BAOTAYNINH.VN trên Google News

Không hợp với Lẽ đời, Luật đạo

Cập nhật ngày: 22/07/2022 - 00:10

BTN - Vấn đề là ở chỗ, các thế lực thù địch luôn sử dụng dân chủ, tôn giáo và nhân quyền như một vũ khí, lợi dụng lòng yêu nước, sự sùng đạo của người dân để khoét sâu những bất cập, tồn tại trong đời sống xã hội, nhằm lôi kéo, tập hợp những người dân nhẹ dạ cả tin hoặc thiếu thông tin gây rối, gây phức tạp về an ninh, trật tự, gây bất ổn xã hội.

Tư à, ta nói lạ lắm! Ở nước mình nào giờ, hoạt động tôn giáo cực kỳ sôi động, các cơ sở thờ tự trong tôn giáo và tín đồ liên tục gia tăng. Vậy mà không hiểu sao mấy bạn phương Tây, như cái gọi là Uỷ ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) vừa công bố báo cáo về tình hình tự do tôn giáo quốc tế năm 2021, trong đó nhận xét điều kiện tự do tôn giáo của Việt Nam trong năm 2021 không có gì khác biệt so với năm 2020. Thậm chí, USCIRF còn đòi sửa đổi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam. Ngộ kỳ đời ha?

- Có gì đâu mà ngộ? Không ít cá nhân, tổ chức nước ngoài vẫn chưa từ bỏ mưu đồ rắp tâm chống phá Việt Nam thông qua vấn đề dân chủ, tôn giáo và nhân quyền, nên việc họ bóp méo hoặc có cái nhìn sai lệch về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam là chuyện dễ hiểu.

Chỉ cần xem qua một vài số liệu thống kê là biết ở Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo hay không! Theo số liệu từ Ban Tôn giáo Chính phủ, nếu như năm 1985, số lượng tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam vào khoảng 14 triệu, thì đến năm 2021 đã tăng lên hơn 26,5 triệu.

Tính đến tháng 4.2022, các tôn giáo ở Việt Nam có 66 cơ sở đào tạo chức sắc với 10.000 học viên đang theo học, riêng Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 47 cơ sở đào tạo, trong đó có 4 học viện Phật giáo. Tính đến ngày 31.12.2021, cả nước có 29.800 cơ sở thờ tự của các tôn giáo, tăng thêm 5.800 cơ sở so với năm 2008…

Vấn đề là ở chỗ, các thế lực thù địch luôn sử dụng dân chủ, tôn giáo và nhân quyền như một vũ khí, lợi dụng lòng yêu nước, sự sùng đạo của người dân để khoét sâu những bất cập, tồn tại trong đời sống xã hội, nhằm lôi kéo, tập hợp những người dân nhẹ dạ cả tin hoặc thiếu thông tin gây rối, gây phức tạp về an ninh, trật tự, gây bất ổn xã hội.

Ðiển hình như hôm 13.7.2022, một số phần tử kích động bà con Công giáo giáo xứ Bình Thuận, xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An chống đối người thi hành công vụ; tổ chức cho 6 giáo xứ ở các khu vực khác nhau của Nghệ An như Phú Vinh, Yên Hoà, Hoà Bình, Thanh Dạ, Phú Yên, Lộc Mỹ “cầu nguyện” cho những kẻ vi phạm pháp luật bị lực lượng Công an bắt.

- À, vụ gây rối, cản trở đóng con đường mòn nằm trong quy hoạch Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 Nghệ An, dù chính quyền đã mở một con đường dân sinh mới. Bữa đọc trên Báo Nghệ An có một tín đồ Công giáo xứ Nghệ viết vầy: “Riêng đối với người có đạo chân chính chúng tôi hết sức hổ thẹn với sự cuồng loạn, mất nhân tính của một vài người anh em đồng đạo ở xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, có thể khẳng định rằng việc chống lại người thi hành công vụ của một số bà con xóm Bình Thuận là hoàn toàn sai trái, không hợp với Lẽ đời, Luật đạo… C

húng ta hãy đoàn kết, hợp nhất cầu nguyện cho người anh em xóm Bình Thuận, xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc thực sự sám hối và ăn năn những tội lỗi mình gây ra, để “Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục; Ðem an hoà vào nơi tranh chấp; Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm”. Hơn ai hết mỗi người Công giáo đều hiểu rằng, không thể lấy tranh chấp, không thể oán thù đổi lấy nước Trời. Anh em hãy tự soi mình xem có phải chính anh em đang làm cho trái tim Chúa Giêsu Kitô thêm rỉ máu trên thập giá…”.

- Thông tin cho Năm biết ha! Mấy bữa trước, trang Thông tin Chính Phủ trên mạng xã hội Facebook tổ chức thăm dò ý kiến về đề xuất phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi. Kết quả là, đề nghị tăng mức phạt được nhân dân bình chọn nhiều nhất với 58.117 lượt bình chọn; 827 lượt đồng ý mức phạt trên; 463 lượt cho là phạt quá nặng, đề nghị giảm mức phạt.

Chỉ thế thôi cũng rõ cộng đồng mạng bức xúc đến bực nào trước các hành vi lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi, cần phải có những chế tài xử phạt nghiêm minh hơn nữa để răn đe.

Ð.H.T