BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới giáo dục:

Không giấu giếm, chạy theo thành tích 

Cập nhật ngày: 10/10/2018 - 09:08

BTN - Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Minh Tân, tinh thần của Tây Ninh là không giấu giếm, không chạy theo thành tích. Vừa qua, Thường trực Tỉnh uỷ đã cho chủ trương để UBND tỉnh tuyển bổ sung giáo viên mầm non, vì nếu để thiếu giáo viên ở bậc học này, chất lượng nuôi dạy trẻ bị ảnh hưởng.

Trưởng đoàn giám sát Bùi Thị Thanh phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh.

XÂY DỰNG ÐẢNG TRONG NHÀ TRƯỜNG

Theo báo cáo của UBND tỉnh, sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết 29, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1429/QÐ-UBND về việc thực hiện Chương trình hành động số 39-Ctr/TU của Tỉnh uỷ Tây Ninh và các văn bản chỉ đạo khác trên lĩnh vực giáo dục đào tạo, các cấp chính quyền và ngành Giáo dục thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn bộ máy quản lý Giáo dục, sắp xếp và sáp nhập các phòng, ban của Sở GD-ÐT cho phù hợp với nhiệm vụ mới.

Ngành Giáo dục sắp xếp lại các điểm trường nhỏ lẻ, tổ chức lại các trung tâm giáo dục thường xuyên huyện, thành phố thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và bàn giao cho uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố quản lý.

Công tác xây dựng Ðảng trong trường học được quan tâm, nhất là công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được các cấp uỷ thường xuyên lãnh đạo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, giáo viên trong thực hiện mục tiêu cải thiện chất lượng giáo dục toàn diện. Tính đến tháng 9.2018, toàn ngành Giáo dục có 6.300 đảng viên/15.301 tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành, chiếm tỷ lệ 41,17% (tăng 1.084 đảng viên và tăng 5,7% so với năm 2013).

Công tác xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội ở trường học được thực hiện tốt (100% các đơn vị trường học đều có đảng viên, tổ chức công đoàn, 499/521 trường có chi bộ độc lập). Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền luôn quan tâm chỉ đạo các trường trên địa bàn tỉnh triển khai, thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15.5.2016 của Bộ Chính trị, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Ðồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, thực hiện các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Giáo dục và Ðào tạo quan tâm thực hiện thường xuyên công tác giáo dục truyền thống, lịch sử đảng bộ địa phương, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ trong các trường học. Các trường trung học phổ thông phối hợp với các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu nghề cho học sinh và hướng dẫn học sinh tham quan các trường cao đẳng, đại học để các em có định hướng chọn trường, chọn nghề sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt hiệu quả cao.

Chương trình giáo dục phổ thông tiếp tục được thực hiện có hiệu quả theo hướng chuẩn hoá, hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học trên. Phương pháp dạy và học được đổi mới; chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn được duy trì, củng cố và ngày càng được nâng lên, chú trọng giáo dục phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học theo Nghị quyết số 29-NQ/TW.

5 năm qua kể từ khi triển khai Nghị quyết 29, ngành Giáo dục tỉnh thường xuyên quan tâm xây dựng các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh người dân tộc thiểu số. Trong đó, tập trung dạy tiếng Việt cho học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số nhằm bảo đảm cho các em đạt chuẩn năng lực tiếng Việt của mỗi khối lớp và của cấp học.

Ðồng thời tổ chức dạy học tiếng Chăm và Khmer cho học sinh dân tộc cấp tiểu học ở các huyện Tân Biên, Tân Châu và thành phố Tây Ninh. Các cơ sở giáo dục ở Tây Ninh tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.

Hiện nay, toàn tỉnh có 22 trường tiểu học và 16 trường trung học cơ sở triển khai áp dụng mô hình trường học mới (VNEN). Công tác bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên được tổ chức thường xuyên, giúp giảng viên, giáo viên cập nhật phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước khắc phục kiểu truyền thụ một chiều.

Việc đổi mới công tác kiểm tra, thi, đánh giá kết quả học tập được triển khai thực hiện thường xuyên. Công tác kiểm tra, đánh giá đối với giáo dục phổ thông theo hướng tiếp cận năng lực người học là xu thế đánh giá tiên tiến của thế giới, bảo đảm tính công bằng, khách quan, chính xác, tin cậy, thuận lợi.

Năm học 2017-2018, 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, 99,4% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở; 99,4% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông; 77,36% học sinh khối giáo dục thường xuyên tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia.

5 năm qua, các cấp uỷ chính quyền chỉ đạo thực hiện việc xây dựng xã hội học tập ở địa phương gắn kết chặt chẽ với việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW, ngày 13.4.2007 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng (khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Ngành Giáo dục và các cấp chính quyền đã tạo điều kiện thuận lợi để mọi người, mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, liên tục và học tập suốt đời nhằm nâng cao trình độ văn hoá, nghề nghiệp.

Thực hiện chủ trương hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo, năm học 2017-2018, Sở GD-ÐT bố trí 5 giáo viên người Philippines dạy tiếng Anh tại 5 trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Ngành Giáo dục phối hợp với Tổ chức Teach For Vietnam bố trí 16 giáo viên giảng dạy tại 16 trường tiểu học và 16 trường THCS (sử dụng vốn ngân sách Nhà nước).

Năm học 2018-2019, ngành tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Tổ chức Teach For Vietnam tổ chức cho giáo viên dạy ở 28 trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Năm học 2018-2019, ngành Giáo dục tiếp nhận 1 trợ giảng tiếng Anh Fulbright về làm việc tại Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha. Hiện tại, ngành đang tiến hành các thủ tục xin tài trợ giáo viên ngoại ngữ người nước ngoài tham gia giảng dạy tiếng Anh ở các trường phổ thông tại Tây Ninh.

Ngoài những kết quả đạt được, ngành Giáo dục cần phải tổ chức loại hình lớp học 2 buổi/ngày tuy có tăng nhưng tỷ lệ ở cấp THCS vẫn chưa cao. Công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT đã có nhiều chuyển biến nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả.

CHÚ TRỌNG ÐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC

Trong buổi làm việc với UBND tỉnh, đoàn giám sát nêu hàng loạt vấn đề với tổng cộng hơn 30 câu hỏi liên quan đến giáo dục và đề nghị lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành Giáo dục giải trình. Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong lĩnh vực dạy nghề, một trong những khó khăn hiện nay là Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên không có giáo viên dạy nghề cho đúng nghĩa, vì giáo viên ở Trung tâm là những người được đào tạo để dạy các môn văn hoá. Ðối với chủ trương mỗi tỉnh chỉ còn một trường nghề theo tinh thần Nghị quyết 19 năm 2017 của Trung ương Ðảng, điều này cần phải có lộ trình, chưa thể thực hiện ngay được.

Lãnh đạo Sở GD-ÐT cũng thừa nhận, việc phân luồng học sinh sau THCS thật sự khó khăn và đạt hiệu quả thấp. Liên quan đến Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trong thời gian tới, ngành sẽ xem xét, phân tích kỹ để đơn vị nào tồn tại độc lập, đơn vị nào có thể sáp nhập, vì có những trung tâm rất gần nhau. Liên quan đến chuyện dạy tiếng Việt cho học sinh vùng sâu, vùng có đông học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số theo tài liệu Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Ðại, lãnh đạo Sở khẳng định chương trình này hiệu quả.

Trong khi đó, đại diện Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đề nghị Trung ương tổ chức tổng kết chương trình Công nghệ giáo dục, để khách quan, nên lấy ý kiến của giáo viên, học sinh về chương trình này. Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc cũng kiến nghị xem xét lại vấn đề độc quyền trong lĩnh vực xuất bản sách giáo khoa...

 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, Tây Ninh đã và đang dành sự quan tâm đối với công tác đào tạo nhân lực. Trong thời gian qua, Tây Ninh thực hiện chính sách đào tạo và thu hút người tài, một số sinh viên giỏi về làm theo hình thức hợp đồng một thời gian khá dài, nhưng theo tinh thần của Nghị quyết số 19 năm 2017 của Trung ương, thì điều này hiện nay không còn phù hợp.

Vì thế, tỉnh buộc phải thanh lý hợp đồng, chờ có đợt thi công chức, có vị trí việc làm mới có thể bố trí cho những đối tượng này đi thi. Trong mấy năm qua, Tây Ninh đã và đang từng bước chấn chỉnh bệnh thành tích trong giáo dục, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức nghiêm túc, đúng quy chế. Ðối với việc thực hiện chính sách dành cho giáo viên, lãnh đạo tỉnh cho rằng, vấn đề này vẫn còn bất cập.

“Quân đội, Công an có chế độ riêng nhưng giáo viên, bác sĩ lại chưa có, vì thế có muốn dồn hết tâm huyết cho nghề cũng khó”- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu. Lãnh đạo UBND tỉnh kiến nghị Trung ương xem xét lại một số chính sách liên quan đến giáo dục đào tạo để địa phương chủ động thu hút nhân lực trình độ cao.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Minh Tân, tinh thần của Tây Ninh là không giấu giếm, không chạy theo thành tích. Vừa qua, Thường trực Tỉnh uỷ đã cho chủ trương để UBND tỉnh tuyển bổ sung giáo viên mầm non, vì nếu để thiếu giáo viên ở bậc học này, chất lượng nuôi dạy trẻ bị ảnh hưởng.

Trưởng đoàn giám sát Bùi Thị Thanh đã ghi nhận những kết quả của ngành Giáo dục Tây Ninh, trong đó có Trường cao đẳng nghề Tây Ninh “ăn nên làm ra”, nguồn tuyển dồi dào. Những kiến nghị của Tây Ninh, đoàn sẽ tổng hợp, báo cáo các cấp quản lý Trung ương xem xét giải quyết.

VIỆT ÐÔNG