Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Qua cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, giờ đây hàng Việt Nam đã chiếm giữ một vị trí nhất định trong lòng người tiêu dùng. Thế nhưng...

Hàng Việt về nông thôn tại huyện Châu Thành.
Hàng ngoại dần lấn sân
Trong thời gian qua, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã từng bước hình thành nét đẹp văn hoá trong sản xuất, sử dụng hàng hoá thương hiệu Việt Nam, xoá bỏ phần nào tâm lý sính ngoại trong một bộ phận người dân. Tuy nhiên thực tế, nhiều DN Việt Nam “vắng mặt” tại thị trường nông thôn đã tạo cơ hội cho hàng ngoại có thêm “cửa” tồn tại, lan rộng, từ đó không ít mặt hàng nội bị lấn át bởi hàng ngoại- đặc biệt là hàng Thái.
Theo Phòng Xúc tiến thương mại thuộc Sở Công Thương, không bao lâu nữa, hàng Thái Lan sẽ dần tiến sâu vào thị trường Việt Nam. Nếu các DN Việt Nam không đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hệ thống phân phối, thì trong tương lai không xa, hàng Thái sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt.
Yếu tố khiến hàng Thái Lan được người tiêu dùng Việt Nam ưa thích là chất lượng vượt trội, màu sắc, mẫu mã đẹp, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng hơn, đồng thời đáp ứng được cho mọi đối tượng có thu nhập từ thấp đến cao.
Rất nhiều sản phẩm tiêu dùng của Thái Lan như dầu gội, sữa tắm, hoá mỹ phẩm, quần áo… đang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Không chỉ có vậy, các DN Thái Lan còn chú trọng công tác phân phối, tiếp thị, xây dựng hệ thống bán lẻ cũng như cơ chế ưu đãi cho các nhà phân phối.
Cần chú trọng chất lượng sản phẩm
Theo UBMTTQVN tỉnh, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp với Sở Công Thương, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA) tổ chức 2 phiên chợ đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng ở vùng nông thôn tại các huyện Bến Cầu và Châu Thành, đã thu hút được 30.000 lượt người dân địa phương tham quan, mua sắm, với tổng doanh thu đạt 2,5 tỷ đồng. Dự kiến trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tổ chức thêm 1 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại huyện Dương Minh Châu.
Tuy nhiên thực tế, không ít DN xem phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” là hoạt động bán hàng thuần tuý, chú trọng doanh thu, lỗ lãi từng phiên chợ, chứ chưa xem đây là cơ hội quảng bá, tiếp thị sản phẩm, thương hiệu và là trách nhiệm với xã hội.
Một số DN chưa quan tâm nắm bắt yêu cầu, đặc điểm của thị trường để có kế hoạch phát triển mạng lưới bán hàng. Thực tế cho thấy tuy người dân đã có ý thức tiêu dùng hàng Việt Nam, nhưng hàng Việt chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Không ít người tiêu dùng cho rằng hàng nội còn đơn điệu, chất lượng chưa thật sự bảo đảm, mẫu mã chưa bắt mắt, giá cả chưa hấp dẫn…
Các mặt hàng của Việt Nam, nếu có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt thì giá thành lại cao, không thể tiêu thụ được ở vùng nông thôn, bởi đa phần người tiêu dùng có thu nhập thấp.
Theo Sở Công Thương, qua 5 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhận thức của người tiêu dùng về việc sử dụng hàng Việt Nam ngày càng tăng. Thế nhưng, do quy mô tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt Nam về nông thôn còn nhỏ lại chưa thường xuyên; kiểu dáng, bao bì hàng hoá còn chậm cải tiến; hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tồn tại nên số lượng người đến với hàng Việt vẫn chưa nhiều.
Bên cạnh đó, không ít DN Việt Nam chỉ quan tâm đến doanh thu sau các phiên chợ hàng Việt Nam, ít quan tâm đến khâu chăm sóc khách hàng, tư vấn, tiếp cận khách hàng… nên hàng Việt chưa thật sự “đi sâu” vào lòng người tiêu dùng.
Để cạnh tranh được với hàng ngoại, DN Việt Nam cần nâng sức cạnh tranh bằng các sản phẩm mới với mẫu mã phong phú, chất lượng hàng hoá tốt, an toàn; đồng thời cần có chiến lược quảng bá thiết thực, mạnh mẽ tới người tiêu dùng bằng các hoạt động khuyến mãi và tiếp thị, phải xem khách hàng là thượng đế, chú trọng khâu chăm sóc khách hàng… Có như vậy người tiêu dùng mới cải thiện dần tâm lý sính ngoại, chuyển sang yêu thích hàng Việt Nam.
THANH NHI