BAOTAYNINH.VN trên Google News

Không quên đồng đội cũ

Cập nhật ngày: 11/01/2011 - 10:30

Khu vườn rộng loáng thoáng tiếng chim. Những giọt nước mới tưới đọng trên cành lá trong vườn kiểng lóng lánh trăm ngàn mặt trời nhỏ.

Tôi ngồi chờ chú Chín trong căn nhà gỗ cổ thoáng mát, bốn bề lộng gió vì không có tường vách. Ngôi nhà cấp bốn phía trong tường tô đá rửa thuộc “mô đen 80” thế kỷ trước, chắc làm phòng ngủ. Bên ngoài nhà gỗ kê bàn khách, võng nằm, sách báo là nơi chú Chín sinh hoạt hằng ngày. Tôi có người bác ngày xưa là cán bộ thuộc Ban An ninh Miền, hy sinh năm 1971. Tôi ghé chú Chín để hỏi một số tin tức về phần mộ của ông. Chín giờ rưỡi, chú Chín dắt xe đạp về, lỉnh kỉnh trong giỏ xe mấy thứ mua ngoài chợ. Chú cười bảo tôi: “Chú ghé chợ hơi lâu. Giá cả lên dữ quá”. Đưa cho vợ từng thứ một, chú “báo cáo” như thế.

Thường ngày, chú Chín thức dậy lúc năm giờ sáng. Khởi động thân thể, làm vệ sinh cá nhân xong, sáu giờ rưỡi chú ăn bận gọn gàng rồi dắt xe đạp ra khỏi nhà. Chú Chín nói với tôi, hiện chú đang tham gia một Câu lạc bộ “cà phê chat”. Sáng nào anh em cũng tập trung lại uống cà phê, “chat” bằng miệng đủ thứ chuyện, bàn luận tình hình thời sự trong nước, thế giới. Câu lạc bộ của chú, có cán bộ hưu, người làm nghề tự do, già trẻ đủ cả. Không phân biệt thành phần nhưng phải là những người đàng hoàng, hiểu biết và thông cảm lẫn nhau. Chương trình “cà phê chat” kéo dài đến 8 giờ rưỡi thì giải tán, ai đi việc nấy. Việc tiếp theo của chú Chín là đạp xe ra chợ phường 3, mua thức ăn cả ngày cho hai ông bà. Cơm nước tắm giặt xong, chú nghỉ trưa. Đầu giờ chiều dậy vận động cơ thể bằng cách nhổ cỏ, tưới cây, rồi quay vào đọc báo. Vốn là một cán bộ trong ngành Công an, nên việc đọc báo của chú cũng tập trung vào một số tờ báo có tính thời sự cao như An Ninh Thế Giới; Công An Nhân Dân; Tuổi Trẻ và Báo Tây Ninh. “Chú 84 tuổi rồi, cơ thể đã yếu nhưng không để nó trì trệ. Mình phải đọc báo, coi tivi cho não bộ hoạt động”. Chú Chín tâm sự như vậy. Hằng đêm, đúng 21 giờ chú đi ngủ, sau khi xem hết các chương trình quan tâm trên đài truyền hình. Thời gian này, chú ngủ muộn hơn một chút vì đang theo dõi bộ phim Bí thư Tỉnh uỷ, chiếu trên VTV1. “Chú mê phim đó lắm. Cái ông Kim Ngọc ấy thật tuyệt vời. Đảng viên là phải như vậy, dám nghĩ dám làm, dám xả thân vì dân. Hay!”.

Chú Chín Nghĩa rất ham đọc sách báo

Từ năm 1997, thời gian mới rời khỏi ngành Công an, công việc thường ngày của chú Chín nhiều hơn. Do sức khoẻ còn tốt, chú tham gia đi thăm hỏi các gia đình đồng đội cũ. Đi về chiến trường xưa, có khi qua cả nước bạn Campuchia để tìm mộ đồng đội. “Anh em nhiều người tội lắm. Nhiệm vụ phức tạp, chiến tranh thì hỗn độn. Có khi hy sinh rồi mà chưa được chế độ gì. Như cậu Bảy Sang ở C48 điệp báo hy sinh năm 1972 ở Mũi Tàu. Hơn hai chục năm sau chú mới đi tìm được mộ cho vợ nó mang về Bến Tre mai táng. Rồi anh Ba Duy (Đậu Viết Ngôn) quê ở Vĩnh Phúc cũng vậy, hy sinh ở miền Tây năm 1965, mấy chục năm sau chú và đồng đội mới tìm thấy đưa ra Bắc, tập hợp hồ sơ để Nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng LLVTND cho ảnh”.

Giờ thì chú đi loanh quanh trong khu vực Thị xã. Tìm hiểu, thăm hỏi con em đồng đội cũ có ai khó khăn quá không để kêu gọi bạn bè giúp đỡ. Chú khoe mới quyên góp xây tặng cho con gái chú Ba Bình (nguyên Trưởng Ban An ninh miền Nam) một ngôi nhà trị giá 50 triệu đồng tại quận Bình Chánh, thành phố HCM. Trường hợp của bác tôi, chú Chín khẳng định ngay: “Anh Ba Viêm ở Ban Bảo vệ nội bộ, chú vẫn còn nhớ mặt mà. Ảnh bị B.52 ngày 21.9.1971. Bữa đó tụi nó đánh vắt ngang Ban An ninh qua Ban Hậu cần. Từ từ để chú hỏi lại coi. Những người quy tập liệt sĩ sau này như Tư Phụng, Ba Sơn hiện vẫn còn dưới Công an Thành phố. Để chú hỏi…”. Tôi cảm động và hy vọng vì ân tình của vị tướng già. Trong cuộc nói chuyện, thấy lòng ông luôn đau đáu nghĩ về đồng đội, về những cán bộ, chiến sĩ của mình đã hy sinh trong kháng chiến. Chợt nhớ tới lời dặn của vợ chú thời gian này chú không được khoẻ không nên nói chuyện nhiều, tôi ghé tai chú hỏi nhỏ: “Chú Chín mới đi viện về phải không ạ?”. Chú cười, thủ thỉ với tôi như nói với con cháu. “Ừa! Bị viêm cái thanh quản. Đi Bệnh viện Chợ Rẫy, nó bảo phải mổ, tao mới hỏi: tôi ăn vẫn tốt (mỗi bữa hai chén đó), ngủ vẫn ngon, vẫn nói năng bình thường, mắc chi mà mổ? Mà cháu biết hôn? Nó nói mổ rồi, nó cắm cho cái ống qua cổ họng đặng ăn và thở. Tao đâu có chịu. Nằm vậy có sống thêm 5 năm nữa cũng vô vị. Thà tao sống vầy hai tháng nữa cũng sướng. Thôi về uống thuốc nam. Thiệt với cháu, chú đâu có sợ chết! Tham gia hai cuộc kháng chiến, chú tính mình chết không chớ đâu có tính được sống tới ngày hôm nay. Bao nhiêu anh em đồng đội hy sinh cho mình sống, mình lại được hưởng thêm 35 năm đất nước thống nhất hoà bình, lời quá rồi còn gì. Phải biết sống lạc quan cháu à”.

Nắng đã lên tới ngọn dừa đầu ngõ hẹp. Tôi biết chú Chín cần phải nghỉ ngơi, mặc dù chú chưa dứt ra được những kỷ niệm về tháng ngày oanh liệt thời trai trẻ. Tôi biết ngày mai, chú lại bận bịu về những thông tin tôi vừa trao cho, để rồi lo lắng tìm hiểu về đồng đội cũ. Đó là một ngày trong những ngày thật bình thường nhưng nhiều ý nghĩa của Thiếu tướng Ngô Quang Nghĩa, một cán bộ cao cấp ngành Công an đang nghỉ hưu, hiện ngụ trong một con hẻm nhỏ thuộc khu phố 2, phường 3, thị xã Tây Ninh.

Phương Quý