BAOTAYNINH.VN trên Google News

Không muốn “liên kết 4 nhà” vì… sợ vào HTX

Cập nhật ngày: 23/07/2010 - 11:06
HTML clipboard

Những năm qua, việc thực hiện mô hình liên kết “4 nhà” trên địa bàn huyện Gò Dầu nói riêng và một số nơi khác trong tỉnh nói chung đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Thế nhưng… không phải nông dân nào cũng muốn tham gia mô hình, có một số nông dân được vận động tham gia, nhưng lại… lắc đầu vì sợ sau khi tham gia rồi phải vào hợp tác xã (!?).

Trong vụ hè thu 2010, các doanh nghiệp sản xuất phân bón, bảo vệ thực vật phối hợp ngành chức năng và nông dân huyện Gò Dầu thực hiện sản xuất lúa theo mô hình liên kết “4 nhà”. Diện tích được tham gia mô hình là 80 ha. Địa điểm thực hiện ở ấp Cẩm Bình, xã Cẩm Giang. Để dễ quản lý mô hình từ khâu làm đất, đến chăm sóc và thu hoạch lúa, ngành chức năng Gò Dầu muốn thực hiện mô hình nằm gọn trong vùng đê bao tiểu vùng Cẩm Bình. Nằm trong vùng đê bao tiểu vùng này có diện tích đất nông nghiệp là 130 ha. Nhưng ngành chức năng chỉ vận động được 42 nông dân tham gia mô hình. Nhiều nông dân có ruộng trong vùng đê bao không muốn tham gia mô hình, ngược lại nhiều nông dân không có ruộng trong vùng đê bao lại muốn tham gia. Chính vì vậy mà ngành chức năng phải thực hiện mô hình liên kết “4 nhà” ở những điểm cách nhau đến mấy cây số. Việc thực hiện mô hình trên hai cánh đồng cách xa nhau tất nhiên không tránh khỏi khó khăn trong việc quản lý và hướng dẫn nông dân trong các khâu làm đất, gieo sạ và chăm sóc lúa.

Cánh đồng thực hiện mô hình liên kết “4 nhà” trong vùng đê bao tiểu vùng ấp Cẩm Bình, xã Cẩm Giang (Gò Dầu)

Thực tế cho thấy việc thực hiện mô hình liên kết “4 nhà” trong thời gian qua chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân như: được hỗ trợ giống, hỗ trợ phân bón, được hướng dẫn kỹ thuật canh tác mới theo lối sạ thưa, sạ hàng, bón phân, xịt thuốc theo đúng cách, giảm được chi phí, thời gian lao động mà tăng được năng suất. Từ đó giúp nông dân tăng được thu nhập. Việc tham gia mô hình còn giúp nông dân đoàn kết, hỗ trợ liên kết nhau trong sản xuất. Tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”. Như ruộng người bên trong sạ trước, ruộng ngoài sạ sau, đến khi thu hoạch người có ruộng bên trong không có đường cho cơ giới vào thu hoạch và đường vận chuyển lúa ra. Hoặc người ruộng ngoài sạ trước làm cho người có ruộng bên trong “kẹt đường” không đưa được máy móc vào làm đất. Hay ruộng người này cần nước vào, trong khi đó ruộng người kế bên lại cần tháo nước ra… Từ đó xảy ra mâu thuẫn tranh chấp trong nội bộ nông dân không phải là ít.

Có thể gọi mô hình liên kết “4 nhà” là một mô hình sản xuất theo kiểu tập thể mang lại hiệu quả. Nhưng đây hoàn toàn không phải là hợp tác xã. Và thật ra nếu thành lập được hợp tác xã kiểu mới hỗ trợ được cho nông dân từ khâu “đầu vào”, đến khâu “đầu ra” sản phẩm thì càng mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân. Có lẽ một bộ phận nông dân, nhất là nông dân cao tuổi còn bị “ám ảnh” kiểu làm HTX thời cải tạo nông nghiệp xưa kia, nên sợ vào HTX. Từ đó sợ luôn việc tham gia mô hình liên kết “4 nhà”. Vấn đề ở đây là ngành chức năng và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền trong nông dân, để  tất cả nông dân thấy được ích lợi của việc thực hiện mô hình liên kết “4 nhà”. Đồng thời phải xây dựng được những HTX kiểu mẫu để tạo niềm tin cho nông dân.

D.H