Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Liên quan đến Chợ khu công nghiệp (KCN) Chà Là, Báo Tây Ninh đã từng có bài phản ánh vào tháng 10.2018 về những bất cập xung quanh việc xây dựng chợ và việc Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh ra thông báo yêu cầu chủ đầu tư ngưng hoạt động của chợ.
Điều này đã khiến gần 400 tiểu thương ở đây hoang mang, mong ngành chức năng sớm giải quyết để mọi người có thể trở lại mua bán như trước. Tuy nhiên, đến nay, sự việc vẫn chưa đi đến hồi kết, vì mâu thuẫn giữa Công ty Đầu tư Quốc tế (chủ đầu tư hạ tầng của KCN) và Công ty TNHH TM DV Hoa Huy Hoàng - chi nhánh Tây Ninh (chủ đầu tư chợ tại KCN) chưa được giải quyết.
Nhiều người buôn bán ngay tại bến xe bus của KCN
Theo lời của các tiểu thương, từ sau khi có thông tin về việc di dời chợ, nửa năm nay, việc kinh doanh bị ảnh hưởng rất lớn. Bà Lại Thị Kiểu, tiểu thương bán hàng tạp hoá ở đây cho biết, việc mua bán ở chợ trước kia rất thuận lợi và an ninh, trật tự. Tất cả tiểu thương đều phải bán ở chợ, không được ra dọc hai bên đường vào KCN bán như trước đây nữa. Nếu ai bỏ chợ đi ra ngoài sẽ bị đội bảo vệ của chợ nhắc nhở, yêu cầu quay lại. Nhờ đó, tiểu thương ngồi tại chợ, công nhân ra ca là vào chợ mua hàng đảm bảo trật tự, ổn định.
Khoảng một thời gian, không hiểu vì sao phía Công ty Đầu tư Quốc tế cho móc đường mương, xây bờ rào chắn trước một số gian hàng; khu vực đất trống trước đây được công ty cho thuê làm bãi giữ xe máy cũng bị lấy lại. Việc này đã khiến một số công nhân đi xe máy không thể vào chợ mua hàng, rào chắn thì cản trở đi lại. Không có người mua, nhiều tiểu thương đã bỏ chợ, trở ngược ra ngoài bán rong dọc đường vào KCN.
Tuy nhiên, vẫn có một số tiểu thương chấp hành tốt quy định ban đầu là bán tại chợ mà không ra ngoài bán rong. Nhưng, các tiểu thương này khó cạnh tranh lại với những người buôn bán bên ngoài.
“Tình trạng này kéo dài đã gần nửa năm nay khiến việc mua bán ngày càng ế ẩm. Đã vậy, khoảng 9 giờ sáng ngày 12.6, phía Công ty Đầu tư Quốc tế lại còn cho người xuống hàn 3 cánh cửa thông giữa bãi xe bus ra với chợ làm từ sáng đến chiều chúng tôi không buôn bán được gì. 3 cánh cửa này có từ khi mới thành lập chợ đến nay. Khi công ty đưa chúng tôi vào chợ bán, chúng tôi có yêu cầu mở cửa này để công nhân khi đi xe bus xuống ra đây ăn uống, mua hàng hoá rồi lên xe về. Bây giờ, họ để người bán tự do ở ngoài đường, thậm chí vào tận bến xe bán, còn cửa ra chợ thì khoá lại, vậy chúng tôi bán hàng cho ai”, bà Kiểu bức xúc nói.
Người bán hàng rong dọc đường ra vào KCN.
Chị Huỳnh Thị Gái, bán nước ngọt ở chợ cũng cho biết thêm, trước kia, để có vị trí bán hàng thuận lợi, nhiều người đã phải bỏ ra từ vài chục đến cả trăm triệu đồng để mua những gian hàng mặt tiền. Ngoài ra, hàng tháng mọi người phải đóng tiền thuê chỗ (một lô có diện tích ngang 2m, dài 3m giá 1 triệu đồng/ tháng). Có người mỗi tháng đã chi khoảng 6 triệu đồng tiền chỗ. Không có tiền nhưng nhiều người vẫn chạy vạy vay mượn với hy vọng vào bán được sẽ trả dần. Nhưng chợ mới đi vào hoạt động chưa tới một năm đã có thông tin chợ xây không đúng quy định, phải dở bỏ xây lại.
“Từ ngày đó đến nay, Công ty Hoa Huy Hoàng không thu phí chỗ nhưng tình hình buôn bán ngày càng tệ. Nhiều người giờ ôm nợ nhưng không thể bỏ chợ được, mọi người vẫn hy vọng chợ được quy hoạch lại để vào bán. Mong chính quyền địa phương giải quyết sớm cho bà con tiểu thương ở đây được nhờ”, chị Gái nói.
Từ khi hai công ty khởi kiện nhau, chợ không ai quản lý, nguồn điện, nước phục vụ cũng bị cắt. Một tiểu thương phải đứng ra mua máy phát điện chạy, rồi thu lại một phần phí để phụ tiền dầu. Nhưng rác thải thì không ai thu gom. Trước đây, hằng ngày đều có người đi thu gom rác và xử lý. Nhưng gần nửa năm nay, tiểu thương phải mang đổ cạnh con kênh cặp KCN. Nếu tình trạng này kéo dài, đống rác ngày càng lớn sẽ càng ô nhiễm.
Cánh cửa ngăn giữa bến xe bus và chợ.
Một vấn đề đáng lo là tình hình an ninh trật tự tại đây thường xuyên bất ổn. Đã từng xảy ra những vụ tranh cãi, ẩu đã vì tranh giành chỗ bán giữa mọi người với nhau, hoặc mâu thuẫn giữa bảo vệ của KCN với người bán… khiến địa phương rất bức xúc.
Tại cuộc họp tiếp xúc cử tri vừa qua, cử tri của xã Chà Là cũng đã kiến nghị đến đoàn đại biểu HĐND tỉnh, huyện cần có giải pháp để khắc phục, sớm đưa chợ vào hoạt động ổn định.
Ngày 11.6, UBND huyện Dương Minh Châu đã có công văn hoả tốc báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh về tình hình chợ KCN Chà Là. Công văn ghi rõ, Công ty Đầu tư Quốc tế và Công ty Hoa Huy Hoàng đã thực hiện việc thu tiền mặt bằng của các tiểu thương mua bán tại chợ. Gần đây, công ty Đầu tư Quốc tế có thông báo không cho các tiểu thương Chợ KCN Chà Là buôn bán tại đây.
Trong thời gian chờ giải quyết tranh chấp giữa hai công ty liên quan đến Chợ KCN Chà Là, nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, UBND huyện kiến nghị lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo Ban quản lý Khu Kinh tế yêu cầu Công ty Đầu tư Quốc tế tiếp tục duy trì hoạt động của chợ như hiện nay.
Nhiều gian hàng bên trong chợ bỏ không.
UBND huyện Dương Minh Châu cũng đề nghị, “nếu Công ty Đầu tư Quốc tế không chấp hành, lãnh đạo UBND tỉnh cho phép địa phương thực thi quyền của mình để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn”.
Trước kiến nghị của UBND huyện Dương Minh Châu, ngày 13.6, UBND tỉnh đã có công văn thống nhất với đề xuất của UBND huyện Dương Minh Châu, giao Ban quản lý Khu Kinh tế yêu cầu nhà đầu tư phải sớm có giải pháp đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của tiểu thương, không được để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự.
N.D