Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Không để xoá sổ vùng nguyên liệu mì vì dịch bệnh
Thứ sáu: 00:05 ngày 11/08/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tính đến ngày 7.8, cả tỉnh có hơn 5.000 ha mì bị nhiễm bệnh, trong đó nhiễm dưới 30% là khoảng 3.600 ha; trên 1.200 ha nhiễm từ 30-70% và gần 240 ha nhiễm trên 70%.

Theo quy trình kỹ thuật, sau khi xác định cây mì bị bệnh khảm lá sẽ tiến hành phun thuốc diệt bọ phấn trắng- tác nhân trung gian lây truyền bệnh.

Sau 3 ngày sẽ tiêu huỷ cây mì bị bệnh bằng cách nhổ bỏ và đốt, hoặc cày vùi (đối với diện tích bị nhiễm bệnh trên 70%).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến làm việc với Ban chỉ đạo huyện Tân Biên.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều hộ dân có mì bị nhiễm bệnh, sau khi phun thuốc trừ bọ phấn trắng xong vẫn không tiến hành tiêu huỷ mì theo khuyến cáo của ngành chức năng. Trong đó, Tân Châu là huyện có diện tích mì bị nhiễm bệnh nhiều nhất, khoảng 4.000 ha (chiếm 77% diện tích mì bị nhiễm bệnh trong toàn tỉnh) nhưng mới tiêu huỷ được khoảng 180 ha.

Lý do mà nhiều hộ dân đưa ra là do vốn đầu tư cao, mong muốn được tự phun thuốc diệt bọ phấn trắng và để mì đến khi thu hoạch.

Điển hình, trường hợp của anh Nguyễn Minh Hoàng (ngụ tại huyện Tân Châu) có 19 ha mì trồng tại Nông trường 7 (Suối Dây) được 3 tháng tuổi.

Hiện tại, mì của anh cũng đã nhiễm bệnh khảm lá với tỷ lệ dưới 20%. Tuy mức độ nhiễm không nhiều, nhưng khi địa phương vận động nhổ bỏ số cây mì bị bệnh để tránh lây lan, anh Hoàng vẫn không đồng ý.

Anh Hoàng cho rằng, hiện mì đang trong giai đoạn tạo củ, tuy có bệnh nhưng nếu anh tập trung phun xịt thuốc dưỡng lá, kích thích củ, nếu kéo dài thêm khoảng 3 tháng đã có thể thu hoạch.

“Mì này bình thường 11 tháng tôi mới nhổ, nhưng nếu bệnh vầy thì khoảng 7-8 tháng có thể nhổ cũng được. Dù năng suất và điểm bột không cao, nhưng vẫn gỡ gạc được chút ít. Giờ tới thu hoạch không phải bỏ vốn bao nhiêu nữa, nếu phải nhổ để tiêu huỷ thì thiệt hại lớn lắm”, anh Hoàng nói.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch khảm lá cây mì tỉnh khảo sát cây mì nhiễm bệnh tại xã Tân Đông, Tân Châu.

Còn ông Giáp Văn Tăng (xã Tân Đông) có 17 ha mì 4 tháng tuổi, trong đó đa số mì bị nhiễm bệnh khoảng 30%, riêng có 1,7 ha bị nhiễm nặng gần như 100%.

Tuy nhiên, cho đến nay, sau gần nửa tháng phát hiện bệnh và đã phun thuốc, ông Tăng vẫn chưa tiêu huỷ.

“Tiền thuê đất đã 20 triệu đồng/ha, còn tiền phân diêm, cây giống tôi đầu tư vào tính ra phải gần 40 triệu đồng/ha. Bao nhiêu vốn liếng đổ vào đó rồi. Giờ mong nhà nước tìm cách nào để cho chúng tôi duy trì số mì này vài tháng nữa để thu hoạch, được nhiêu hay nhiêu. Chứ giờ tiêu huỷ mà tiền hỗ trợ quá thấp thì chúng tôi biết phải làm sao”, ông Tăng nói.

Với suy nghĩ đó, không riêng gì Tân Châu mà ở các huyện còn lại cũng gặp khó khăn trong công tác vận động người dân tiêu huỷ mì bị nhiễm bệnh. Đây chính là nguyên nhân khiến tiến độ dập dịch hiện nay diễn ra quá chậm.

Đến nay, chỉ riêng huyện Hòa Thành đã tiêu huỷ xong 4,4 ha mì bị nhiễm bệnh, còn lại các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành và thành phố Tây Ninh số mì nhiễm bệnh chưa được tiêu huỷ vẫn còn rất lớn.

Tính đến ngày 7.8, số diện tích nhiễm bệnh đã được phun xịt, sau 3 ngày phải tiêu huỷ chỉ mới được gần 6%. Trong đó, huỷ bằng cách nhổ đốt cây khoai mì bị bệnh chỉ được 5,4% diện tích nhiễm và huỷ bằng cách cày vùi chỉ mới được 0,5% diện tích nhiễm.

Điều đáng lo là hiện có hơn 1.700 ha mì đã phun thuốc trước ngày 1.8, đến nay là sau 7 ngày, thuốc đã hết hiệu lực trừ bọ phấn trắng. Theo khảo sát của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tây Ninh thì bọ phấn trắng đã tái nhiễm rải rác trên đồng và tiếp tục gia tăng mật số. Nếu không kịp thời tiêu huỷ cây mì bệnh, bọ phấn trắng sẽ tiếp tục chích hút và lan truyền virus.

Trước tình hình dập dịch quá chậm như hiện nay, ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch khảm lá cây mì của tỉnh đã đến từng địa phương, khảo sát tình hình và trao đổi với Ban chỉ đạo các huyện.

Tiêu huỷ mì nhiễm bệnh khảm lá tại xã Tân Đông, Tân Châu.

Ông Chiến yêu cầu các địa phương cần đẩy mạnh công tác vận động tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn tác hại của bệnh khảm lá. Đây là một loại bệnh hiện không có thuốc điều trị và khả năng lây lan rất nhanh.

Do đó, sau khi phun xịt thuốc phải tiêu huỷ cây mì bị nhiễm bệnh theo quy định và tuyệt đối không để trễ quá 7 ngày sau khi phun, vì như vậy sẽ dẫn đến tình trạng bọ phấn trắng tái nhiễm và tiếp tục phát tán nguồn bệnh.

Nếu các địa phương vẫn không quyết liệt, còn chậm trễ, khiến dịch bệnh không cắt đứt kịp thời, sẽ dẫn đến nguy cơ vùng nguyên liệu mì của cả tỉnh bị xóa sổ. 

Một điều mà ông Chiến hết sức lưu ý bà con trồng mì trong giai đoạn hiện nay, đó là việc lạm dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật để phun xịt cho cây mì bị bệnh thay vì quyết định tiêu huỷ.

“Nếu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật  tùy tiện, không tuân thủ thời gian cách ly thuốc đối với cây mì sẽ khiến tinh bột mì có tạp chất, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Khi đó, không chỉ ngành mì ở Tây Ninh bị thiệt hại mà việc xuất khẩu tinh bột mì của cả nước cũng bị ảnh hưởng, thậm chí không còn cơ hội xuất khẩu đi các nước”, ông Chiến cảnh báo.

Để hỗ trợ một phần kinh phí cho người dân tái sản xuất và chi phí tiêu huỷ mì bị nhiễm bệnh, UBND tỉnh đã quyết định:

Chi hỗ trợ sản xuất:

- Diện tích cây mì có tỷ lệ thiệt hại do bệnh khảm lá từ 30%: không được hỗ trợ; từ 30-70%: hỗ trợ 2.000.000đ/ha; từ trên 70%: hỗ trợ 4.000.000đ/ha.

Chi hỗ trợ công tác dập dịch:

- Diện tích cây mì bị nhiễm bệnh từ 30% trở xuống: người dân tự nhổ và tiêu huỷ.

- Diện tích cây mì bị nhiễm bệnh từ 30-70%: tiêu huỷ bằng cách nhổ và đốt. Kinh phí hỗ trợ là 5.220.000đ/ha, gồm chi phí củi, dầu lửa và công nhổ, gom đốt mì.

- Diện tích cây mì bị nhiễm bệnh từ 70% trở lên: tiêu huỷ bằng cách cày vùi. Chi phí hỗ trợ 1.400.000 đồng/ha, gồm tiền công cày vùi mì, công phun thuốc cỏ diệt mầm mì tái sinh và chi phí mua thuốc cỏ.

 

Ngọc Diêu

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục