BAOTAYNINH.VN trên Google News

Không lơ là trong công tác phòng, chống thiên tai 

Cập nhật ngày: 09/10/2022 - 23:35

BTN - Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh, thiên tai đã làm 1 người bị thương, 581 căn nhà bị ngập, 11.400 ha cây trồng bị ảnh hưởng, tổng thiệt hại 54 tỷ đồng. Hiện nay, tình hình mưa bão tiếp tục diễn biến phức tạp, vì vậy, không được lơ là đối với công tác phòng, chống thiên tai.

Ngập úng ở ấp Phước Hoà gây ô nhiễm môi trường.

Đã từng xảy ra sập nhà, ngập úng

Gia đình ông Cao Vân Ân ở ấp Phước Hoà, xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng là một trong những nạn nhân của giông gió. Vợ chồng ông sống trong căn nhà lợp tôn vách đất. Một hôm, cơn giông to ập đến làm tốc mái căn nhà và sập một bên vách. Hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, hai vợ chồng làm thuê làm mướn kiếm sống.

Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã hỗ trợ vợ chồng ông Ân 70 triệu đồng xây căn nhà tình thương. Ngày 4.10, khi chúng tôi đến thăm, căn nhà tình thương chuẩn bị hoàn thành. “Được Nhà nước hỗ trợ tiền xây cất căn nhà tình thương, vợ chồng tôi mừng lắm. Nếu không có sự giúp đỡ, không biết tới bao giờ vợ chồng tôi có đủ tiền để xây lại căn nhà”- ông Ân nói.

Cùng ngụ ấp Phước Hoà, ông Nguyễn Văn Cam có 4 ha đất trồng lúa, tháng 3 vừa qua, ruộng lúa của ông đang tới kỳ thu hoạch thì mưa to, dẫn tới ngập úng, gây thiệt hại khoảng 40 triệu đồng. Ông Hà Minh Dảo- Phó Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thị xã có nhiều cơn mưa to, gió lớn, gây ngập úng cục bộ, hư hại hơn 1.400 ha lúa và hoa màu, tổng thiệt hại trên 3 tỷ đồng; làm tốc mái 16 căn nhà, trong đó có 3 căn nhà bị tốc mái hoàn toàn.

Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) thị xã đã chỉ đạo các địa phương thăm hỏi, động viên người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai; đồng thời vận động các ban, ngành đến hỗ trợ người dân sửa chữa lại những căn nhà bị hư hại, khai thông cống rãnh, bơm nước cứu hoa màu trên đồng ruộng.

Huyện Dương Minh Châu cũng là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai. Bà Nguyễn Thị Bành, ngụ ấp Phước Hoà, xã Suối Đá cho hay, nhiều năm nay, hễ có mưa lớn là nước từ trên núi đổ xuống con đường trước cửa nhà bà, gây ngập úng cục bộ và làm ô nhiễm môi trường cả khu vực. Gia đình bà Bành phải xây một bức tường ngang mặt sân để nước không tràn vào nhà.

Ông Lê Hồng Khanh, ngụ ấp Phước Hoà, xã Suối Đá chia sẻ, cứ mỗi lần mưa lớn là nước ngập hết mặt sân. Hôm nào mưa to thì nước tràn vào nhà, trôi hết đồ đạc. Sau cơn mưa, ông phải quét nước, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, rất cực khổ. Ông Khanh mong muốn chính quyền địa phương có biện pháp khắc phục tình trạng ngập úng đã kéo dài hàng chục năm qua.  

Hệ thống kênh tiêu hai bên đường 781 quá nhỏ, không thể thoát nước mỗi khi mưa lớn.

Bà Hà Thị Huế Nhung- Chủ tịch UBND xã Suối Đá thông tin, sau cơn mưa ngày 7.9 đến nay, khu vực các tổ 1, 6, 7, 8 ấp Phước Hoà luôn trong tình trạng ngập úng. UBND xã đã khảo sát tình hình và đề xuất UBND huyện khắc phục tình trạng này bằng 2 phương án: nới rộng và sâu thêm đối với hệ thống cống, kênh tiêu hai bên đường 781. Đồng thời nạo vét kênh tiêu ST3, dẫn nước từ ấp Tân Định 2 xuống kênh Tây; hoặc nghiên cứu, thiết kế sao cho nước mưa từ trên núi chảy về kênh tiêu Suối Tre, giảm lượng nước đổ về khu vực ấp Phước Hoà.

Bà Nhung cho biết thêm, do địa bàn xã Suối Đá giáp với hồ Dầu Tiếng, chính quyền địa phương luôn chủ động trong công tác phòng, chống bão. Bão số 4 vừa qua, địa phương tăng cường tuyên truyền trên sóng phát thanh mỗi ngày 3 lượt, mỗi lượt từ 3 đến 5 phút. Ngoài ra, Đội tuần tra nhân dân còn tuyên truyền bằng loa di động ở những nơi giáp với khu vực lòng hồ Dầu Tiếng như Phước Lợi 2, ấp Phước Bình 2, ấp Phước Bình 1 để người dân lưu ý. Hiện nay, xã cho rà soát lại các phương tiện, bảo đảm theo phương châm 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng, nếu có xảy ra thiên tai, bão lụt thì có đủ phương tiện để hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn.

Theo ông Lê Văn Tâm- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, trong 9 tháng năm 2022, ở Tây Ninh đã xảy ra 4 cơn bão gây mưa lớn, ngập úng các xã của huyện Gò Dầu, Châu Thành, Bến Cầu và thị xã Trảng Bàng. Đặc biệt, do ảnh hưởng của cơn bão số 4 (bão Noru), từ ngày 25-30.9, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn kéo dài, gây ngập cục bộ tại các huyện Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu, làm 246 căn nhà bị ngập cục bộ, 655 ha cây trồng bị ngập.

Sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự (PTDS), PCTT và TKCN tỉnh đã phối hợp chính quyền địa phương khẩn trương kiểm tra, lập hồ sơ trình UBND tỉnh hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp từ Quỹ PCTT tỉnh, với kinh phí trên 1,9 tỷ đồng.

Ông Cao Vân Ân khoe căn nhà tình thương đang trong quá trình xây dựng.

Không chủ quan

Ông Lê Văn Tâm nói thêm, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Để bảo đảm an toàn, Sở NN&PTNT chủ động phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp; khi có cảnh báo thiên tai, người dân cần theo dõi các bản tin dự báo, thực hiện các biện pháp phòng tránh có hiệu quả theo hướng dẫn của cơ quan chức năng; chấp hành nghiêm các khuyến nghị của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nơi cư trú.

Đối với các hộ gia đình sinh sống ở khu vực có nguy cơ ngập do mưa lớn, phải chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm; nếu mất an toàn, thông tin kịp thời cho chính quyền địa phương để ứng cứu; thực hiện sơ tán, di dời đến nơi an toàn.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia, những tháng còn lại của năm 2022, xuất hiện khoảng 5-7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, trong đó có 2-4 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, nguy cơ bão, mưa lớn có khả năng dồn dập ở mức cao. Sở NN&PTNT đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi miền Nam, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh vận hành hồ chứa (hồ chứa nước Tha La, hồ Dầu Tiếng, hạ tầng thuỷ lợi) theo quy trình được duyệt; tổ chức đánh giá hiện trạng, mức độ an toàn đập, hồ chứa, công trình thuỷ lợi; khẩn trương thực hiện duy tu, sửa chữa, nâng cấp, nạo vét kênh tiêu trục, bảo đảm thông thoáng dòng chảy, tiêu thoát nước kịp thời.

Sở cũng khuyến nghị UBND cấp huyện, cấp xã chủ động rà soát, nắm chắc các vị trí xung yếu có nguy cơ ảnh hưởng do thiên tai để cập nhật bổ sung, phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Theo dõi chặt chẽ diễn biến các bản tin dự báo, cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lốc; thông tin kịp thời trên Đài Phát thanh và Truyền hình, Đài Phát thanh huyện, xã, ấp các bản tin về cảnh báo thiên tai, biện pháp ứng phó thiên tai.

Cân đối bố trí nguồn kinh phí để sửa chữa, nạo vét công trình thuỷ lợi, giao thông, bảo đảm an toàn và tiêu thoát nước kịp thời trong mùa mưa bão. Đặc biệt, quan tâm đầu tư công trình hỗ trợ công tác phòng, chống thiên tai phải đồng bộ với công trình giao thông, có sự kết nối từ nội đồng, khu dân cư ra các kênh tiêu chính, sông suối, tránh ngập cục bộ khi có mưa lớn. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tham gia ứng cứu và khắc phục kịp thời thiệt hại do thiên tai.

Đại Dương