Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Không thể bóp méo, xuyên tạc về nhân quyền ở Việt Nam
Thứ bảy: 19:32 ngày 27/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ở Việt Nam hay bất cứ quốc gia độc lập, có chủ quyền nào khác trên thế giới, các đối tượng vi phạm pháp luật đều bị điều tra, truy tố và xét xử theo pháp luật. Thế nên, không một ai hay thế lực nào có thể “đổi trắng thay đen”, bóp méo, xuyên tạc về vấn đề nhân quyền tại nước ta khi các đối tượng vi phạm pháp luật như Phạm Thị Đoan Trang bị đưa ra xét xử và kết án theo pháp luật.

Hành vi vi phạm pháp luật không thể chối cãi

Không ai ngạc nhiên khi từ trước cho tới khi đưa ra xét xử phúc thẩm và kết án bị cáo Phạm Thị Đoan Trang, các thế lực thù địch, phản động, bất mãn, cơ hội chính trị cùng một số tổ chức, phương tiện truyền thông thiếu thiện chí lại đồng thanh chỉ trích Việt Nam, đòi trả tự do cho đối tượng vi phạm pháp luật. Đó là điều mà họ vẫn thường làm mỗi khi có một đối tượng vi phạm pháp luật, chống đối Nhà nước Việt Nam bị điều tra, truy tố, xét xử, kết án và lần này với Phạm Thị Đoan Trang cũng vậy.

Trong đó, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) luôn tỏ ra hăng hái, tích cực bậc nhất khi Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội vừa tuyên y án 9 năm tù với Phạm Thị Đoan Trang, HRW đã phát đi thông báo đòi hủy bỏ bản án, “trả tự do lập tức” với bị cáo mà họ cho là “nhà hoạt động nhân quyền và blogger nổi tiếng”. Tổ chức nổi tiếng về sự thù địch với Việt Nam này cũng “khuyên” Việt Nam “nên chấm dứt những hành vi lạm dụng” này.

Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc đưa Việt Nam vào danh sách những nước có chỉ số phát triển con người ở mức cao trên thế giới

Vậy vì sao mà Phạm Thị Đoan Trang lại bị điều tra, truy tố, xét xử và kết án về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”?

Quá trình tố tụng theo đúng quy định của pháp luật xác định, trong khoảng thời gian từ ngày 16-11-2017 đến ngày 5-12-2018, bị cáo Phạm Thị Đoan Trang có hành vi làm, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngoài ra, bị cáo Phạm Thị Đoan Trang còn trả lời phỏng vấn trên truyền thông nước ngoài với nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân.

Tại phiên phúc thẩm ngày 25-8, bị cáo Phạm Thị Đoan Trang tiếp tục cho rằng mình không phạm tội và kêu oan. Các luật sư bào chữa cho bị cáo này cũng đề nghị Tòa phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, trên cơ sở xét hỏi công khai tại phiên phúc thẩm, căn cứ lời khai, tài liệu, kết quả giám định, Tòa phúc thẩm nhận định, đủ cơ sở để kết luận hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Thị Đoan Trang. Qua đó, Tòa sơ thẩm tuyên án phạt 9 năm tù đối với bị cáo Phạm Thị Đoan Trang về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" là đúng người, đúng tội, không oan, hình phạt phù hợp với hành vi phạm tội.

Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định hành vi của bị cáo Phạm Thị Đoan Trang là nguy hiểm cho xã hội, thực hiện với lỗi cố ý xâm phạm chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa, xã hội, xâm phạm đến sự vững mạnh của chính quyền nhân dân. Bản thân bị cáo là người có trình độ nhận thức nhất định, bị cáo hiểu và biết rõ hậu quả hành vi vi phạm của mình song vẫn tích cực thực hiện trong một thời gian dài nên cần phải xử phạt nghiêm minh.

Thành tựu phát triển con người được ghi nhận

Những gì diễn ra quanh phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Phạm Thị Đoan Trang, còn có thể thấy ở các phiên tòa, vụ án của các đối tượng chống đối, vi phạm pháp luật khác như Tạ Phong Tần, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Chí Dũng, Cấn Thị Thêu… Thế nhưng, theo luật pháp hiện hành tại Việt Nam, hành vi phạm tội của các bị cáo này là rõ ràng và hành vi vi phạm pháp luật đó đã được chứng minh bằng các chứng không thể bác bỏ trong suốt quá trình tố tụng.

Hành vi vi phạm pháp luật của Phạm Thị Đoan Trang là rõ ràng và đối tượng này đã bị xét xử, tuyên án theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam. Việc các thế lực thù địch, phản động, chống đối cố tình phớt lờ những nguyên tắc sơ đẳng nhất trong đời sống quốc tế hiện nay vốn đề cao thượng tôn pháp luật cũng như quan hệ giữa các quốc gia trên thế giới để vinh danh, bênh vực cho những đối tượng vi phạm pháp luật là sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam, một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Sự can thiệp ấy nhằm mục đích chống phá Nhà nước và chế độ Việt Nam một cách rõ ràng.

Thực ra, chẳng ai còn lạ gì mưu đồ xuyên suốt chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta của các thế lực thù địch, phản động cùng những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị. Trong đó, chúng luôn lợi dụng những cái gọi là “tù nhân lương tâm”, “đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền” “đấu tranh cho tự do ngôn luận, báo chí”… nhằm xuyên tạc, vu cáo tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam; gây hoài nghi, phân tâm, hoang mang, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc...

Để bóp méo, xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, các thế lực phản động, thù địch, chống phá luôn tìm cách cổ súy các đối tượng vi phạm pháp luật, bất mãn, cơ hội chính trị. Đặc biệt, chúng tán tụng những đối tượng này với những danh xưng mỹ miều như “tù nhân lương tâm”, “nhà hoạt động, đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền”, “người đấu tranh cho tự do ngôn luận, báo chí”...

Thế nhưng, quá trình tố tụng với các đối tượng vi phạm pháp luật khẳng định, ở Việt Nam hoàn toàn không có cái gọi là “tù nhân lương tâm” hay “những người bị bắt, truy tố và xét xử do đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền; tự do ngôn luận” mà chỉ có những đối tượng vi phạm pháp luật bị điều tra, bắt giữ, truy tố, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Mọi sự bóp méo, xuyên tạc vấn đề nhân quyền ở Việt Nam vì thế đều chuốc lấy thất bại.

Thành tựu về dân chủ, nhân quyền cùng thực tế sống động tại Việt Nam là sự bác bỏ thuyết phục nhất với những mưu đồ chống phá nước ta trong vấn đề này. Suốt gần 77 năm, Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 không chỉ đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do mà đó còn chính là bản tuyên ngôn về nhân quyền của Nhà nước ta.

Kể từ đó, trong hơn 3/4 thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã xây dựng một Nhà nước dân chủ, công bằng, văn minh và ở đó các quyền tự do cơ bản của người dân được bảo vệ và không ngừng phát triển. Từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 tới các bản Hiến pháp sau này và gần đây nhất là Hiến pháp năm 2013 đều quy định rõ về quyền con người. Điều này được cụ thể hóa trong các văn bản luật pháp, đồng thời được tôn trọng trên thực tế.

Thành tựu của những nỗ lực không ngừng nghỉ bảo vệ và phát triển các quyền tự do cơ bản của người dân đã được ghi nhận khi Việt Nam được Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đưa vào danh sách những nước có chỉ số phát triển con người ở mức cao trên thế giới.

Nguồn anninhthudo

Tin cùng chuyên mục