Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Không nên nhiễu loạn sách giáo khoa công nghệ giáo dục lớp 1
Thứ tư: 11:54 ngày 12/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - SGK biên soạn theo chương trình công nghệ giáo dục áp dụng rộng trong thời gian qua có hiệu ứng rất tích cực. Sau khi học xong chương trình lớp 1, các em lên các lớp sau nắm rất vững từ cách đọc, cách viết đến một số quy luật của Tiếng Việt.

Ðầu tiên xin nói rằng, sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt công nghệ giáo dục đã có từ năm 1987, nhưng không ứng dụng nhiều cho các tỉnh, thành mà chỉ áp dụng giảng dạy cho các trường (tương đối rộng rãi) trong vòng 10 năm nay.

Theo sự đánh giá của các thầy cô từng tham gia giảng dạy chương trình này, đây là cách dạy rất hay. Các em học sinh học chỉ hết học kỳ 1 là đã đọc viết rất tốt, nắm rất rành về các nguyên âm, phụ âm và quy luật chính tả….Ðối với lớp 1 như thế thì quá tốt, chúng ta còn đòi hỏi gì hơn nữa!

Chúng ta biết rằng, quan điểm của nhà biên soạn SGK Tiếng Việt - lớp 1- công nghệ giáo dục là giúp các em đi từ cái “yêu thích” đến cái “học”, chứ không gượng ép một cách máy móc. Các em nhìn vào ô vuông để đọc là một hình thức làm quen với “Tiếng” chứ không phải là cách học “vẹt”.

Chúng ta cứ đặt mình vào vị trí các em lớp 1 sẽ thấy. Ðầu tiên là câu thơ “Tháp Mười đẹp nhất bông sen, Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”, câu thơ này có 2 dòng và 14 tiếng, và ta không thể bắt các em nhìn vào 2 dòng đó mà xác định coi có bao nhiêu tiếng. Vì các em đâu biết tiếng là gì mà đếm.

Và người ta mô hình hoá nó thành 14 ô vuông tương ứng, ở đây các em có thể xác định được có bao nhiêu ô vuông, rồi biết câu mình đã đọc có bao nhiêu tiếng và những tiếng giống nhau (tô cùng màu tương ứng). Có nghĩa là giáo viên dạy cho các em “quy tắc” đầu tiên trong chuỗi lời nói có bao nhiêu chữ thì có bấy nhiêu tiếng được phát ra. Và mục đích làm quen ban đầu với “tiếng” chỉ có vậy. Chứ đâu phải dạy ô vuông thành chữ bao giờ!

Một vấn đề cần phải nói thêm, trước kia cách học là làm quen với bảng chữ cái, sau đó mới ráp vần, rồi mới đọc thành câu thành bài. Nhưng cách học đang bàn là lấy đơn vị “tiếng” làm nền tảng cơ sở, rồi từ “tiếng” mà tiếp cận với các vấn đề liên quan khác trong hệ thống. Cụ thể là:

- Tách câu ra các tiếng

- Tiếng giống nhau, tiếng khác nhau

- Thanh của tiếng

- Cấu tạo hai phần của tiếng

- Tiếng khác nhau một phần

- Ðánh vần (thanh ngang)

- Ðánh vần (các thanh khác)

- Nguyên âm, phụ âm

- Chữ, kiểu chữ

- Viết chữ

- Ðọc một tiếng (thanh ngang)

- Ðọc một tiếng (các thanh khác)

- Luật chính tả

- Nguyên tắc ghi âm

- Luật chính tả theo nghĩa

- Luật chính tả về chữ hoa

- Tập đọc cả bài

...

Qua 17 bài chúng tôi liệt kê trên, chúng ta thấy rằng “Tách câu ra các tiếng” chỉ là bài làm quen đầu tiên (thời lượng chỉ 1-2 tiết). Sau đó, các em sẽ học nhiều vấn đề khác. Ðâu phải học quanh năm suốt tháng của lớp 1 chỉ một vấn đề như cộng đồng mạng “lên án”! Và cũng hoàn toàn không có chuyện “nhìn ô đoán chữ ” như một số người đã xuyên tạc.

Nói tóm lại, SGK cũ hay mới đều có thế mạnh riêng và cũng có mặt hạn chế nhất định. SGK biên soạn theo chương trình công nghệ giáo dục áp dụng rộng trong thời gian qua có hiệu ứng rất tích cực. Sau khi học xong chương trình lớp 1, các em lên các lớp sau nắm rất vững từ cách đọc, cách viết đến một số quy luật của Tiếng Việt. Ðó cũng là điều kiện cần và đủ giúp các em học tốt hơn ở các lớp trên.

Hoài Chi

Báo Tây Ninh
mua hàng nhật online uy tín internet viettel hcm các gói cước hiện có
Tin cùng chuyên mục