Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Không hỗ trợ, ưu đãi giáo viên mầm non
Thứ sáu: 07:51 ngày 31/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sau nhiều lần bàn thảo, tiếp thu ý kiến đóng góp và chỉnh sửa, ngày 23.3 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đã ký Quyết định số 642/QĐ-UBND ban hành đề án hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tại vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2017 – 2020. So với dự thảo, đề án chính thức có một số điều chỉnh.

Cô trò Trường mầm non Trưng Vương, huyện Châu Thành.

CẢ CHỤC NGÀN EM CHƯA ĐƯỢC ĐẾN TRƯỜNG

Theo tinh thần của đề án, giáo dục mầm non (GDMN) là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển thể chất, trí tuệ, tình cảm và thẩm mỹ của trẻ. Để GDMN thật sự đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng, ngoài việc bảo đảm tốt các yếu tố như chương trình học, đội ngũ giáo viên... thì hệ thống kết cấu hạ tầng trường, lớp học cũng giữ vai trò quan trọng.

Trong những năm gần đây, mạng lưới trường lớp dành cho giáo dục mầm non được chính quyền địa phương quan tâm mở rộng, cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng mới khang trang, đáp ứng cơ bản nhu cầu nuôi dạy trẻ trên địa bàn tỉnh. Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ ngày càng được nâng cao, đội ngũ những người làm công tác nuôi dạy trẻ được nâng lên cả về số lượng lẫn chất lượng.

Xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng cao thì nhu cầu gửi trẻ vào các trường mầm non ngày càng lớn, không chỉ tại các khu kinh tế, khu công nghiệp mà còn các vùng nông thôn. Tuy nhiên thực tế hiện nay, số lượng trường mầm non trong tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của các bậc phụ huynh học sinh và các trường chưa tổ chức nhận trẻ dưới 24 tháng tuổi. Vì thế, số lượng học sinh trên lớp tại các trường mầm non, mẫu giáo công lập luôn cao hơn quy định.

Qua khảo sát tại các xã nông thôn cho thấy, các trường mầm non, mẫu giáo công lập không còn phòng học để đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh. Vì thế, nhiều người dân đã phải gửi con em mình vào những nhóm/lớp mầm non ngoài công lập chưa đạt chuẩn. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, tỷ lệ trẻ em lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo ra lớp còn thấp so với mục tiêu quy định, trẻ em ở các vùng nông thôn, vùng kinh tế khó khăn chưa có điều kiện ra lớp còn khá lớn.

Toàn tỉnh hiện có 127 trường mầm non, mẫu giáo, trong đó có 53 trường mầm non và 74 trường mẫu giáo; 118 trường công lập, 9 trường ngoài công lập. Kết quả khảo sát thực trạng tại 40 xã nông thôn cho thấy, nhiều xã không huy động được học sinh độ tuổi nhà trẻ. Cụ thể, trong 40 xã nông thôn này, số học sinh ra lớp trong độ tuổi nhà trẻ chỉ đạt tỷ lệ 3,2%; còn số học sinh trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp chỉ đạt tỷ lệ 57,6%. Ngoài ra, trong toàn tỉnh hiện có 10 xã không huy động được học sinh nào trong lứa tuổi nhà trẻ ra lớp (0%) và 6 xã có tỷ lệ huy động này dưới 1%... Đây là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ huy động trẻ mầm non- mẫu giáo ra lớp của tỉnh thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, mặt khác, cơ sở vật chất, trường lớp ngành học mầm non chưa bảo đảm, còn thiếu nhiều. Theo số liệu thống kê, nếu chia độ tuổi trẻ mầm non- mẫu giáo theo 5 cấp độ tuổi (dưới 6 tháng tuổi, từ 6 - dưới 36 tháng tuổi, 3 tuổi, 4 tuổi, 5 tuổi) so với 5 cấp độ của tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5) thì số trường mầm non hiện còn thấp hơn số trường tiểu học rất nhiều.

Mục tiêu tổng quát của tỉnh là đến năm 2020 tăng tỷ lệ trẻ tại các cơ sở GDMN công lập, tăng trường mầm non ngoài công lập, giảm số lượng nhóm, lớp mầm non ngoài công lập; xây dựng mới trường mầm non tại các xã nông thôn có tỷ lệ huy động trẻ em ra lớp thấp, các trường chưa đáp ứng nhu cầu huy động trẻ em lứa tuổi nhà trẻ, bảo đảm quy mô và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

SẼ XÂY MỚI HÀNG CHỤC TRƯỜNG MẦM NON

Theo nội dung của bản đề án, Tây Ninh phấn đấu đến năm 2020 có trên 90% cán bộ, giáo viên, bảo mẫu của các nhóm trẻ độc lập tư thục tại địa bàn thực hiện đề án được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng chăm sóc trẻ và được giáo dục đạo đức lương tâm nghề nghiệp; trên 70% trẻ dưới 36 tháng tuổi tại địa bàn triển khai đề án được gửi tại các nhóm trẻ được quản lý và bảo đảm chất lượng; trên 95% các bà mẹ ở khu vực nông thôn được truyền thông nâng cao nhận thức về chăm sóc và phát triển trẻ.

Nếu đề án được triển khai đúng kế hoạch thì giai đoạn 2017-2018, tỉnh Tây Ninh sẽ xây dựng 8 trường mầm non mới (trong đó có nâng cấp 3 điểm phụ thành trường mới) và mở rộng thêm 14 trường, tổng số phòng học mới xây tối thiểu 132 phòng. Nhu cầu diện tích đất xây dựng các trường tối thiểu là 41.950m2, nhu cầu biên chế viên chức và nhân viên 346 người.

Trong hai năm 2019-2020, tỉnh sẽ xây tiếp 8 trường mầm non mới, và mở rộng thêm cho 10 trường, tổng số phòng học mới xây tối thiểu 140 phòng; nhu cầu diện tích đất tối thiểu là 45.850m2, nhu cầu biên chế viên chức và nhân viên 350 người. Theo tính toán, hiệu quả đầu tư mang lại của đề án khi áp dụng đồng bộ các giải pháp, đến năm 2020, tỷ lệ huy động trẻ em nhà trẻ ước đạt 22,9% (3.280/14.314 em); tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo ước đạt 79,2% (19.506/24.624 em).

Để xây mới và sửa chữa số trường mầm non như vừa kể ở trên, đối với giáo dục mầm non thuộc hệ thống công lập, việc bố trí vốn đầu tư xây dựng mới ở các huyện sẽ được ưu tiên, trong đó tập trung đầu tư xây dựng các trường mầm non ở các xã nông thôn. Đối với cơ sở GDMN ngoài công lập, tỉnh sẽ thực hiện chính sách ưu tiên dành quỹ đất xây dựng các trường mầm non ngoài công lập trong quy hoạch sử dụng đất dành cho giáo dục của tỉnh. UBND tỉnh yêu cầu uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố công khai chi tiết, cụ thể về quy hoạch sử dụng đất dành cho giáo dục, trong đó có đất dành cho GDMN để các tổ chức và cá nhân biết, tham gia thực hiện.

Giờ nghỉ trưa của trẻ mầm non tại Khu dân cư Chàng Riệc, xã Tân Lập, huyện Tân Biên.

BỎ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN

Một trong những thay đổi đáng chú ý của đề án hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tại vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2017 – 2020 vừa được thông qua là bỏ chính sách hỗ trợ đối với giáo viên về công tác tại những trường mầm non mới.

Theo bản dự thảo ban đầu, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ về mặt thu nhập đối với giáo viên. Đối tượng được hỗ trợ là giáo viên (kể cả những người hợp đồng) thuộc biên chế trả lương, đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở GDMN công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách Nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật). Cán bộ quản lý (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) thuộc biên chế trả lương của các cơ sở GDMN công lập và nhân viên kế toán, thủ quỹ, y tế, văn thư, bảo vệ, phục vụ, cấp dưỡng (kể cả những người hợp đồng) thuộc biên chế trả lương cũng nằm trong diện được hỗ trợ tài chính.

Theo bản dự thảo, chế độ hỗ trợ như sau: Đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở GDMN công lập được hỗ trợ thêm 20% tiền lương/tháng do tính chất công việc; đối với cán bộ quản lý và giáo viên, nhân viên trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhóm trẻ từ 6 tháng đến 24 tháng tuổi được hỗ trợ thêm 25% tiền lương/tháng do tính chất công việc; giáo viên mầm non mới ra trường được tuyển dụng mới được hỗ trợ thêm cho giáo viên mới ra trường về công tác tại các trường mầm non bắt đầu từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2017 – 2018.

Mức hỗ trợ dành cho giáo viên: năm đầu được tuyển dụng hỗ trợ 80% lương cơ sở/người/tháng; năm thứ hai sau khi được tuyển dụng hỗ trợ 60% lương cơ sở/người/tháng; năm thứ ba sau khi được tuyển dụng hỗ trợ 40% lương cơ sở/người/tháng. Từ năm thứ tư thực hiện chế độ tiền lương cho giáo viên theo quy định hiện hành.

Năm 2016, bản dự thảo đề án đã nhận được một số ý kiến đóng góp, trong đó có vấn đề chế độ hỗ trợ dành cho giáo viên mầm non. Có ý kiến cho rằng việc quy định hỗ trợ đối với giáo viên là không nên, vì sẽ nảy sinh tâm lý “so bì” giữa giáo viên trường này với trường khác, dù cả hai trường có thể cùng đứng chân trên cùng một xã. Tại thời điểm đó (năm 2016), lãnh đạo Sở GD – ĐT cho biết, khi xây dựng bản đề án cũng đã tính tới chuyện giáo viên so sánh với nhau về mức thu nhập. Song điều đó không đáng quan ngại cho lắm, vì chế độ hỗ trợ chỉ duy trì trong ba năm đầu khi trường mới thành lập, sau đó chế độ của giáo viên sẽ hoàn toàn ngang nhau.

Thật ra, việc quy định chế độ ưu đãi, chính sách hỗ trợ dành cho giáo viên ở những trường mới xây là không cần thiết. Bởi ở Tây Ninh, còn rất nhiều sinh viên mầm non đã tốt nghiệp nhưng chưa tìm được việc làm. Số đối tượng này chỉ mong được tuyển dụng mà không trông đợi chế độ ưu tiên nào hết. Mặt khác, diện tích tỉnh Tây Ninh tương đối hẹp, địa hình bằng phẳng, giao thông thuận lợi, do đó không cần có chính sách riêng với nhóm giáo viên như trong dự thảo đề án nêu ra.

VIỆT ĐÔNG

Tổng kinh phí thực hiện đề án là 129.200.000.000 đồng. Giai đoạn năm 2017-2018 sẽ xây dựng 8 trường mầm non mới (trong đó có nâng cấp 3 điểm phụ thành trường mới) và mở rộng thêm cho 14 trường. Tổng kinh phí 66.800.000.000 đồng. Giai đoạn 2019-2020 sẽ xây dựng 8 trường mầm non mới, và mở rộng thêm cho 10 trường. Tổng kinh phí 62.400.000.000 đồng. Nếu đề án được thực hiện thành công thì có thêm gần 10 ngàn trẻ em sẽ được đến trường.
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh