BAOTAYNINH.VN trên Google News

Không thể buông xuôi 

Cập nhật ngày: 13/05/2017 - 13:00

BTNO - Các con nay đã tuổi 16, 17, vậy mà chị vẫn chưa được thảnh thơi. Hồi mới biết các con bị tật nguyền vì di chứng chất độc da cam, chị đã khóc ròng nhiều đêm, có lúc tưởng mình gục ngã. Nhưng chị lại tự an ủi mình, dù sao cũng còn may mắn khi có được sự quan tâm, giúp đỡ của những người thân, đoàn thể xã hội và chính quyền địa phương.

Chị Vân chăm sóc bò- tài sản lớn của gia đình.

Chị cho biết, gia đình chị đã được địa phương xét tặng một căn nhà đại đoàn kết, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh cũng trợ giúp một con bò để cuộc sống ổn định hơn. Ðó chính là nguồn động viên để chị từng ngày nỗ lực vượt qua khó khăn, cùng chồng lo nuôi nấng, chăm sóc các con bệnh tật.

Chị tên là Hồ Thị Thu Vân, hồi nhỏ sống ở ấp Long Yên, xã Long Thành Nam, huyện Hoà Thành. Lớn lên, chị lập gia đình rồi cùng chồng đi làm công nhân ở thành phố Hồ Chí Minh. Sau này khi có con, hai vợ chồng trở về quê, cất nhà ven sông Vàm Cỏ. Chị Vân phụ chồng làm nghề lưới cá để mưu sinh. Những đứa con ra đời mang theo niềm vui và hy vọng cho đôi vợ chồng trẻ. Nhưng không ngờ cả hai đứa con đều bị tật nguyền do di chứng chất độc da cam.

Theo lời chị, lúc mới sinh ra, các cháu vẫn bình thường nhưng đến tuổi tập đứng, tập đi thì xuất hiện những dấu hiệu bất thường. Hai vợ chồng chị gom góp, vay mượn tiền đưa con đi chữa bệnh, mong cho con được khoẻ mạnh trở lại. Nhưng rồi theo thời gian, niềm hy vọng cứ tàn lụi dần, bởi các con của chị vẫn không thể tự đi lại, sinh hoạt như những đứa trẻ bình thường.

Thấy con trẻ thiệt thòi, bất hạnh, chị càng dồn hết tình thương cho chúng, cố gắng làm hết trách nhiệm của một người mẹ. Cuộc sống gia đình càng thêm khó khăn, chật vật do chỉ còn một mình chồng chị lo kinh tế với công việc làm thuê, làm mướn, còn chị phải ở nhà chăm sóc hai con, không thể làm gì ra tiền. Chị Vân tâm sự: “Nhiều lúc quanh quẩn ở nhà, không làm được gì tôi cũng thấy khó chịu, thậm chí có lúc nghĩ quẩn… Nhưng nhờ sự động viên, chia sẻ của chồng, tôi lại tiếp tục cố gắng”.

Khi các con tới tuổi đi học, chị Vân đã cùng con đến trường. Ðưa con vào lớp, chị còn phải ngày mấy bận đến trường để cho con ăn giữa buổi hay đi vệ sinh. Tuy cực khổ, nhưng bằng tất cả tình thương của một người mẹ, chị cố vượt qua mọi thứ với mong muốn con mình cũng có được cơ hội tiếp xúc, hoà nhập với môi trường bình thường để nó đỡ tủi thân.

Ðôi khi nghĩ ngợi, chị thấy buồn, nhưng buồn cho mình thì ít mà xót xa cho con thì nhiều vì thấy con không được như chúng bạn. Chị chỉ ao ước các con có thể chạy nhảy vui đùa cùng bạn bè nhưng rồi đành bất lực. Theo năm tháng, hai đứa trẻ lớn dần, đồng nghĩa với việc chị phải dốc sức lực nhiều hơn mới có thể ẵm chúng lên những bậc cầu thang để đến lớp học. Rồi thì cuối cùng chị cũng đành chấp nhận cho đứa con trai nghỉ học khi cháu lên lớp năm. Riêng cô con gái lớn vẫn được mẹ đều đặn đưa đến trường, đến nay, cháu đã học lớp 9.

Người mẹ 42 tuổi tâm sự về mối lo lắng trong lòng: “Tôi bây giờ trong người cũng có vài chứng bệnh nên sức khoẻ không còn tốt. Tôi đang lo khi con gái vào cấp ba, mình có còn đủ sức để đưa cháu đến trường tiếp hay không.”. Chị Vân đã nghĩ tới việc tìm hướng cho con học nghề, để mai này chúng có thể tự nuôi thân. Bởi chị luôn lo sợ đến một lúc nào đó, chị không còn lo được cho chúng nữa.

Hiện tại, chị vẫn cùng chồng ngày ngày cố gắng chăm lo cho các con. Thấy chồng làm lụng vất vả, chị xót lắm nhưng đành chịu. Bận bịu với công việc chăm con chị vẫn cố tranh thủ, những lúc con ngủ hoặc đang ở trường chị bỏ công chăm sóc hai con bò cái- tài sản có giá trị nhất của vợ chồng chị lúc này.

Chị Vân cười bảo: “Mình tuy khổ nhưng cũng đã được sự quan tâm từ phía gia đình, địa phương nên dù thế nào cũng phải cố gắng vượt qua, không được buông xuôi”. Ðiều mong mỏi lớn nhất của chị hiện tại chính là cả hai vợ chồng đều có sức khoẻ tốt, để còn làm lụng kiếm tiền chăm lo cho các con.

Vi Xuân