Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trường hợp chỉ trong vòng 7 ngày mà một lớp có đến 2 trẻ mắc TCM thì nhà trường cần cho cả lớp nghỉ học và báo nhanh về trung tâm y tế địa phương để có hướng xử lý ổ dịch kịp thời.

(BTNO)- Sáng 7.6, tại hội trường Sở GD&ĐT, ngành Giáo dục phối hợp cùng ngành Y tế tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng chống bệnh tay chân miệng (TCM) trong trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn toàn tỉnh. Trên 150 cán bộ, giáo viên các trường mầm non, mẫu giáo và cán bộ trung tâm y tế từ 9 huyện, thị đã về dự hội nghị.
Theo trình bày của các bác sĩ thuộc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, hiện nay bệnh TCM có chiều hướng gia tăng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở các nhà trẻ, mẫu giáo. Trong hơn 2.000 ca mắc TCM được ghi nhận tại 26 tỉnh, thành của cả nước từ đầu năm đến nay, khu vực phía Nam đã chiếm đến 96%, trong đó các trường hợp mắc TCM ở Tây Ninh tăng 25% so với cùng kỳ (2010: 63 ca, 2011: 74 ca).
![]() |
![]() |
Các biểu hiện của bệnh tay chân miệng |
BS.Nguyễn Thị Phượng – Trung tâm YTDP Tây Ninh cho biết: bệnh TCM là bệnh nhiễm trùng thường gặp do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên, bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi,đặc biệt tập trung ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi đang đi học mẫu giáo, nhà trẻ. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời.
Biểu hiện ban đầu của bệnh TCM là sốt. Sau đó, trẻ xuất hiện những bóng nước ở mông, đầu gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân và trong miệng.
![]() |
Cần hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để phòng bệnh |
Để phòng bệnh, phụ huynh cần giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường sống của trẻ. Khi trẻ có các biểu hiện trên, có thể kèm theo trạng thái lờ đờ, gồng cứng, mắt trợn ngược, khóc quấy liên tục, thì gia đình phải đưa ngay đến bệnh viện để khám chữa.
Đối với việc phòng chống bệnh TCM trong các trường mẫu giáo, nhà trẻ, các bác sĩ Trung tâm YTDP tỉnh đề nghị nhà trường phối hợp cùng phòng y tế các huyện, thị theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh thường xuyên trong trường học nhằm sớm phát hiện ca bệnh (nếu có) để có biện pháp xử lý ổ bệnh kịp thời, tránh lây lan; các trường học cần vệ sinh sạch sẽ trường lớp, khu vực bếp ăn, khu vệ sinh; lau chùi vật dụng, đồ chơi của trẻ hằng tuần bằng hoá chất Cloramin B; hướng dẫn trẻ thực hiện rửa tay đúng cách trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh…
Nếu có trẻ mắc bệnh, cần cho trẻ nghỉ học để điều trị, tránh lây lan. Trường hợp chỉ trong vòng 7 ngày mà một lớp có đến 2 trẻ mắc TCM thì nhà trường cần cho cả lớp nghỉ học và báo nhanh về trung tâm y tế địa phương để có hướng xử lý ổ dịch kịp thời.
Các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý, lúc trẻ bắt đầu ngủ, nếu thấy trẻ có các dấu hiệu như giật mình, hoảng hốt, chới với, nổi bóng nước thì nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Không nên để đến lúc trẻ bị sốt cao vì rất dễ bị co giật, hôn mê và dẫn đến tử vong.
YK