thời; giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng; thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát véc tơ để hạn chế số ca mắc sốt xuất huyết tăng trong thời điểm mưa kéo dài, thất thường; phối hợp liên ngành với Sở Giáo dục và Đào tạo về công tác phòng chống bệnh tay chân miệng.

Về bệnh dại, đã ghi nhận 15 trường hợp người dân bị chó (nghi dại) cắn tại xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành. Các trường hợp này đã được tiêm huyết thanh và vaccine phòng dại. Trước đó, tỉnh đã ghi nhận 4 ca bệnh dại tại huyện Dương Minh Châu (1 ca), TX Hoà Thành (2 ca) và TX Trảng Bàng (1 ca), tăng 3 ca so với cùng kỳ năm 2023; phát hiện 4 ổ dịch, ghi nhận 4 ca tử vong do bệnh dại.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh ghi nhận 33 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 16 ca dương tính với virus sởi.

Phủ “khoảng trống” vaccine, tăng cường tuyên truyền

Theo nhận định của ngành Y tế, dù số ca bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh không cao, giảm so với cùng kỳ năm 2023, nhưng sự xuất hiện trở lại của một số bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, bệnh dại... đang trở thành mối lo ngại mới. Số liệu báo cáo từ CDC Tây Ninh, số trẻ 18 tháng tuổi được tiêm ngừa vaccine sởi mũi 2 chiếm 51,8% (tính đến 31.7.2024).

Tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vaccine (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não mủ do Hib, bại liệt, sởi, vaccine BGC phòng bệnh lao) trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) tại tỉnh Tây Ninh cũng chưa đạt tiến độ, chỉ tiêu đề ra. Phần lớn trẻ không được tiêm chủng vaccine đầy đủ và đúng lịch, độ bao phủ vaccine thấp là nguyên nhân để “khoảng trống” miễn dịch trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay.

Trong đợt giám sát tình hình dịch bệnh (ngày 12 và 13.8.2024) tại Trung tâm Y tế Thị xã Trảng Bàng, Trạm Y tế Phường An Hòa, Cửa khẩu Quốc tế Xa Mát và CDC Tây Ninh, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng- Phó viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bệnh ngừa được bằng vaccine gia tăng và xuất hiện cục bộ tạm thời ở một số địa phương là điều đáng lo ngại, cần có những biện pháp mạnh mẽ và nhanh chóng hơn để tránh dịch lây lan, trong đó có thể mở rộng độ tuổi, đối tượng được tiêm chủng vaccine.

Theo Tiến sỹ Thượng, bệnh sởi lây rất nhanh, cách phòng chống bệnh sởi lây lan trong cộng đồng tốt nhất là tiêm ngừa sởi đầy đủ. Việc gián đoạn trong cung ứng các vaccine của Chương trình TCMR thời gian qua đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng các vaccine trên toàn quốc; nhiều trường hợp trẻ không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi các vaccine là yếu tố nguy cơ làm gia tăng các dịch bệnh có thể dự phòng bằng vaccine. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tuyền (Khoa Nhi- Bệnh viện đa khoa Tây Ninh) thăm khám bệnh nhi mắc bệnh sởi.

Ông khuyến cáo: “Trường học là môi trường rất dễ lây lan bệnh dịch, do bệnh lây qua đường không khí nên lớp học phải thông thoáng. Vì vậy, công tác vệ sinh phòng học và tuyên truyền cho phụ huynh theo dõi sức khỏe con mình là điều cần thiết nhất. Ngành Y tế cần tổ chức tập huấn cho các trường học về xử lý khi có dịch bệnh xảy ra, cách nhận biết dấu hiệu bệnh để phòng ngừa và xử lý kịp thời. Không thể để Tây Ninh là điểm nóng của bệnh truyền sởi và các bệnh truyền nhiễm”.

Ông nhận định thêm, nếu công tác xử lý và quản lý ổ dịch tại địa phương không tốt, người lớn cũng bị lây bệnh sởi. Vì vậy, ngành Y tế tỉnh cần đưa ra các khuyến cáo, truyền thông càng sớm, càng tốt. Các cơ sở điều trị phải tổ chức phân luồng ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, trường hợp nặng phải cách ly để tránh lây bệnh cho những bệnh nhi khác.

Bên cạnh công tác giám sát và xử lý ổ dịch, phát hiện, đáp ứng kiểm soát bệnh sởi tại cộng đồng, trong trường học, Viện Pasteur đề nghị các ngành liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ trong kiểm soát dịch, chia sẻ thông tin bệnh, phối hợp đáp ứng với bệnh nhân sốt phát ban nghi sởi và các bệnh truyền nhiễm khác.

Từ đầu năm 2024 đến nay, khu vực phía Nam có 41 ca bệnh ho gà và 1.147 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 481 ca có xét nghiệm dương tính (ca xác định); số ca sốt phát ban nghi sởi tăng gấp 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Riêng tại TP.HCM có 116 ca dương tính, trong đó 3 ca tử vong. 

Tâm Giang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục