Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Chỉ thị số 733 yêu cầu chấn chỉnh thực hiện quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Chỉ thị số 733 yêu cầu chấn chỉnh thực hiện quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục.
Chỉ thị nêu, thực hiện quy định của Luật Cư trú năm 2020 về việc sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy (SHK, STT giấy) hết giá trị sử dụng sau ngày 31.12.2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản có quy định liên quan đến việc nộp, xuất trình SHK, STT giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục và thực hiện công bố, công khai các thủ tục hành chính này theo quy định.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tình trạng nhiều địa phương, cơ sở giáo dục yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp hoặc xuất trình SHK, STT giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 90/CĐ-TTg ngày 28.2.2023 về việc chấn chỉnh thực hiện quy định liên quan đến bỏ SHK, STT giấy; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23.2.2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu:
Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục các cấp thực hiện nghiêm túc việc không quy định (hoặc yêu cầu) cá nhân, tổ chức nộp hoặc xuất trình SHK, STT giấy ngoài các thành phần hồ sơ theo quy định khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục.
Các địa phương, cơ sở giáo dục đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm điều kiện để khai thác, sử dụng thông tin về dân cư không yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp, xuất trình các loại giấy tờ khác chứng minh thông tin về cư trú như giấy xác nhận thông tin về cư trú, thông báo số định danh cá nhân… khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục.
Ngành Giáo dục tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm và các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc việc không yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp hoặc xuất trình SHK, STT giấy khi thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục.
Đẩy mạnh tuyên truyền tới công chức, viên chức ở các cấp quản lý giáo dục, các giáo viên, giảng viên và nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm và các đơn vị có liên quan không được yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp hoặc xuất trình SHK, STT giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục.
Niêm yết công khai thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ trực tiếp tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại địa phương, cơ sở giáo dục để người dân biết việc không yêu cầu nộp, xuất trình SHK, STT giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục.
Giám đốc Sở GD&ĐT chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định về việc bỏ yêu cầu nộp, xuất trình SHK, STT giấy khi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục.
Cục Công nghệ thông tin chủ trì thực hiện việc rà soát, nâng cấp các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ GD&ĐT bảo đảm hoàn thành kết nối, tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Văn phòng và các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT chủ trì giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ GD&ĐT phối hợp với Cục Công nghệ thông tin thực hiện tái cấu trúc quy trình, hoàn thiện quy trình nội bộ để tổ chức khai thác, sử dụng thông tin về cư trú phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, không yêu cầu cá nhân, tổ chức xuất trình hoặc nộp SHK, STT giấy và các giấy tờ chứng minh về cư trú.
Chỉ thị này được phổ biến đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp quản lý giáo dục, các giáo viên, giảng viên và nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm và các đơn vị có liên quan để quán triệt và thực hiện nghiêm túc, kịp thời.
Liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong lĩnh vực giáo dục, tại Tây Ninh, cách đây chưa lâu, khi triển khai công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Sở GD&ĐT lưu ý thí sinh, sổ hộ khẩu giấy không còn giá trị sử dụng trong việc xác định nơi cư trú của thí sinh (để tính điểm ưu tiên).
Trong khi, theo ước tính, cả nước vẫn còn khoảng 20% thí sinh thiếu những giấy tờ cần thiết, thậm chí có cả học sinh từ nước ngoài về dự thi. Do đó, để được hưởng chế độ cộng điểm ưu tiên một cách chính xác, đúng đối tượng, thí sinh phải viết bản cam kết trong đó nói rõ mình cư trú ở đâu, trong thời gian nào thật chính xác, vì thông tin này ảnh hưởng đến chế độ cộng điểm ưu tiên. Thông thường, chế độ cộng điểm ưu tiên cao nhất thuộc về thí sinh sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn (vùng 135).
Việt Đông