Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Luật Giáo dục sửa đổi:

Không quy định trường công lập chất lượng cao 

Cập nhật ngày: 13/03/2019 - 16:18

BTN - Trước việc đa số ý kiến không tán thành, Ban soạn thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) cho biết sẽ không quy định hình thành loại hình trường công lập chất lượng cao trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Trường THPT Trần Đại Nghĩa từng có tên trong danh sách xây dựng trường phổ thông công lập chất lượng cao.

Sau một thời gian công bố để lấy ý kiến đóng góp của xã hội, Ban soạn thảo dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) cho biết đã nhận được hàng trăm ngàn ý kiến đóng góp cho bản dự thảo. Một trong những vấn đề được quan tâm là việc có hay không cho phép hình thành trường công lập chất lượng cao trong hệ thống giáo dục quốc dân. Kết quả thu nhận được cho thấy, đa số ý kiến không tán thành.

CHƯA THỂ HÌNH THÀNH

Trước việc đa số ý kiến không tán thành, Ban soạn thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) cho biết sẽ không quy định hình thành loại hình trường công lập chất lượng cao trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Năm 2018, ngành Giáo dục Tây Ninh đã dày công xây dựng đề án phát triển trường chất lượng cao. Theo cơ quan chủ trì xây dựng đề án, trong những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo Tây Ninh đã có những bước phát triển, chất lượng giáo dục toàn diện có nhiều chuyển biến tiến bộ. Kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của các trường TH, THCS, THPT (gọi tắt các trường phổ thông) trọng điểm của các huyện, thành phố trong việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu, tạo nguồn học sinh giỏi cho các đội tuyển dự thi học sinh giỏi các cấp, nâng cao chất lượng tuyển sinh vào Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha và các trường THPT trên địa bàn tỉnh.

Thực tế, giáo dục phổ thông của Tây Ninh phát triển đồng đều, chất lượng khá tốt: bình quân hằng năm, số học sinh THCS, THPT xếp loại học lực giỏi trên 33,6%; đội ngũ giáo viên THCS, THPT có văn bằng đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn trên 99%; số giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh mỗi chu kỳ đạt khoảng 10% và có đều ở các huyện, thành phố, đủ ở các bộ môn. Những căn cứ trên cho thấy, Tây Ninh có cơ sở để phát triển trường phổ thông trọng điểm chất lượng cao.

Ngày 25.6.2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1429/QĐ-UBND hoàn thiện hệ thống trường phổ thông chất lượng cao các huyện, thành phố, đáp ứng nhu cầu phát triển của giáo dục, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh; đồng thời, xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi các bộ môn, làm nòng cốt trong bồi dưỡng đội ngũ giáo viên trong toàn ngành. Phát triển trường phổ thông chất lượng cao là việc làm cụ thể hoá thực hiện tốt Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Vì vậy, việc xây dựng “Đề án thí điểm trường phổ thông trọng điểm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2018-2020” nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện tốt công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu phổ thông bảo đảm tính liên thông và phát triển bền vững, thúc đẩy việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là cần thiết.

Cơ quan chủ trì xây dựng đề án cho biết, giai đoạn 2018-2020, xây dựng thí điểm 8 trường phổ thông trọng điểm chất lượng cao, gồm: Trường TH Kim Đồng, Trường THCS Trần Hưng Đạo, Trường THPT Tây Ninh, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (thành phố Tây Ninh);  Trường THCS thị trấn Bến Cầu (huyện Bến Cầu); Trường THPT Quang Trung (Gò Dầu); Trường THPT Lý Thường Kiệt và Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Hoà Thành).

Theo Sở GD&ĐT, 8 trường TH, THCS, THPT tham gia thí điểm này đã đạt chuẩn quốc gia, dẫn đầu về chất lượng giáo dục cấp phổ thông. Các trường phổ thông điểm có cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn theo quy định. Chất lượng giáo dục ở 8 trường này phát triển ổn định, học sinh xếp loại hạnh kiểm khá, tốt trên 98%, xếp loại học lực giỏi trên 30%, khá trên 60%. Cơ sở vật chất trường lớp và thiết bị dạy học, hạ tầng về công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư theo hướng kiên cố hoá, chuẩn hoá và hiện đại hoá…

Tuy nhiên, điểm hạn chế của 8 trường nêu trên là, đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, còn thiếu so với yêu cầu, thiếu giáo viên giỏi chuyên môn nghiệp vụ. Công tác bồi dưỡng đội ngũ chưa có sự đổi mới về nội dung chương trình, hình thức và phương pháp tổ chức, chất lượng tuy có tăng so các năm học trước nhưng thực sự chưa có sự bứt phá. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đồng bộ, các phòng thực hành, phòng học bộ môn trang bị nhiều giai đoạn, chắp vá, sân chơi, bãi tập chưa được quy hoạch hợp lý.

Công tác tuyển sinh ở các trường điểm chưa huy động triệt để số học sinh giỏi, học sinh năng khiếu vào trường; chất lượng giáo dục mũi nhọn hằng năm chưa bền vững; công tác kiểm tra, đánh giá, phân loại học sinh chưa đổi mới, chưa phù hợp với học sinh giỏi, học sinh năng khiếu…

Ngoài các trường thí điểm trên, ngành Giáo dục tỉnh nhà còn  khuyến khích mở rộng quy mô các trường phổ thông trọng điểm chất lượng cao để thu hút khoảng 25%-35% học sinh có học lực giỏi, học sinh năng khiếu trên địa bàn huyện, thành phố vào học, chiếm 7%-10% trong số học sinh cấp THCS, THPT trên toàn tỉnh. Mỗi trường có từ 14 đến 21 lớp, trong đó có từ 2 đến 4 lớp chất lượng cao, mỗi lớp chất lượng cao không quá 35 học sinh.

Việc tuyển sinh vào các lớp chất lượng cao ở các huyện, thành phố thực hiện cho các khối lớp 6, 7, 8 và 9. Môn học nâng cao thực hiện ở các khối lớp là Toán, Ngữ văn, tiếng Anh và các môn học khác ở lớp 8, 9. Riêng đối với Trường tiểu học Kim Đồng chọn mỗi khối từ 1 đến 2 lớp thí điểm chương trình chất lượng cao…

Sau khi kế hoạch xây dựng trường công lập chất lượng cao được công bố để lấy ý kiến xã hội (cả trong và ngoài ngành), phần lớn những người trong cuộc, tức cán bộ đang làm công tác quản lý giáo dục đều chung một nhận định: mục đích xây trường chất lượng cao là tốt. Tuy vậy, hoàn toàn không có cơ sở pháp lý cũng như cơ sở thực tiễn để triển khai. Kết quả sau đó cho thấy, những nhận định nêu trên là đúng. Loại hình trường trường công lập chất lượng cao chưa thể hình thành. Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) dự kiến được thông qua trong năm nay cũng đã loại mô hình trường công lập chất lượng cao ra khỏi nội dung của luật.

CHƯA TỐT NGHIỆP VẪN ĐƯỢC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN

Liên quan đến Luật Giáo dục (sửa đổi), qua việc tiếp thu ý kiến của nhân dân, Chính phủ đã có báo cáo gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về một số vấn đề lớn của ngành. Trong đó, Chính phủ nêu một số nội dung quan trọng, gồm: không đưa khái niệm “triết lý giáo dục” vào luật; miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở; nâng chuẩn đào tạo đối với giáo viên và cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục.

Trong số nội dung lớn nói trên, việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục được coi là một quy định mới. Dự thảo luật cũng không quy định việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học, vì việc tuyển sinh thuộc về quyền tự chủ của các trường đại học- đã được quy định trong Luật Giáo dục đại học (sửa đổi, bổ sung).

Chính phủ nhất trí với ý kiến đa số và bổ sung quy định: học sinh học hết chương trình THPT nếu đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ trưởng GD&ĐT nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Đồng thời, sửa đổi quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp để bảo đảm việc phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.

Đ.V.T