Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo lực lượng chức năng trực tại chốt kiểm soát cửa ngõ ra vào tỉnh, số phương tiện vận chuyển hàng hoá qua chốt tăng nhiều so với thời gian tỉnh áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, hầu hết đều có mã QR, tài xế có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19.
Kiểm tra phương tiện vận chuyển hàng hoá lưu thông vào tỉnh tại chốt Suối Sâu (phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng) vào ngày 5.10
Kể từ ngày 3.9, khi UBND tỉnh ban hành quyết định về phương án phục hồi sản xuất trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, tình hình dịch bệnh trong tỉnh đã cơ bản được kiểm soát, nhiều địa phương áp dụng Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nới lỏng giãn cách xã hội.
Tín hiệu phục hồi kinh tế trong giai đoạn “bình thường mới” hết sức lạc quan khi các doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động trở lại. Thế nhưng không thể vì thế mà việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các chốt kiểm soát cửa ngõ ra vào tỉnh lơ là.
Theo Thanh tra giao thông tỉnh, từ 18 giờ ngày 4.10 đến 18 giờ ngày 5.10, chỉ trong một ngày, tổng số lượt phương tiện kiểm tra tại các chốt ra vào cửa ngõ tỉnh Tây Ninh là 1.734 chiếc; tổng số lượt khai báo bằng quét mã QR tại các chốt là 2.219 người.
Theo lực lượng chức năng trực tại chốt kiểm soát cửa ngõ ra vào tỉnh, số phương tiện vận chuyển hàng hoá qua chốt tăng nhiều so với thời gian tỉnh áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, hầu hết đều có mã QR, tài xế có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19.
Ông Nguyễn Trung Hiếu- thanh tra viên TTGT, Chốt trưởng Chốt kiểm soát Suối Sâu trên quốc lộ 22, phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng, một trong những cửa ngõ chính ra vào tỉnh cho biết, kể từ ngày 1.10, Thành phố Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách, người dân Tây Ninh cư trú tại Thành phố tự phát đi về, qua chốt Suối Sâu nhiều hơn.
Do đó, nhiệm vụ của chốt càng thêm nặng nề, ngoài việc vừa bảo đảm lưu thông hàng hoá, vừa phòng, chống dịch. Việc kiểm soát khai báo y tế, quản lý danh sách người dân tự phát về từ các tỉnh, thành có dịch phải thực hiện một cách nghiêm túc, thận trọng, đúng quy định.
Dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là biến thể Delta có khả năng lây lan cực nhanh. Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh là các tỉnh, thành nằm sát nhau, có mối quan hệ kinh tế - xã hội chặt chẽ, sự di chuyển qua lại liên tục, đan xen của người dân và đặc điểm diễn biến dịch tương đồng. Do đó, công tác phòng, chống dịch cần phải có sự tiếp cận một cách tổng thể, phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các địa phương thì mới hiệu quả, bền vững.
Thực tiễn nêu trên đặt ra yêu cầu cấp bách là các địa phương phải nghiên cứu và thống nhất về đánh giá mức độ dịch, các biện pháp dịch tễ cần triển khai nhằm tiến tới kiểm soát dịch cũng như định hướng, chủ trương, chính sách để có thể cùng nhau mở cửa và phục hồi kinh tế.
Vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi cho tỉnh Tây Ninh văn bản đề nghị góp ý dự thảo hợp tác vùng trong phòng, chống dịch Covid-19. Trong văn bản phúc đáp, Tây Ninh cũng đã xác định mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của người dân; tuân thủ sự chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; kiên trì phòng, chống dịch theo phương châm bảo đảm hài hoà, hợp lý, hiệu quả giữa phòng, chống dịch với các hoạt động kinh tế.
Xác định rõ dịch bệnh sẽ tồn tại lâu dài trong cuộc sống và phát sinh nhiều biến thể mới từ SARS-CoV-2, cần phải có giải pháp thích nghi để sống khoẻ và sống an toàn, chuyển từ trạng thái “Zero Covid” sang trạng thái “thích ứng linh hoạt, an toàn với Covid-19”.
Mọi hoạt động dựa trên 6 nguyên tắc: “y tế là trụ cột, là trung tâm; kinh tế là cơ sở nền tảng; dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; ổn định chính trị xã hội là trọng yếu thường xuyên; vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”.
Tuỳ theo tình hình kiểm soát dịch mà thực hiện thận trọng các nội dung mở cửa lại kinh tế. “Chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”, “Lợi ích hài hoà - rủi ro chia sẻ”, “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”, “An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa phải an toàn”.
Theo dự thảo thoả thuận hợp tác vùng trong phòng, chống dịch Covid-19, cần tạo điều kiện cho việc lưu thông, thống nhất các quy định trong việc vận chuyển hàng hoá thông suốt giữa các tỉnh, thành phố.
Các địa phương chỉ kiểm tra người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hoá tại điểm đi, điểm đến, không kiểm tra trên đường theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải… Các quy định về kiểm soát lưu thông tại các chốt cần triển khai thống nhất đến tất cả các địa bàn trong phạm vi tỉnh, thành phố, không chỉ ở các đường giao thông liên tỉnh.
Sở Giao thông Vận tải, Công an các tỉnh, thành phối hợp trao đổi thống nhất về thủ tục kiểm soát trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải và quy định của địa phương; thống nhất cách thức triển khai đồng bộ nhằm tạo điều kiện cho người tham gia vận chuyển hàng hoá nắm bắt thông tin và thực hiện đúng quy định.
Dự thảo cũng quy định, về chuỗi cung ứng nguyên vật liệu sản xuất, hàng hoá, thống nhất thiết lập kênh tiếp nhận thông tin và đường dây nóng phản ánh giữa các địa phương để nắm được tình hình sản xuất, tiêu thụ của hàng hoá/sản phẩm và có phương án phân phối hợp lý, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các địa phương.
Lập danh sách các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng đã được hoạt động trở lại và các địa phương cùng thống nhất phương án hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng để kết nối lại giao thương.
Ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động tại các cơ sở thuộc chuỗi cung ứng các mặt hàng thiết yếu; người lao động trong các ngành vận tải và logistics, đặc biệt là lái xe, phụ xe vận tải, liên tỉnh, đội ngũ lao động tại các cảng biển, cửa khẩu…
Trong khi chờ các tỉnh, thành trong vùng thống nhất về dự thảo thoả thuận, ông Lê Nhật Thành- Phó chánh Thanh tra giao thông vận tải tỉnh cho biết, các chốt vẫn tăng cường công tác kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào tỉnh để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ do UBND tỉnh giao, “bình thường mới” không có nghĩa chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.
Tấn Hưng
Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 sáng 9.10, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đề nghị các địa phương bám sát chủ trương chuyển hướng chiến lược đã được thống nhất là từ “zero Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Các địa phương phối hợp với các bộ để mở lại giao thông liên tỉnh, không để giao thông vận tải là điểm nghẽn, không “ngăn sông cấm chợ” để mở cửa nền kinh tế, phục hồi và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành quyết liệt chỉ đạo để việc lưu thông và giao thông vận tải thực hiện thống nhất trên toàn quốc, cả hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ.
Các địa phương theo điều tiết chung, không ban hành giấy phép con, không cát cứ, không chia cắt. “Thận trọng, không chủ quan nhưng phải làm, có bước đi, có lộ trình, trước hết thí điểm 1 tuần, sau đó sơ kết, cái gì tốt thì tiếp tục làm, không tốt thì dừng”, Thủ tướng nêu rõ. Bộ GTVT tham khảo ý kiến các địa phương nhưng người quyết định phải là Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và Bộ GTVT, đồng thời tăng cường kiểm tra, không để mỗi địa phương làm một kiểu.