Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Trong kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khoá VIII vừa qua, cử tri xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng đề nghị UBND tỉnh thông báo thời gian triển khai giai đoạn 2 dự án Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phước Đông - Bời Lời vì người dân rất băn khoăn, không dám đầu tư sản xuất.

UBND tỉnh đã trả lời thắc mắc của cử tri, cụ thể như sau: Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phước Đông - Bời Lời có tổng diện tích 2.850 ha, trong đó Khu công nghiệp là 2.190 ha, khu đô thị - dịch vụ là 648 ha. Giai đoạn I đã đền bù được 1.260 ha, 1.051 ha khu công nghiệp và 245 ha khu đô thị - dịch vụ.
Đến thời điểm hiện tại, Khu công nghiệp Phước Đông đã thu hút được 17 dự án đầu tư (15 dự án FDI và 2 dự án trong nước) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1 tỷ 541 triệu USD và 318 tỷ đồng; diện tích đất đã cho thuê giai đoạn I là 321,42 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 44,15%; có 5 dự án đi vào hoạt động, 4 dự án đang xây dựng, đã giải quyết việc làm cho 11.909 lao động.
Những năm qua dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thu hút đầu tư khó khăn nhưng Khu công nghiệp Phước Đông đã thu hút được 8 dự án đầu tư có quy mô đầu tư lớn, dự án được triển khai nhanh, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp góp phần vào tăng trưởng của địa phương. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào các Khu công nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đất đã đền bù đầu tư hạ tầng diện tích còn lớn, tỷ lệ lấp đầy chưa cao.
Hiện các khu công nghiệp còn hơn 600 ha đất sạch sẵn sàng tiếp nhận dự án, nên chủ đầu tư VRG đề xuất triển khai đền bù giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 được chia làm hai bước. Bước 1 giai đoạn II: Năm 2015 sẽ tiến hành kiểm kê, lập phương án, chi trả bồi thường 299 ha, chủ yếu là phần diện tích đất thuộc nông trường cao su.
Bước 2 giai đoạn II: Phần diện tích còn lại (khoảng 1.000 ha) hiện chủ đầu tư chưa xác định được cụ thể thời gian đền bù. Dự kiến sau khi hoàn thành đền bù giải toả bước 1 giai đoạn 2, khi tình hình thu hút đầu tư khá hơn, tỷ lệ lấp đầy các Khu công nghiệp cao hơn sẽ tiến hành đền bù toàn bộ diện tích theo quy hoạch. Vì nguồn lực dồn vào đền bù giải toả rất lớn, chậm khai thác sử dụng sẽ tạo áp lực lớn về tài chính cũng như hiệu quả sử dụng đất trong vùng dự án.
Như vậy, có thể thấy, việc đầu tư, giải toả đền bù về đất đai là mong muốn của tất cả các bên có liên quan: chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, không thể đầu tư một cách ồ ạt được.
Đ.V.T