BAOTAYNINH.VN trên Google News

Không lụt, người vui kẻ rầu

Cập nhật ngày: 04/11/2015 - 08:42

Một bộ phận nông dân vùng sông nước mong cho có nước lụt để đánh bắt được nhiều cá hơn.

Theo thường lệ, hằng năm vào trung tuần tháng Tám âm lịch, trời mưa dầm dề. Mưa nhiều và rộng khắp khiến nước sông dâng cao, nhiều cánh đồng trũng ven sông, rạch thuộc hệ thống sông Vàm Cỏ Đông ngập chìm trong nước. Nước ngập lụt hơn hai tháng mới bắt đầu hạ.

Năm nay, thời tiết biến đổi bất thường, từ giữa tháng Tám âm lịch đến nay mưa rất ít. Mưa ít, lượng nước sông cũng ít, nên đến giờ này hầu như các cánh đồng ven sông rạch không có lũ lụt. Đã quen sống chung với lũ lụt, nhiều người dân vùng sông nước chẳng những không sợ mà còn mong chờ nước lụt. 

Bà Nguyễn Thị Dánh (56 tuổi) nhà ở gần rạch Trảng Bàng, thuộc ấp An Thới, xã An Hoà, huyện Trảng Bàng cho biết, nhà bà không có ruộng đất, vào mùa nắng hai vợ chồng bà đi làm thuê công việc đồng áng, còn vào mùa nước lụt, họ có thể kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá.

Cách đánh bắt chính của gia đình bà là đặt dớn. Những năm trước, bắt đầu từ tháng Tám đến tháng Mười âm lịch, mỗi ngày bà có thu nhập từ 100.000- 200.000 đồng từ việc đặt dớn. Năm nay, đến hạ tuần tháng Chín rồi mà nước sông, nước ruộng không dâng lên như mọi năm. 

Mấy hôm triều cường, nước có dâng lên chút đỉnh, bà mang dớn đi đặt nhưng cá bắt được rất ít. Không nước lụt, không đánh bắt được cá, có nghĩa là gia đình bà gặp khó khăn hơn mọi năm. Không riêng gì những người đánh bắt cá bằng cách đặt dớn như bà Dánh, những người đánh bắt cá bằng cách giăng lưới cũng bị thất thu.

Nhiều người giăng lưới ở ấp An Quới (cũng thuộc xã An Hoà) than thở: thời tiết năm nay lạ quá, đến giờ này ruộng vẫn chưa nhiều nước. Giăng lưới được rất ít cá, chỉ cua với ốc bươu vàng là nhiều, cua mà quấn vô lưới thì rất khó gỡ và lưới dễ bị rách.

Những người làm ruộng cũng mong chờ nước lụt. Anh Nguyễn Văn Phụng (37 tuổi) nhà ở ấp An Thới, chỉ tay ra cánh đồng phía trước nhà nói: “Nhà tôi có 2 mẫu ruộng. Tôi sống và lớn lên ở xứ này từ nhỏ tới giờ chưa thấy năm nào lạ như năm này.

Đến giờ này mà vẫn chưa thấy nước lụt. Thường tháng Chín âm lịch là lúc cao điểm của mùa nước lụt. Nước ngập bờ ruộng, nước lé đé nền nhà. Tuy nước lụt có gây ảnh hưởng phần nào đến sinh hoạt gia đình của một số hộ ven sông nhưng không gây thiệt hại nhiều cho sản xuất, vì bà con ở đây đã chủ động bỏ ruộng vụ 3 (vụ lúa mùa) để né lũ lụt.

Không có lũ lụt, không chỉ những người đánh bắt cá mà cả những người làm ruộng như tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Không có lụt, ruộng cũng thiếu phù sa, sâu bọ và chuột có điều kiện trú ẩn làm ảnh hưởng xấu đến vụ lúa Đông Xuân sắp tới”.

Dĩ nhiên không phải ai cũng mong nước lụt. Một phụ nữ (khoảng 50 tuổi) nhà ngay bên bờ rạch Trảng Bàng thuộc ấp An Thới  chia sẻ: chị không thích có lụt, nếu có thì chị chỉ mong lụt nhỏ thôi. Năm nay không bị nước lụt, nhà chị khô ráo và các loại cây trồng xung quanh nhà cũng không bị ảnh hưởng.

Chị cho biết thêm, hầu hết người dân nơi đây sống bằng nghề làm ruộng mà mỗi năm chỉ làm được có 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu. Sau khi thu hoạch lúa Hè Thu xong, do sợ ngập lụt nên bà con nông dân bỏ ruộng một thời gian khá dài.

Theo chị, hướng tốt nhất là Nhà nước cần xem xét, nghiên cứu xây dựng các đê bao ở những vùng trũng ven sông để vừa tránh ngập lụt cho nhà dân, vừa bảo đảm được sản xuất. Hiện nay đồng ruộng ở ấp An Thới mỗi năm chỉ sản xuất được 2 vụ lúa; nếu có đê bao, nông dân sẽ tăng thêm được một vụ nữa. Và như vậy nông dân xứ này mới có điều kiện nâng cao thu nhập. Còn đánh bắt cá chỉ là công việc tranh thủ vào mùa nước lụt của một số ít người mà thôi.

N.H