BAOTAYNINH.VN trên Google News

Không thể chủ quan với dịch cúm A/H1N1

Cập nhật ngày: 10/10/2009 - 05:36

Trong vòng một tháng qua, Tây Ninh phải đối mặt với sự gia tăng của các ca nhiễm cúm A/H1N1. Trường học vẫn là nơi có số mắc cúm cao nhất. Đã có nhiều trường học phải đóng cửa vì có học sinh nhiễm cúm A/H1N1. Nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng cũng đã không muốn cho con em đến trường. Để hiểu rõ hơn tình hình này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn bác sĩ Nguyễn Văn Cường- PGĐ Sở Y tế, Phó Ban chỉ đạo Phòng chống dịch cúm A/H1N1 tỉnh.

Xin bác sĩ cho biết về tình hình dịch cúm A/H1N1 hiện nay tại tỉnh ta?

- Nhìn chung các ca bệnh cúm A/H1N1 hiện nay tại tỉnh ta chỉ gây bệnh nhẹ, có trường hợp không cần điều trị cũng tự khỏi. Tuy nhiên chúng ta không nên chủ quan trong lúc virus cúm có độc lực thấp; mà cần tăng cường các biện pháp phòng chống lây lan trong cộng đồng và bảo vệ cá nhân vì số lượng mắc cúm càng gia tăng tất yếu sẽ dẫn tới số tử vong cũng gia tăng. Thực tế cho thấy những ca mắc và tử vong không chỉ xảy ra trên những người có yếu tố nguy cơ cao, mà ở một số trường hợp thanh thiếu niên khoẻ mạnh và người trưởng thành dưới 50 tuổi cũng bị bệnh và tử vong. Mặt khác, đến mùa đông, khả năng cúm sẽ diễn biến phức tạp hơn, nếu virus cúm biến chủng có độc lực cao thì tử vong sẽ tăng cao hơn.

Hiện tại, các ca nhiễm cúm A/H1N1 trong tỉnh chủ yếu tập trung vào các điểm trường học. Vì đây là môi trường tập trung đông người, tạo điều kiện thuận lợi cho virus lây lan nhanh chóng. Chỉ từ một học sinh ban đầu đã có thể lây lan cho rất nhiều học sinh khác.

Khám sàng lọc triệu chứng cúm cho học sinh.

Viện Pasteur TP.HCM đã tạm ngưng công tác xét nghiệm cúm A/H1N1, điều này có gây trở ngại gì cho công tác phòng chống dịch trong tỉnh không, thưa bác sĩ?

- Hiện nay Viện Pasteur TP.HCM đã thông báo tạm ngưng xét nghiệm cúm A/H1N1; vì vậy việc xác định những ổ dịch mới cũng như việc xác định cúm trên những đối tượng nguy cơ cao để phục vụ cho việc chẩn đoán và điều trị cũng gặp khó khăn. Trong bối cảnh này, mọi người phải trang bị kiến thức phòng chống cúm cho cá nhân, gia đình để ứng xử phù hợp là vấn đề quan trọng; như vậy hàng loạt câu hỏi đặt ra: Ai là người có nguy cơ cao bị nhiễm cúm và tử vong? Chăm sóc tại nhà như thế nào? Xử lý ra sao khi có triệu chứng cúm và lúc nào cần nhập viện?

Đối với các trường hợp có biểu hiện sốt mà không được xét nghiệm thì như thế nào?

- Trước hết phải xác định rằng mọi đối tượng đều có thể bị mắc cúm A/H1N1. Nhưng số người có nguy cơ cao mắc bệnh và tử vong cao là những người đang mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường, các bệnh chuyển hoá mãn tính, các bệnh về thận mãn tính, các bệnh rối loạn về máu, các bệnh ức chế miễn dịch (ung thư, HIV/AIDS, sử dụng chất ảnh hưởng đến hệ thần kinh), các bệnh về hệ thần kinh mãn tính, phụ nữ có thai (đặc biệt thời kỳ 3 tháng giữa và 3 tháng cuối), những người béo phì, người cao tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi.

Qua thực tế, nhiều người vẫn còn mơ hồ trong việc nhận dạng triệu chứng cúm. Chúng ta không thể phân biệt giữa cúm A/H1N1 và cúm mùa thông thường. Trong tình hình không thể xét nghiệm cúm A/H1N1 như hiện nay thì khi có một trong các triệu chứng của cúm như sốt, ho, đau họng, sổ mũi trước hết là phải nghĩ đến bị cúm A/H1N1. Khi có triệu chứng của cúm thì cần nghỉ và cách ly 7 ngày, đặc biệt là với công nhân, học sinh, giáo viên, người làm việc nơi đông người; sau một tuần vẫn còn các triệu chứng của cúm thì phải tiếp tục nghỉ cho đến khi các triệu chứng hết hẳn hoàn toàn mới đi làm, đi học trở lại.

Nhiều trường hợp có triệu chứng mắc cúm nhưng lại từ chối không nhập viện, như vậy nếu cách ly điều trị tại nhà thì điều kiện chăm sóc thế nào? Và những trường hợp nào nên đến bệnh viện ngay lập tức, thưa bác sĩ?

 Trường hợp cách ly tại nhà, người mắc cúm cần ở trong một khu/phòng riêng biệt (nơi phải thông thoáng); nếu nhà chật hẹp phải cố gắng giữ người đó cách với mọi người trong nhà tối thiểu là 2 mét. Người bệnh cần được nghỉ ngơi, uống nhiều nước, giảm sốt bằng thuốc paracetamol (không uống aspirin). Người bệnh phải đeo khẩu trang, che miệng, mũi bằng khăn giấy hay tay áo khi ho hoặc hắt hơi; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt là sau khi ho hoặc hắt hơi. Nếu người bệnh không đeo khẩu trang, thì người chăm sóc phải đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh; rửa tay với xà phòng mỗi sau khi tiếp xúc với người bệnh. Lau sạch nền nhà, các dụng cụ gia đình, các bề mặt trong nhà bằng các dung dịch sát khuẩn (chloramin B 3,5% hoặc nước Javel).

Những người sau đây cần nhập viện ngay lập tức: đối tượng nguy cơ cao như nêu phần trên, người trong khi nghỉ ngơi mà thở nhanh, khó thở hoặc thở khò khè, người ho ra máu, người còn sốt sau 5 ngày, người thấy khá hơn nhưng sau đó bị sốt lại hoặc ho nặng hơn, người cực kỳ uể oải, lơ mơ hoặc bị đau đầu dữ dội. Đối với trẻ em cũng đưa vào viện ngay lập tức khi có bệnh mãn tính, thở ngắn trong khi nghỉ, khó thở hoặc thở khò khè, có thân nhiệt trên 390C, bị nôn ói 4 giờ liên tục, lơ mơ lay không tỉnh, im lặng bất thường hoặc không phản ứng gì.

Điều trị hiệu quả lệ thuộc vào việc nhập viện sớm hay muộn; thuốc kháng virus có hiệu quả nhất là trong vòng 48 giờ kể từ khi có triệu chứng cúm.

Hiện nay số ca nghi ngờ nhiễm cúm A/H1N1 đã lên đến con số hơn 1.000, liệu Tây Ninh có đủ thuốc đặc trị Tamiflu đáp ứng công tác điều trị lâu dài hay không?

- Chúng tôi sẽ luôn đảm bảo đầy đủ thuốc đặc trị cho người dân. Hiện nay, các trường hợp điều trị triệu chứng cúm A/H1N1 đều được Nhà nước tài trợ. Và việc dùng thuốc kháng virus tương đối an toàn. Người dân nên an tâm khi cho con em mình được nhập viện để điều trị. Nếu chờ đến khi có biểu hiện của biến chứng mới nhập viện thì hiệu quả điều trị thấp, nguy cơ tử vong cao.

Xin cám ơn bác sĩ.

Yên Khuê

(Thực hiện)