Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
10 năm thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác đền ơn đáp nghĩa:
Không quên những người đã cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc
Thứ sáu: 05:30 ngày 21/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 14.12.2006, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào “đền ơn đáp nghĩa”. Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 07, Tây Ninh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

 

Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang thăm cán bộ tiền khởi nghĩa Võ Trí Dũng, nguyên Giám đốc Sở Văn hoá nhân dịp kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 (năm 2016)

GẦN 4.000 HỒ SƠ ÐƯỢC XÁC NHẬN, CÔNG NHẬN

Trong 10 năm 2007 - 2016, Tây Ninh đã xác nhận, công nhận mới 3.950 hồ sơ người có công cho các nhóm đối tượng thương binh, người hoạt động kháng chiến, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người bị nhiễm chất độc hoá học, người có công giúp đỡ cách mạng, cán bộ lão thành, Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT)... Trong thời gian đó, Tây Ninh đã trợ cấp chế độ ưu đãi cho 15.061 học sinh, sinh viên là con của người có công; cấp mới và đổi lại trên 500 bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân liệt sĩ; lập quyết định trợ cấp thờ cúng liệt sĩ cho trên 7.000 hồ sơ; điều chỉnh từ trợ cấp một lần chuyển sang trợ cấp hằng tháng cho trên 300 người hoạt động cách mạng.

Nhìn chung, các quy định về chế độ theo pháp lệnh ưu đãi người có công đều được sửa đổi, bổ sung, tạo điều kiện cho nhiều đối tượng chính sách được hưởng chế độ ưu đãi hơn, thể hiện được sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước ta đối với đối tượng người có công trong cả nước. Tuy nhiên, các mức trợ cấp chưa được tính toán theo một cơ sở thống nhất, cụ thể. Ví dụ: tiền tuất liệt sĩ tính theo mức chuẩn nhưng trợ cấp thương bệnh binh, trợ cấp lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa, có công với cách mạng không tính theo mức chuẩn, từ đó có quá nhiều mức trợ cấp song lại không theo công thức chuẩn để dễ dàng tính mức hưởng cụ thể cho từng loại đối tượng. Về chế độ ưu đãi khác như chăm sóc sức khoẻ, giáo dục đào tạo, đã xoá bỏ việc phân biệt giữa trường công lập và trường tư trong xem xét trợ cấp ưu đãi giáo dục đào tạo, giúp cho các gia đình chính sách có con đang đi học giảm bớt phần nào khó khăn, góp phần hạn chế việc bỏ học. Về chế độ chăm sóc sức khoẻ, các đối tượng người có công và thân nhân của các đối tượng ngoài việc được cấp thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh miễn phí, còn được hưởng chế độ điều dưỡng tập trung hoặc điều dưỡng tại gia đình theo quy định.

Thực hiện Nghị định số 45/2006/NÐ-CP ngày 28.4.2006 của Chính phủ về việc ban hành điều lệ quản lý và sử dụng Quỹ “Ðền ơn đáp nghĩa”, Uỷ ban nhân dân tỉnh tiến hành thành lập Ban Quản lý Quỹ “Ðền ơn đáp nghĩa” của tỉnh và chỉ đạo các ngành và địa phương căn cứ thực hiện theo quy định. Trong10 năm (2007 - 2016) đã vận động được hơn 80 tỷ đồng để hỗ trợ cho đối tượng người có công gặp khó khăn trong cuộc sống và xây dựng nhà tình nghĩa. Bằng nguồn kinh phí vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, cùng với ngân sách tỉnh, trong 10 năm tỉnh đã xây dựng mới, bàn giao 1.508 căn nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách (mỗi căn nhà tình nghĩa với mức kinh phí từ 18 triệu đến 70 triệu đồng, tính  theo từng thời điểm) và sửa chữa 711 căn. Hiện nay, tỉnh đã thực hiện đề án nhà ở theo Quyết định số 22/2013 của Thủ tướng Chính phủ cho người có công khó khăn về nhà của tỉnh Tây Ninh.

Trong công tác chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng, toàn tỉnh đã đề nghị phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 962 mẹ. Hiện tại, còn sống 83 người.  Những mẹ còn sống đã được điều chỉnh trợ cấp, phụ cấp, trợ cấp người phục vụ từ ngày có quyết định công nhận của Chủ tịch nước và được các cơ quan, đơn vị trong, ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng đến cuối đời (mức phụng dưỡng bình quân từ 500.000 đến 1.000.000 đồng/tháng/mẹ).

Ðối với công tác chăm sóc sức khoẻ cho người có công, từ năm 2007 đến nay, tỉnh đã tổ chức đưa và đón 6.176 đối tượng người có công đi điều dưỡng tập trung tại các Trung tâm Ðiều dưỡng Nha Trang, Ðà Lạt, Bà Rịa - Vũng Tàu và Kiên Giang. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 99,7% hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân cùng nơi cư trú. Các đối tượng chính sách thụ hưởng đều được mua bảo hiểm y tế kịp thời từ nguồn ngân sách Nhà nước với số tiền trên 46 tỷ đồng. Ðược sự quan tâm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hỗ trợ kinh phí đầu tư, tỉnh đã thực hiện tu chỉnh, nâng cấp mộ, nghĩa trang liệt sĩ Trà Võ - Tây Ninh và các huyện trên địa bàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 9 nghĩa trang liệt sĩ (trong đó, có 2 nghĩa trang cấp tỉnh, 5 nghĩa trang cấp huyện và 2 nghĩa trang cấp xã) với trên 29.206 mộ liệt sĩ được gìn giữ và bảo quản trong các nghĩa trang. Từ nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương, tỉnh đã xây dựng mới 34 nhà bia ghi tên liệt sĩ cho các xã, phường, thị trấn.

Từ khi pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực thi hành đến nay, qua công tác thanh tra, kiểm tra giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, cơ quan chức năng đã giải quyết 7 hồ sơ. Trong đó, cắt chế độ và thu hồi trợ cấp 4 trường hợp, gồm một thương binh và ba thanh niên xung phong. Tổng số tiền thu hồi hơn 50 triệu đồng để hoàn trả lại ngân sách Nhà nước, đồng thời kiến nghị địa phương xử lý theo quy định. 

VẪN CÒN VƯỚNG MẮC

Theo đánh giá của UBND tỉnh, công tác triển khai thực hiện Chỉ thị 07-CT/TW của Ban Bí thư ở một số cấp uỷ Ðảng, chính quyền, đoàn thể còn thiếu đồng bộ. Một số cấp uỷ cơ sở, chính quyền địa phương chưa phát huy hết vai trò lãnh đạo, chỉ đạo nên việc tuyên truyền, phổ biến chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng đạt kết quả chưa cao. Mặt khác, cán bộ làm công tác chính sách người có công ở địa phương còn thiếu và do luân chuyển thường xuyên nên gặp nhiều khó khăn, nắm bắt công việc, đối tượng chưa chặt chẽ. Công tác xác nhận người có công cơ bản hoàn thành, tuy nhiên vẫn còn một số hồ sơ còn tồn đọng do tình hình đặc điểm của các phía Nam nói chung, tỉnh Tây Ninh nói riêng.

Về nguyên nhân chủ quan, lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền của cơ sở có nơi chưa nắm rõ tình hình đối tượng tham gia hoạt động kháng chiến tại địa phương, nên thiếu mạnh dạn xét duyệt hồ sơ đề nghị công nhận. Một số cán bộ lãnh đạo chưa thật sự quan tâm đến công tác chính sách người có công, công tác cán bộ thường xuyên thay đổi, chưa tập trung chỉ đạo việc khảo sát, điều tra, giải quyết dứt điểm số hồ sơ tồn đọng tại địa phương, trong xét duyệt thiếu kiên quyết.

Về yếu tố khách quan, do chiến tranh kéo dài và ác liệt, nên vẫn còn một số đối tượng chính sách đã trực tiếp chiến đấu chưa được công nhận là người có công, vì không còn giấy tờ chứng minh và những đồng đội chiến đấu năm xưa hiện nay không tìm được hoặc đã mất.

Trong thời gian tới, cơ quan chức năng và uỷ ban nhân dân các cấp sẽ tập trung giải quyết dứt điểm hồ sơ còn tồn đọng tại địa phương. Ðối với những đối tượng đã được công nhận phải thực hiện đúng và đầy đủ chế độ, đồng thời khắc phục các thiếu sót, chậm trễ trong việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Tổ chức thực hiện việc xác nhận hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin và công tác báo tin mộ liệt sĩ đến với gia đình. Các cấp, các ngành tiếp tục vận động toàn xã hội tổ chức tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, đẩy mạnh phong trào “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc động viên, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công. 

Học sinh Trường THCS Trí Bình, huyện Châu Thành thăm một Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn xã.

Ðể  giải quyết những hạn chế trong công tác chính sách cũng như giải quyết hồ sơ tồn đọng, UBND tỉnh kiến nghị Trung ương xem xét sửa đổi bổ sung Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLÐTBXH-BQP ngày 22.10.2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Quốc phòng hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ. Lý do, theo hướng dẫn của Thông tư, địa phương không thực hiện được do không có các điều kiện Thông tư quy định. Mặt khác, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 31/2013/NÐ-CP ngày 9.4.2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Hiện vẫn còn một số nhóm đối tượng chưa được giải quyết chế độ, không thực hiện được chính sách theo tinh thần của Nghị định 31 như người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học… do không có các giấy tờ gốc.

Cũng liên quan đến công tác chính sách, tại phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh hồi tháng 5 vừa qua, lãnh đạo Sở LÐ - TB &XH cho biết, hiện cơ quan này đang tiếp tục giải quyết hồ sơ của 8 trường hợp thương binh, liệt sĩ. Gần đây, có hai trường hợp liệt sĩ ở Bến Cầu sẽ được giải quyết vì đã thoả mãn quy định tại Thông tư 28 năm 2013. Ðối với 6 hồ sơ thương binh, một trường hợp chuyển cơ quan quân đội giải quyết; hai hồ sơ thuộc diện tồn đọng (tại Trảng Bàng) hiện đã có một trường hợp xin rút hồ sơ vì khai không đúng thực tế chiến trường, một trường hợp gia đình sẽ bổ sung giấy tờ. Ba trường hợp cuối cùng trong nhóm này (tại xã Lộc Hưng, Trảng Bàng) không thuộc diện hồ sơ tồn đọng, tức là sẽ được giải quyết bình thường theo quy định.

VIỆT ÐÔNG

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh