Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Không được chủ quan trước thiên tai mùa mưa bão
Thứ sáu: 06:35 ngày 17/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tăng cường công tác kiểm tra hạ tầng, nhất là công trình giao thông, thuỷ lợi, hồ chứa nước, hệ thống kênh tiêu trục chính; chủ động rà soát, di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ ảnh hưởng thiên tai...

Hoa màu bị ngập úng do mưa to liên tục.

Hiện nay, cùng với các tỉnh khu vực Nam bộ, Tây Ninh đang bước vào mùa mưa bão năm 2020. Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó với tình hình thời tiết cực đoan trong gian đoạn từ nay đến cuối năm 2020.

Không được chủ quan, lơ là

Theo ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Tây Ninh là tỉnh ít chịu ảnh hưởng của thiên tai, nhất là các cơn bão.

Tuy nhiên, không vì thế mà người dân có thể chủ quan. Cụ thể là trong 6 tháng đầu năm 2020, tuy chưa phải là mùa mưa bão nhưng trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 21 vụ thiên tai làm 41 căn nhà bị sập, tốc mái, 3 trường học và 112 ha cây trồng bị ảnh hưởng; tổng giá trị thiệt hại gần 5 tỷ đồng.

Trong khi đó, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai diễn ra bất thường và thường xuyên hơn. Mặt khác, công tác dự báo, cảnh báo về thiên tai còn hạn chế, chưa xác định cụ thể vị trí xảy ra giông lốc để đưa ra các bản tin cảnh báo giúp nhân dân chủ động phòng tránh, ứng phó.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế như Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp đều hoạt động kiêm nhiệm, khối lượng công việc nhiều, tiến độ thực hiện nhiệm vụ còn chậm, chưa đáp ứng so với yêu cầu về thời gian cũng như chất lượng công việc.

Công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống thiên tai chưa được triển khai đồng bộ, kịp thời. Mặt khác, người dân chưa chủ động trong công tác chuẩn bị, ứng phó với thiên tai. Công tác thu Quỹ phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ thấp (11,72% so với kế hoạch giao).

Trong những tháng cuối năm 2020, cùng với cả nước, Tây Ninh cũng sẽ bước vào mùa mưa bão. Để chủ động ứng phó, phòng tránh những diễn biến bất thường của thiên tai, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo và kế hoạch ứng phó của Trung ương và UBND tỉnh về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình trong mùa mưa lũ năm 2020; công tác chỉ đạo ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” ứng phó với bão, ngập lụt..., nhất là các biện pháp cần thiết bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiểu thiệt hại, như:

Tăng cường công tác kiểm tra hạ tầng, nhất là công trình giao thông, thuỷ lợi, hồ chứa nước, hệ thống kênh tiêu trục chính; chủ động rà soát, di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ ảnh hưởng thiên tai; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, phát triển ngành, lĩnh vực.

Công ty TNHH MTV khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà, Công ty TNHH MTV khai thác thuỷ lợi Tây Ninh tăng cường kiểm tra công tác an toàn hồ chứa nước, công trình thuỷ lợi; kiểm an toàn đập, hồ chứa,  bảo đảm an toàn công trình trước mùa mưa bão; bảo đảm an toàn nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt và các dịch vụ khác; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án sửa chữa nâng cấp kênh Tây; dự án sửa chữa và nâng cấp hồ chứa nước Dầu Tiếng, thuộc dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8); công tác xây dựng phương án phòng và giảm lũ cho hạ du; xây dựng hành lang thoát lũ, hệ thống thông tin cảnh báo lũ; thực hiện kế hoạch sẵn sàng trong trường hợp khẩn cấp hồ chứa nước đối với khu vực hạ du hồ Dầu Tiếng...

Bên cạnh đó, Tây Ninh cũng tăng cường công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức người dân chủ động phòng tránh, ứng phó giảm nhẹ thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai; triển khai kế hoạch thu Quỹ phòng, chống thiên tai; hỗ trợ kịp thời thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh, giúp nhân dân sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

Giám đốc Sở NN&PTNT cũng lưu ý người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng, từ các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương về phòng chống thiên tai để chủ động trong sản xuất nông nghiệp; thường xuyên kiểm tra, chặt tỉa cây xanh để tránh gãy đổ; kiểm tra, chằng chống nhà cửa để bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão.

Bảo đảm an toàn hệ thống thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng

Là công trình thuỷ lợi nhân tạo thuộc vào loại lớn nhất Việt Nam, hồ Dầu Tiếng (thượng nguồn sông Sài Gòn) giữ vai trò là công trình điều tiết, đảm bảo nước tưới phục vụ cho hơn 63.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt của người dân các tỉnh Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Long An.

Theo ông Trần Quang Hùng - Giám đốc Công ty TNHH khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà (đơn vị chịu trách nhiệm khai thác và vận hành hồ Dầu Tiếng), hồ Dầu Tiếng là công trình quan trọng, có ý nghĩa an ninh quốc gia.

Do vậy, để bảo đảm vận hành an toàn hệ thống thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng, Công ty thường xuyên tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng và vận hành thử nghiệm các hạng mục công trình hồ, đập trước mùa mưa bão hàng năm để kịp thời phát hiện, sửa chữa các hạng mục công trình xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn, bảo đảm vận hành an toàn tuyệt đối. Bên cạnh đó, Công ty cũng tổ chức thành lập đội xung kích thường trực, sẵn sàng ứng phó với những tình huống khẩn cấp có thể xảy ra.

Một căn nhà của người dân tại ấp Hiệp Thành, xã Hòa Thạnh, huyện Châu Thành bị giông lốc cuốn sập.

Đối với một số điểm bị sạt lở tại hệ thống đập chính và đập phụ,  Công ty đã tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án duy tu, sửa chữa, nâng cao thành đập và dự kiến hoàn thành trong tháng 8.2020.

Về lâu dài, để nâng cấp, hoàn thiện toàn bộ hệ thống hồ đập bảo đảm vận hành an toàn, Công ty đang trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa dự án sửa chữa, nâng cấp tất cả các hạng mục công trình hồ, đập, kênh, mương vào nguồn vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025

Cũng theo Giám đốc Công ty TNHH khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà, mỗi năm, nguồn vốn Công ty sử dụng bảo trì hệ thống thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng là khoảng 25-30 tỷ đồng.

Để bảo đảm an toàn vùng hạ du, Công ty rất cần sự phối hợp, hỗ trợ của chính quyền địa phương các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh để xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp, đặc biệt là trước tình hình biến đổi khí hậu có tác động tiêu cực đến thời tiết (dự báo sẽ có nhiều cơn bão tập trung vào cuối năm 2020). Trong đó, TP. Hồ Chí Minh và Tây Ninh là hai địa phương sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nếu để xảy ra sự cố trong quá trình vận hành hệ thống thuỷ lợi này.

Minh Dương

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục