Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Không hôn hít trẻ để tránh nhiễm virus hô hấp hợp bào
Thứ ba: 08:22 ngày 03/11/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Những ngày qua, số lượng trẻ nhập viện vì các bệnh lý hô hấp tại Bệnh viện Nhi Trung ương tăng gấp đôi, nhiều bé nhiễm virus hợp bào RSV dễ lây.

Trung tâm Hô hấp của Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi ngày tiếp nhận 40 trẻ, gấp đôi bình thường, hầu hết đều dưới 6 tháng tuổi.

Bé gái gần 5 tháng tuổi ở Nghệ An đang phải thở máy tại phòng chăm sóc đặc biệt của Trung tâm Hô hấp. Trước khi vào viện bé sốt cao, thở khò khè, điều trị 10 ngày ở bệnh viện tuyến dưới không bớt nên chuyển ra Hà Nội.

Bác sĩ Lê Thanh Chương, Trưởng khoa Hồi sức Hô hấp, cho biết tình trạng bệnh nhi có tiến triển nhưng rất chậm. Trẻ sinh non khi mới 28 tuần nên biến chứng suy hô hấp nặng hơn. Bé là một trong 50 trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV đang được điều trị ở Trung tâm, trong khi ngày thường chỉ có 10-15 trẻ.

Một em bé mắc bệnh hô hấp đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Thúy Hạnh.

RSV là virus chỉ cư trú ở niêm mạc đường hô hấp, dễ lây lan thông qua giọt bắn, qua bàn tay, quần áo hay tiếp xúc trực tiếp như ăn uống, hôn hít với trẻ.

"Người lớn mang mầm bệnh chính là trung gian truyền bệnh cho trẻ nhỏ. Nếu trẻ khỏe, miễn dịch tốt có thể chỉ bị hắt hơi, chảy mũi sau đó tiếp tục tạo ra giọt bắn khuếch tán ra môi trường lây cho những trẻ khác", bác sĩ Chương giải thích.

Vì vậy, người lớn đến các chỗ đông người, khi về nhà nên thay quần áo, sát khuẩn tay trước khi bế trẻ. Không hôn hít, mớm cơm cho bé. Để tránh lây chéo tại bệnh viện, bệnh nhi nhiễm RSV phải nằm riêng từng giường cách xa nhau.

Bác sĩ Dương Thị Thủy, Chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, ngày 2/11 cũng cho biết từ đầu tháng 10 tới nay, số bệnh nhi tới khám gia tăng đột biến, chủ yếu là bệnh lý liên quan tới thay đổi thời tiết như viêm mũi họng, cảm cúm, viêm phế quản, sốt phát ban...

"Đây là bệnh lý thường gặp ở trẻ khi thời tiết diễn biến thất thường từ nóng sang lạnh, hoặc từ lạnh sang nắng", bác sĩ Thủy nói.

Biểu hiện ban đầu của thường bệnh là ho khan, hắt hơi, ngạt mũi, mệt mỏi, sốt nhẹ. Sau vài ngày ho bắt đầu có đờm. Thông thường, sau 7-10 ngày triệu chứng giảm dần và hết. Tuy nhiên, những triệu chứng này khó có thể phân biệt giữa cảm cúm, viêm xoang, viêm mũi dị ứng hay viêm phế quản phổi... Gia đình cần đưa trẻ đi khám mới có thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có hướng xử lý kịp thời, tránh gây biến chứng.

Bố mẹ cần cho trẻ nhập viện ngay nếu bé xuất hiện các triệu chứng như ho nặng tiếng hoặc ho kéo dài quá một tuần; Sốt cao, hay sốt kéo dài 3 ngày liên tục; Mũi đặc mủ xanh vàng; Nổi ban, ăn uống kém...

Để phòng ngừa bệnh lý đường hô hấp, nhất là thời vào thời điểm giao mùa, cha mẹ cần giữ ấm cơ thể, tránh nhiễm lạnh. Vệ sinh mũi họng sạch, rửa tay thường xuyên. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho bé. Tránh tiếp xúc với người mắc bệnh lý đường hô hấp.

Nguồn VNE

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục