Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ngày 27.7 vừa qua, Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa đã chính thức thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Một trong những thông tin đáng chú ý của chương trình mới là giảm số tiết học ở tất cả các cấp học nhưng không giảm số môn học.
Học sinh tiểu học thi vẽ tranh.
Ở cấp tiểu học, có các môn và các hoạt động giáo dục bắt buộc: Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Ngoại ngữ 1 (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5), Tự nhiên và Xã hội (lớp 1, lớp 2, lớp 3), Lịch sử và Địa lý (ở lớp 4, lớp 5), Khoa học (lớp 4, lớp 5), Tin học và Công nghệ (lớp 3, lớp 4, lớp 5), Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm (trong đó có nội dung giáo dục của địa phương). Các môn học tự chọn bao gồm: Tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 1 (lớp 1, lớp 2).
Cấp trung học cơ sở, học sinh phải học các môn bắt buộc và hoạt động giáo dục như sau: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương. Các môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2.
Ở cấp trung học phổ thông, các môn học bắt buộc bao gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương.
Các môn học được lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp gồm 3 nhóm môn Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật), Khoa học tự nhiên (Lý, Hoá, Sinh), Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Cũng ở cấp học này, học sinh có thể lựa chọn học theo từng chuyên đề gồm 3 môn học phù hợp với nguyện vọng cá nhân. Các môn học được lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp gồm 3 nhóm môn Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật), Khoa học tự nhiên (Lý, Hoá, Sinh), Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Ở lớp 10, 11, 12, học sinh chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và điều kiện tổ chức của nhà trường.
Học sinh có thể đăng ký học ở một cơ sở giáo dục khác những môn học và chuyên đề học tập mà trường học sinh đang theo học không có điều kiện tổ chức dạy.
Như tên gọi, chương trình học phổ thông vừa được thông qua có tính chất tổng thể, chưa được chi tiết hoá. Chương trình tổng thể là căn cứ để viết sách giáo khoa và cụ thể hoá thời lượng, số lượng tiết học ở từng môn học.
Trên các diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng số tiết học của môn tiếng Anh được giữ nguyên như chương trình hiện hành là quá ít (3 tiết/tuần). So với chương trình hiện hành, chương trình mới thực ra không hề giảm.
Có người cho rằng ở cấp trung học cơ sở giảm môn Mỹ thuật và Âm nhạc. Thật ra điều này không đúng. Mặc dù tên gọi của hai môn học nêu trên không còn trong chương trình mới nhưng nó đã được thay bằng một tên gọi mới, đó là môn Nghệ thuật.
Ở các cấp học còn lại, số môn học không những không giảm mà thậm chí còn có thêm môn mới, ví dụ môn Giáo dục quốc phòng và an ninh ở cấp trung học phổ thông. Môn học này na ná như môn Thể dục nhưng lại được tách thành một môn riêng, là môn bắt buộc.
Nhìn sâu xa, có thể thấy, về tổng thể, chương trình không khác nhiều so với hiện hành nhưng đã được tổ chức lại, đổi tên gọi một số môn học.
Điều này cũng dễ hiểu vì không thể giảm số lượng các môn học do liên quan đến đội ngũ giáo viên. Khi chương trình mới được triển khai đại trà, việc tổ chức, bố trí giáo viên trong nhà trường sẽ có sự xáo trộn nhất định, vì có một số môn học đã được gộp lại, sáp nhập với nhau, ví dụ môn Lịch sử và Địa lý ở cấp trung học cơ sở. Cấp trung học phổ thông có thêm môn Nghệ thuật nhưng hiện chưa có giáo viên cho môn học này.
Một vấn đề đặt ra ngay từ lúc này là đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh ở cấp tiểu học. Chương trình hiện hành ở cấp tiểu học không bắt buộc dạy tiếng Anh, việc có dạy hay không tuỳ vào từng trường, điều kiện của mỗi địa phương. Nhưng với chương trình mới, tiếng Anh là môn học bắt buộc, do đó cần có sự chuẩn bị cần thiết về đội ngũ giáo viên cho môn học này.
Theo kế hoạch trước đây, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ triển khai từ năm học 2018 - 2019. Tuy nhiên, vừa qua, có nhiều ý kiến đề nghị lùi thời gian thêm một, hai năm để có sự chuẩn bị chu đáo hơn.
Đ.V.T