Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuối già nam mỹ:
Không phải có trồng là “có ăn”
Thứ hai: 05:58 ngày 20/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những năm gần đây, ở tỉnh ta, nhiều người đầu tư vào trồng chuối già Nam Mỹ. Tuy nhiên, năm nay, không ít nhà nông phải “bấm bụng” chặt bỏ loại cây trồng ngoại nhập này. Nguyên nhân chủ yếu là do người nông dân trồng không theo quy hoạch, không áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên chất lượng, năng suất chuối không đạt. Đây là bài học không nhỏ của người nông dân nếu muốn làm nông trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay.

 

Vườn chuối già Nam Mỹ từng đẹp nhất ấp Đông Hà, nay bị chủ vườn cho đào gốc bỏ nằm la liệt.

Khi nhà vườn không còn “mặn mà” với cây chuối

Trước đây, cây chuối già Nam Mỹ từng có lúc được xem là “niềm hy vọng làm giàu” của nhiều nông dân, trong đó, có người dân ấp Đông Hà, xã Tân Đông, huyện Tân Châu. Thế nhưng, hiện nay đến Đông Hà, hình ảnh đau lòng dễ thấy nhất là nhiều vườn chuối bị đốn chặt, đào gốc hoặc bỏ hoang không chăm sóc.

Từ trung tâm xã Tân Đông đi vào ấp Đông Hà khoảng 2km, có một vườn chuối già Nam Mỹ rộng khoảng 4 ha vừa bị chủ vườn thuê nhân công đào gốc bỏ nằm la liệt. Bảy, tám tháng trước, khoảng đầu tháng 3, vườn chuối này từng là nơi đẹp nhất khu vực. Lúc ấy, tất cả các cây chuối trong vườn đều mập tròn, xanh tốt và trổ buồng sai nải. Chủ vườn chuối đầu tư sản xuất khá bài bản. Giữa các hàng chuối đều có hệ thống tưới nước, đường giao thông nội đồng để vận chuyển chuối và có cả nhà cho công nhân ở lại giữ vườn.

Ngày 9.11, chúng tôi trở lại thăm vườn chuối thì thấy nơi đây hoàn toàn thay đổi. Gốc chuối bị đào lên, bỏ nằm la liệt trên mặt đất. Căn nhà cho công nhân ở lại giữ vườn chuối cũng khoá cửa im lìm.

Cách đó hơn 1km, vườn chuối của ông Nguyễn Văn Nghĩa, 59 tuổi, cũng đã bị cày bỏ hoàn toàn. Năm ngoái, ông Nghĩa vay ngân hàng 400 triệu đồng để đầu tư trồng 1,5 ha chuối già Nam Mỹ. Nhưng đến khi khu hoạch, không có người bao tiêu sản phẩm, ông đành bỏ chuối chín trong vườn.

Để ổn định tình hình trồng chuối già Nam Mỹ, cần phải tổ chức lại sản xuất theo hướng xây dựng cánh đồng lớn; thành lập các hợp tác xã, tạo cơ sở pháp lý để liên kết với các doanh nghiệp bảo quản, chế biến và tiêu thụ giúp ổn định đầu ra; sử dụng các biện pháp kỹ thuật để nâng năng suất, hạn chế sâu bệnh...

Thấy chuối chín bỏ tràn lan, nhiều người dân đến xin đem về ăn hoặc cho dê, bò ăn. Ông Nghĩa kể, lúc đó, ông mua cây giống của một công ty ở TP.Hồ Chí Minh đem về trồng. Công ty này cũng có ký hợp đồng thu mua lại sản phẩm của ông với giá 10.000 đồng/kg. Nhưng đến khi vườn chuối sắp cho thu hoạch, ông nhiều lần gọi điện thoại đến công ty, lãnh đạo công ty lại viện đủ lý do và không đến thu mua.

Cuối cùng, ông đành bán đổ bán tháo cho một số vựa chuối ở chợ Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) với giá 20.000 đồng/kg, nhưng các chủ vựa này chỉ tuyển chọn mua mỗi buồng chuối một, hai nải to nhất, những nải chuối còn lại đành phải chấp nhận “bỏ thối tới nhớt gốc”. Vụ chuối tiếp theo đó ông Nghĩa cũng không bán được nên vừa qua ông đành cày bỏ toàn bộ vườn chuối. “Tính ra, tôi bị lỗ hơn 100 triệu đồng. Hiện nay đất đã cày xong, nhưng tôi chưa biết nên trồng cây gì!”, ông Nghĩa buồn bã nói.

Ở ấp Đông Hà còn có vườn chuối của ông Nguyễn Văn Sơn cũng đang bị “buông tay, bỏ mặc”. Những bụi chuối chết rủ trong vườn được dọn dẹp, sót lại mỗi gốc một vài cây con. Lứa chuối con này rồi cũng lớn lên, trổ buồng, ra nải, nhưng đến khi chuối chín thì không ai thèm thu hoạch. Có buồng chuối vừa chín tới. Có buồng, trái đã chín rục. Trước kia, ông Sơn cũng phải vay tiền ngân hàng mới trồng được 3 ha chuối này.

Thế rồi, bao nhiêu hy vọng của ông tan tành theo mây khói, khi công ty đã hợp đồng bao tiêu sản phẩm với ông “bể kèo”. Cuối cùng, ông đành bấm bụng bán cho thương lái với giá 1.500 đồng/kg tính nguyên buồng, hoặc 2.000 đồng/kg chỉ tính những nải lớn. Với cách bán sản phẩm nhỏ lẻ như thế, tính ra ông chỉ tiêu thụ được khoảng 20- 30% sản lượng chuối. Hàng chục tấn chuối còn lại đành bỏ phế, khiến ông bị “đuối như trái chuối” luôn, lỗ lã hàng trăm triệu đồng. Mặc dù vậy, thời điểm đó, ông Sơn và một số nông dân khác vẫn nuôi ý định giữ vườn chuối già Nam Mỹ lại, tiếp tục chăm sóc với hy vọng gỡ vốn vào mùa sau…

Trao đổi với chúng tôi về tình hình canh tác chuối già Nam Mỹ ở ấp Đông Hà, ông Bùi Quốc Hùng- Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Đông cho biết: “Chỉ tính riêng trong ấp này có tổng cộng 21 ha đất trồng chuối già Nam Mỹ. Do năm nay không có nơi tiêu thụ sản phẩm nên nhiều nông dân chán nản, ngưng đầu tư chăm sóc chuối hoặc cày bỏ chuyển sang trồng cây khác”.

Buồng chuối căng tròn tới kỳ thu hoạch cũng đành bỏ phế.

Không đạt quy chuẩn, thiếu nơi bao tiêu

Huyện Tân Biên có diện tích trồng chuối già Nam Mỹ cao nhất tỉnh. Theo thống kê, năm 2017, huyện này có hơn 172 ha chuối già Nam Mỹ, nhưng trong đó chỉ có 70 ha có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, số còn lại không có hợp đồng thu mua nên hai năm gần đây “đầu ra” rất bấp bênh. Năm nay, có một nông dân ở Tân Biên đã chặt bỏ hoàn toàn 12 ha chuối già Nam Mỹ và sang nhượng số đất nông nghiệp này lại cho người khác để trồng bưởi da xanh.

Một số nông dân còn lại đang “thoi thóp” với loại cây này. Một nông dân ở xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên (xin không nêu tên) đầu tư trồng 7 ha chuối già Nam Mỹ. Vụ thu hoạch trước, ông không có hợp đồng bao tiêu nên phải bán đổ bán tháo qua tỉnh Đồng Nai với giá 1.500 đồng/kg. Tình hình năm nay còn tệ hơn. Đến kỳ thu hoạch, ông lại phải bán qua trung gian ở Đồng Nai với giá 1.400 đồng/kg- thấp hơn năm ngoái 100 đồng/kg.

Hiện tại, vườn chuối của ông đang kỳ thu hoạch, ông chưa chặt bỏ, nhưng đang thuê nhân công trồng xen cây cao su vào vườn chuối. “Khi nào cao su lớn, tôi sẽ bỏ chuối”, người nông dân này chia sẻ. 

Ông Nguyễn Minh Phương, 47 tuổi, cũng đang cố sức cầm cự với chuối già Nam Mỹ. Hai năm trước, ông Phương trồng thử nghiệm 2 ha chuối này. Thấy chuối bán được, có lời nhiều, ông mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích vườn chuối thêm 15 ha nữa. Mặc dù ông có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với một số công ty; và chuối của ông được xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Malaysia, Hồng Kông, nhưng hai năm nay, ông chỉ bán được giá 4.000 đồng/kg.

“Tính ra, với giá này chỉ huề vốn”, ông Phương cho hay. Đã vậy, ông Phương chỉ những nải chuối đúng quy cách như không quá to, quá nhỏ, vỏ chuối không bị trầy, giập và phải sạch sẽ, không bị lốm đốm mới bán được. Những nải chuối không đúng quy cách chỉ bán ngoài chợ, hoặc biếu cho người dân địa phương, nhưng chỉ được số ít, đa số còn lại phải đem bỏ làm phân bón cho vườn cao su. Trước tình hình ảm đạm này, ông Phương dè dặt, không dám tăng diện tích trồng chuối thêm nữa.   

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến tháng 11.2017, tổng diện tích trồng chuối già Nam Mỹ ở Tây Ninh là gần 400 ha, tăng 3,2 ha so với thời điểm tháng 2.2017. Trong đó, 220 ha có hợp đồng tiêu thụ, số còn lại, gần 178 ha không có hợp đồng tiêu thụ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến tháng 11.2017, tổng diện tích trồng chuối già Nam Mỹ ở Tây Ninh là gần 400 ha, tăng 3,2 ha so với thời điểm tháng 2.2017. Trong đó, 220 ha có hợp đồng tiêu thụ, số còn lại, gần 178 ha không có hợp đồng tiêu thụ. Tuy ở thời điểm hiện tại, diện tích trồng chuối già Nam Mỹ có tăng hơn hồi đầu năm, nhưng ở một số địa phương, có nhiều nông dân phá bỏ chuối, chuyển sang đầu tư cây trồng khác.

Nguyên nhân chính: không tìm được đầu ra và cây chuối bị nhiễm sâu bệnh. Cụ thể: ở huyện Hoà Thành, nông dân đã chặt bỏ 1,8 ha chuối, chuyển sang trồng bưởi; huyện Châu Thành chặt bỏ 8,6 ha, chuyển sang trồng lúa và rau; huyện Tân Biên, nông dân bỏ 12 ha, chuyển đổi sang trồng cây bưởi, đồng thời có khoảng 15 ha chuối bị sâu bệnh, bị ngập nước, nhà vườn đang dự định chuyển sang cây trồng khác; huyện Tân Châu bỏ 7,4 ha chuối chuyển sang trồng mì, rau, mít và các cây trồng khác.

Thống kê của Sở NN&PTNT: tỷ lệ chuối có hợp đồng tiêu thụ chiếm khoảng 50% tổng diện tích canh tác. Số diện tích chuối còn lại trồng tự phát, không theo quy hoạch, không áp dụng đúng quy trình kỹ thuật dẫn đến chất lượng sản phẩm không bảo đảm, năng suất không ổn định, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và khó tìm được doanh nghiệp tiêu thụ. Được biết, theo định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020, định hướng năm 2030, chuối già Nam Mỹ sẽ là một trong những cây trồng chủ lực. Diện tích dự kiến đến năm 2020 đạt 6.000 ha.

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục