Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chế độ, chính sách đối với giáo viên và học sinh:
Không được tuỳ tiện
Thứ ba: 23:45 ngày 23/11/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau thời gian dài dạy học trực tuyến, trong nhà trường, trong ngành Giáo dục phát sinh một số vướng mắc, thắc mắc, băn khoăn từ nhiều phía về chế độ, chính sách của giáo viên, học sinh và đã có dấu hiệu của sự tuỳ tiện.

Gần hết học kỳ 1 nhưng vẫn chưa thể học trực tiếp.

Giảm số tiết của giáo viên chủ nhiệm

Tại một trường THPT (tạm thời chưa nêu tên), giáo viên phản ánh ban giám hiệu- cụ thể là hiệu trưởng quyết định mỗi tuần, giáo viên làm công tác chỉ được giảm trừ một tiết dạy, điều này gây thiệt thòi cho những người được giao chủ nhiệm lớp.

Theo quy định hiện hành, cụ thể tại văn bản hợp nhất (của hai thông tư) ban hành ngày 23.6.2017, giáo viên chủ nhiệm, ngoài nhiệm vụ chung, còn phải thực hiện nhiều công việc khác. Cụ thể, giáo viên làm chủ nhiệm lớp có những nhiệm vụ tìm hiểu, nắm vững học sinh trong lớp về mọi mặt để có biện pháp tổ chức giáo dục sát với đối tượng nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của từng học sinh và của cả lớp.

Giáo viên chủ nhiệm phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh, chủ động phối hợp với các giáo viên bộ môn, Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên, các đoàn thể, tổ chức xã hội khác có liên quan trong hoạt động giảng dạy và giáo dục học sinh của lớp mình chủ nhiệm.

Giáo viên chủ nhiệm nhận xét, đánh giá xếp loại học sinh cuối kỳ, cuối năm học, đề nghị khen thưởng, kỷ luật học sinh, đề nghị danh sách học sinh được lên lớp, danh sách học sinh phải kiểm tra lại, phải rèn luyện thêm về hạnh kiểm trong kỳ nghỉ hè, phải ở lại lớp, hoàn chỉnh việc ghi vào sổ điểm và học bạ học sinh. Giáo viên chủ nhiệm tham gia hướng dẫn hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục và rèn luyện học sinh do nhà trường tổ chức; báo cáo thường kỳ hoặc đột xuất về tình hình của lớp với hiệu trưởng.

Điều 8 của văn bản hợp nhất các thông tư quy định chế độ giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm các công việc chuyên môn. Theo quy định này, giáo viên chủ nhiệm lớp ở cấp tiểu học được giảm 3 tiết/tuần, ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông được giảm 4 tiết/tuần.

Giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường phổ thông dân tộc nội trú cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông được giảm 4 tiết/tuần; giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường chuyên, trường bán trú được giảm 4 tiết/tuần; giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật được giảm 3 tiết/tuần.

Giáo viên kiêm phụ trách phòng học bộ môn được giảm 3 tiết/môn/tuần. Giáo viên kiêm nhiệm phụ trách công tác văn nghệ, thể dục toàn trường, phụ trách vườn trường, xưởng trường, phòng thiết bị, thư viện (nếu các công tác này chưa có cán bộ chuyên trách) được tính giảm từ 2-3 tiết/tuần tuỳ khối lượng công việc và do hiệu trưởng quyết định. Tổ trưởng bộ môn được giảm 3 tiết/tuần, tổ phó chuyên môn được giảm 1 tiết/tuần.

Bộ GD&ĐT quy định cụ thể như trên trong điều kiện dạy học trực tiếp. Từ khi dịch bệnh bùng phát, ngành Giáo dục ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước chuyển sang dạy học trực tuyến. Mặc dù Bộ GD&ĐT có nhiều văn bản hướng dẫn dạy trực tuyến nhưng chế độ lao động đối với giáo viên nói chung, giáo viên chủ nhiệm lớp nói riêng, chưa có sự điều chỉnh nào.

Điều đó có nghĩa, định mức tiết dạy, chế độ làm việc, số tiết được giảm trừ khi giáo viên kiêm nhiệm những công việc khác, vẫn được giữ nguyên. Do đó, việc giảm số tiết được hưởng của giáo viên chủ nhiệm từ 4 tiết (có nơi 4,5 tiết) xuống còn 1 tiết/tuần là không có cơ sở pháp lý.

Theo phản ánh của một số giáo viên đang công tác tại trường THPT nọ, giải thích việc giảm số tiết chủ nhiệm xuống còn 1 tiết, vị hiệu trưởng nói rằng, dạy học trực tuyến, khối lượng công việc của giáo viên chủ nhiệm không nhiều, “không có việc gì để làm” nên cắt giảm.

“Chúng tôi thấy cách giải thích như vậy không thuyết phục. Tuy dạy trực tuyến nhưng giáo viên chủ nhiệm vẫn phải làm nhiều việc, như thống kê, điểm danh số học sinh trong giờ học qua mạng.

Mới đây, khi ngành Giáo dục tiêm vaccine cho học sinh, chúng tôi cũng phải lập danh sách, thống kê độ tuổi chính xác theo ngày, tập hợp học sinh, mặc dù có phụ huynh đưa con em đi tiêm nhưng chúng tôi cũng phải đi theo.

Do vậy, nói giáo viên chủ nhiệm nhàn rỗi trong những ngày dạy trực tuyến là không đúng”- một số giáo viên chủ nhiệm bày tỏ suy nghĩ. Nhưng điều quan trọng hơn, khi quy định của Bộ GD&ĐT đang có hiệu lực, nhà trường không được phép tự ý điều chỉnh chế độ làm việc, nghĩa vụ cũng như quyền lợi của giáo viên.

Liên quan chế độ làm việc của giáo viên (tất cả giáo viên, không riêng gì giáo viên chủ nhiệm) còn xuất hiện thắc mắc về số tiền thừa giờ do dạy vượt định mức. Do dạy học trực tuyến, nhiều bài học được cắt giảm, theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, năm học này chỉ tính 35 tuần, không phải 37 tuần như những năm trước.

Nhưng khi giáo viên làm chế độ thừa giờ trong năm học lại được yêu cầu phải tính 37 tuần. Điều này không hợp lý, vì thực dạy có 35 tuần nhưng khi lấy tổng số tiết thừa giờ chia cho 37 tuần khiến những giáo viên nào dạy vượt định mức sẽ bị thiệt thòi.

Theo quy định hiện hành, định mức dạy của giáo viên THPT 17 tiết/tuần. Như vậy, việc phải tính thêm hai tuần (37-35) khiến cho mỗi giáo viên mất 34 tiết thừa giờ, nếu như giáo viên đó dạy vượt định mức được giao.

Khoản thu của một trường THPT (tạm thời không nêu tên).

Chưa đi học đã thu tiền... liên hoan cuối năm

Mặc dù đang dạy học và học trực tuyến, cả thầy lẫn trò đang vô cùng khó khăn, chất lượng dạy học bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chưa biết đến khi nào mới học trực tiếp được nhưng một số nhà trường vẫn thu những khoản tiền lẽ ra không nên thu, ít nhất chưa nên thu. Khoản tiền chưa nên thu đầu tiên là tiền mua đồng phục để học môn Thể dục.

Tại thời điểm này, nhiều trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm gấp rút thu tiền của học sinh (có trường đã thu xong) để mua đồng phục học Thể dục cho học sinh. Khoản tiền này, lẽ ra chưa nên thu, vì học sinh đang học trực tuyến tại nhà, chưa đến trường nên việc thu tiền mua đồng phục hoàn toàn không cần thiết.

Đó còn chưa kể, một số môn học và hoạt động giáo dục, trên thực tế không thể dạy và học trực tuyến, nếu có cũng chỉ dạy qua loa, hình thức như Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm... Có trường còn thu cả khoản tiền không có trong quy định, ví dụ tiền sổ tay.

Tiền sổ tay là một khoản tiền do nhà trường tự đặt ra rồi phát cho học sinh mỗi em một cuốn sổ. Cuốn sổ này ghi một số nội quy, quy chế của nhà trường đối với học sinh. Khoản thu này vừa vô lý (vì không có trong quy định) vừa không cần thiết.

Học sinh hiện nay đang học tại nhà, chưa thể xác định cụ thể bao giờ các em được học trực tiếp, do đó, yêu cầu học sinh đóng tiền mua sổ tay để học nội quy, quy chế của nhà trường là không cần thiết. Điều quan trọng, theo quy định, nhà trường không được phép thu, không được tự ý đặt ra những khoản thu ngoài quy định.

Ngoài hai khoản trên, hiện nay nhiều trường phổ thông đang giao cho giáo viên chủ nhiệm thu một khoản tiền cực kỳ vô lý, trái quy định: tiền liên hoan cuối năm học. Mới đây, có trường hợp giáo viên chủ nhiệm lớp gửi thông báo đến phụ huynh kèm nội dung thu tiền “liên hoan cuối năm, đề nghị quý phụ huynh chuyển tiền vào tài khoản khác”.

Tài khoản khác là tài khoản nào? Khi phụ huynh hỏi, giáo viên cho số tài khoản để phụ huynh chuyển khoản nhưng đó không phải số tài khoản ngân hàng của giáo viên. Phụ huynh nạp tiền và “chuyển khoản thành công” nhưng không rõ số tài khoản kia của ai, của người nhà giáo viên hay của hội trưởng hội phụ huynh từng lớp học?

Đầu năm học, Sở GD&ĐT đã có văn bản quy định, hướng dẫn chi tiết về những khoản tiền nhà trường được phép thu, không được phép thu hoặc thu nhưng trên tinh thần tự nguyện (Báo Tây Ninh đã thông tin) nhưng thực tế cho thấy đang xảy ra tình trạng lạm thu, dù học sinh chưa tới trường.

Ví dụ khoản thu bảo hiểm thân thể, đây là loại hình bảo hiểm thương mại, không phải bảo hiểm y tế, văn bản hướng dẫn cũng nói rõ, khoản thu này hoàn toàn tự nguyện, song nhiều trường học vẫn đưa vào khoản thu bắt buộc.

Lại còn trường hợp thu cả tiền học nghề phổ thông, dù chưa biết có học được hay không. Những hiện tượng như trên xảy ra ở trường phổ thông, có trường trực thuộc Sở GD&ĐT, có trường thuộc Phòng GD&ĐT và UBND huyện, thị thành phố. Chúng tôi có đầy đủ tài liệu, thông tin, chi tiết các khoản thu của một số đơn vị trường học nhưng tạm thời chưa muốn nêu đích danh.

Dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội, đại bộ phận người dân, công nhân đang khó khăn. Do đó, việc thủ trưởng đơn vị tự giảm số tiết của giáo viên chủ nhiệm hay chuyện lạm thu, thu sai quy định, thu những khoản thu chưa cần thiết, là điều không nên có, không được phép.

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh