Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tiêu chí xây dựng đường giao thông nông thôn được xem là một trong những tiêu chí quan trọng, bởi nó không chỉ là “bộ mặt” mà còn là động lực phát triển của xã nông thôn mới. Thế nhưng, việc xây dựng, nâng cấp đường giao thông theo tiêu chí “cứng hoá” tại các xã nông thôn mới đã bộc lộ nhiều bất cập do kết cấu đường có trọng tải thấp nhưng thường xuyên có nhiều xe tải lớn lưu thông dẫn đến nhiều đường giao thông đạt chuẩn nông thôn mới nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng...
Con đường nông thôn mới tại ấp Ninh Hưng 2, xã Chà Là đang xuống cấp, bong tróc.
NÔNG THÔN TĂNG TỐC, đường tan nát
Tại ấp Suối Cao A, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu, hiện nay các con đường bên trong khu “chu vi” phần lớn đã được đầu tư nâng cấp thành đường nhựa hoặc bê tông xi măng. Tuy nhiên, đã có một vài con đường bắt đầu có dấu hiệu hư hỏng, xuất hiện ổ gà dù Phước Đông là xã mới đạt danh hiệu xã nông thôn mới năm 2015.
Theo người dân nơi đây, các con đường được thiết kế có tải trọng thấp (khoảng 6 tấn), thế nhưng, khi các con đường nơi đây được nâng cấp “cứng hoá” thành đường nhựa, người dân bắt đầu đổ xô xây cất nhà cửa dọc theo con đường. Khi xây dựng thì phải có xe chở vật liệu xây dựng lưu thông- nhiều xe chở đất, đá, gạch có tải trọng lớn. Do đó, con đường nhanh chóng xuống cấp.
Còn tại đường số 11 - Trần Văn Trà, xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh, con đường nhựa hiện đã “tan nát” dù chỉ mới hoàn thành được 2 năm. Người dân cư ngụ dọc theo con đường này cho biết, khi xã Bình Minh tiến hành xây dựng nông thôn mới, con đường được nâng cấp thành đường nhựa. Người dân vui mừng chưa bao lâu thì nay lại phát rầu vì sự xuống cấp của con đường. Bởi lẽ con đường rất nhỏ hẹp, chiều ngang chỉ khoảng 3m nhưng hằng ngày lại có khá nhiều xe tải có trọng tải lớn, xe máy cày chở hàng hoá chạy qua, do con đường nối liền ra quốc lộ 22B tại xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành. Con đường mới được nâng cấp đã nhanh chóng hư hỏng nên người dân không khỏi thắc mắc về chất lượng thi công của công trình.
Ấp Ninh Hưng 2, xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu, nhiều con đường cũng đã được nâng cấp thành đường nhựa. Tuy nhiên, một số tuyến đường đã cho thấy dấu hiệu xuống cấp dù mới hoàn thành chẳng bao lâu. Đơn cử như con đường cặp thánh thất Chà Là, mặt đường có đoạn đã có dấu hiệu xuống cấp, bong tróc hết lớp nhựa đường.
Đường giao thông nông thôn mới ở xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành cũng không tránh khỏi tình trạng xuống cấp, hư hỏng. Tại đường số 54- Phạm Hùng, ấp Long Thới xuất hiện nhiều điểm lún, ổ gà. Một người dân ở đây bức xúc cho biết, con đường có tải trọng không lớn nhưng phía bên trong, nhiều hộ dân có xe tải trọng lớn lưu thông qua lại hằng ngày, dẫn đến con đường bị hư hỏng. Chưa kể do không có chỗ đậu xe nên các hộ dân có xe tải cho xe đậu ngay trên lề đường mỗi khi không chở hàng, lâu ngày dẫn đến tình trạng sụt lún mép đường vì kết cấu nền đường yếu.
BÀI TOÁN NAN GIẢI CHO CÁC ĐỊA PHƯƠNG
Theo lãnh đạo UBND xã Phước Đông, huyện Gò Dầu, địa phương cũng thấy được bất cập trong việc thực hiện tiêu chí “cứng hoá” đường nông thôn mới. Trong đó có việc đường được thiết kế có trọng tải thấp, khi có nhiều xe tải lưu thông ắt sẽ sớm dẫn đến hư hỏng. Đồng thời còn có thực tế là khi đường được nâng cấp, mở rộng, kinh tế xã hội cũng phát triển theo, như trường hợp người dân xây nhà cửa ắt phải có xe chở vật tư, rồi xe tải của người dân sắm sửa để chở hàng hoá.
Về phía xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh, lãnh đạo địa phương cũng nắm được tình trạng hư hỏng nghiêm trọng tại đường số 11 - Trần Văn Trà do có nhiều xe tải, xe máy cày lưu thông hằng ngày. Hiện nay, ngoài đường số 11 Trần Văn Trà bị hư hỏng, tại xã Bình Minh còn có 2 tuyến đường cấp phối sỏi đỏ cũng bị hư hỏng nặng do mùa mưa năm nay kéo dài, trong khi người dân thu hoạch nông sản mì, mía dùng máy cày, xe tải để vận chuyển đến nhà máy. Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho rằng, đường được thiết kế có tải trọng thấp nhưng cũng không thể cấm người dân dùng phương tiện xe tải, xe máy cày vận chuyển nông sản hàng hoá.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Chà Là cho biết, đối với các con đường đã nhựa hoá có dấu hiệu bị hư hỏng, địa phương cũng đã tiến hành thông báo cho nhà thầu để tiến hành sửa chữa do các con đường này vẫn còn trong thời hạn bảo hành. Nguyên nhân cũng do năm nay mưa lớn kéo dài, một số đoạn đường bị đọng nước, cộng với việc các tuyến đường nông thôn hằng ngày có xe tải trọng tải lớn chạy ra đường tỉnh 784 nên không tránh khỏi nhanh chóng xuống cấp. Ngoài ra, cũng có một số con đường cấp phối sỏi đỏ, mặt đường có dấu hiệu xuống cấp trong mùa mưa vừa qua. Sắp tới, xã sẽ tiến hành duy tu bảo dưỡng các tuyến đường sỏi đỏ. Cũng như các địa phương khác, bài toán khó đặt ra với xã Chà Là là dù các con đường nông thôn mới được thiết kế có tải trọng thấp, nhưng vẫn không thể nào “cấm đường” đối với các phương tiện có tải trọng lớn, xe máy cày để vận chuyển nông sản hàng hoá của nông dân trong vụ thu hoạch.
PHẢI NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TIÊU CHÍ NÔNG THÔN MỚI
Qua theo dõi quá trình xây dựng và duy trì kết quả Chương trình xây dựng nông thôn mới tại một số địa phương đạt chuẩn, chúng tôi nhận thấy hệ quả của việc thực hiện tiêu chí “cứng hoá” đường giao thông nông thôn do những nguyên nhân vừa khách quan, vừa chủ quan. Nguyên nhân chủ quan là do thiết kế “cứng hoá” đường giao thông chưa cụ thể và chưa lường trước được tốc độ phát triển kinh tế - xã hội sau khi địa phương hoàn thành bộ tiêu chí nông thôn mới. Nguyên nhân khách quan là do lượng mưa lớn kỷ lục và kéo dài trong mùa mưa vừa qua. Mặt khác, dù sao cũng không thể phủ nhận rằng trước khi được nâng cấp theo hướng “cứng hoá”, các con đường giao thông nông thôn phần lớn là đường đất, nền yếu, không dành cho các phương tiện cơ giới có tải trọng lớn. Điều này cũng có thể kể là một nguyên nhân khách quan. Trước thực trạng này, có lẽ không có giải pháp nào khác là phải tăng cường trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc phấn đấu, duy trì, giữ vững kết quả xây dựng nông thôn mới.
Về phía ngành chức năng của tỉnh, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, vào tháng 6.2016, Sở Giao thông - Vận tải đã có văn bản gửi Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các huyện, thành phố và các xã về việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí giao thông đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới. Theo đó, đối với công tác quản lý, bảo trì công trình, bảo đảm an toàn giao thông đối với các tuyến đường đã được đầu tư nâng cấp, UBND xã có trách nhiệm tổ chức, bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra, có đánh giá về tình trạng nền mặt đường, hệ thống thoát nước so với hồ sơ thiết kế được duyệt. Trường hợp có phát sinh các hư hỏng cần lập kế hoạch và tiến hành công tác sửa chữa để bảo đảm công năng các tuyến đường theo thiết kế. Hằng năm, UBND các xã tổ chức, bố trí nguồn vốn để thực hiện công tác bảo trì công trình giao thông đã được đầu tư xây dựng.
UBND các xã thường xuyên kiểm tra, đánh giá hệ thống an toàn giao thông như cọc tiêu, biển báo, tường chắn… trường hợp phát hiện các hư hỏng thì cần khắc phục, sửa chữa hoặc thay mới; trường hợp chưa bố trí hệ thống an toàn giao thông thì cần phải bổ sung.
Có thể thấy, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc duy trì và nâng cao chất lượng đường nông thôn mới rất nặng nề, không chỉ hiện nay mà cả trong thời gian tới. Thế nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc thực hiện tiêu chí “cứng hoá” đường nông thôn mới, nhất là đối với những xã kinh tế - xã hội phát triển cần phải nâng thiết kế tải trọng của đường thì mới không nhanh chóng hư hỏng. Bởi lẽ, sự phát triển kinh tế luôn đi đồng hành cùng sự gia tăng phương tiện giao thông, trong đó có nhiều phương tiện xe tải trọng tải lớn. Không thể cấm người dân sống tại các con đường có thiết kế tải trọng thấp mua xe có tải trọng lớn. Và càng không thể buộc người dân nếu mua xe có tải trọng lớn thì không được lưu thông vào con đường đi vào nhà… Đây là vấn đề mà các xã đạt chuẩn nông thôn mới cần phải tìm giải pháp để xử lý.
THIÊN TÂM