Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chi trả hỗ trợ cho đội ngũ nhân viên y tế theo Nghị quyết số 47/2022/NQ-HĐND:
Không thể để chậm trễ hơn
Thứ bảy: 08:19 ngày 30/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bạn đọc cho rằng, nghị quyết đã có hiệu lực thi hành từ năm 2022, nhưng đến nay công chức, viên chức ngành Y tế của tỉnh vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ; phải chăng chính sách và cuộc sống quá xa vời?!

Đề xuất 2.663 đối tượng hưởng hỗ trợ hằng tháng theo Nghị quyết 47 (Trong ảnh: Đội ngũ bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

Mới đây, Báo Tây Ninh ghi nhận nhiều phản hồi của bạn đọc về tuyến bài viết phản ánh tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 47/2022/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh về chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ công chức, viên chức, nhân viên ngành Y tế tỉnh Tây Ninh (gọi tắt là Nghị quyết 47, có hiệu lực từ ngày 19.12.2022).

Bạn đọc cho rằng, nghị quyết đã có hiệu lực thi hành từ năm 2022, nhưng đến nay công chức, viên chức ngành Y tế của tỉnh vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ; phải chăng chính sách và cuộc sống quá xa vời?!

Vì sao chậm trễ?

Nghị quyết 47 là một trong những chính sách đặc thù của tỉnh Tây Ninh được ban hành nhằm thu hút, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ hằng tháng cho công chức, viên chức, nhân viên ngành Y tế. Tuy nhiên, sau một năm triển khai thực hiện, có một số nội dung phát sinh, bất cập về nguồn kinh phí.

Khoản 2, Điều 22 Nghị quyết 47 quy định: “Việc hỗ trợ hằng tháng đối với công chức, viên chức, nhân viên ngành Y tế từ nguồn ngân sách tỉnh theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước hiện hành. Riêng đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên được sử dụng nguồn thu để hỗ trợ hằng tháng đối với bác sĩ, viên chức và người được ký hợp đồng lao động đối với các vị trí việc làm là viên chức y tế theo quy định của pháp luật; nếu đơn vị có chênh lệch thu nhỏ hơn chi thì ngân sách Nhà nước cấp bù”. Đây chính là vướng mắc khiến việc thực hiện chi trả chính sách hỗ trợ hằng tháng đối với công chức, viên chức, nhân viên ngành Y tế không thể thực hiện được.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh, số lượng đơn vị toàn ngành Y tế có nguồn thu để chi trả theo nghị quyết không nhiều. Nếu sử dụng nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, khi không được ngân sách Nhà nước hỗ trợ sẽ không đơn vị nào có đủ nguồn kinh phí để thực hiện hỗ trợ theo quy định. Bên cạnh đó, nếu sử dụng nguồn thu của các đơn vị để chi trả sẽ không công bằng đối với những người làm việc trong các cơ sở y tế công lập nhưng không thuộc đối tượng hỗ trợ.

Bác sĩ Phan Thanh Tâm- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Tây Ninh cho biết, nếu vẫn giữ nguyên tắc chi hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng theo Khoản 2, Điều 22 Nghị quyết 47 sẽ gây áp lực lớn đối với các đơn vị, trong đó có BVĐK tỉnh. Nhất là từ thời điểm sau đại dịch Covid-19, tình trạng thiếu thuốc bảo hiểm y tế khiến các đơn vị khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, một số nhân viên làm việc trong bệnh viện như lái xe cấp cứu, kế toán... không được hưởng hỗ trợ theo chính sách, điều này vô hình trung sẽ gây sự so bì, ảnh hưởng hiệu quả công việc.

Nhân viên y tế Trung tâm Y tế thành phố Tây Ninh tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân trong giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch

 

Không mở rộng đối tượng thụ hưởng

Điều 15 và Điều 16 Nghị quyết 47 quy định 4 nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ hằng tháng đối với công chức, viên chức, nhân viên ngành Y tế và mức trợ cấp kinh phí tương ứng với từng đối tượng. Cụ thể: bác sĩ phục vụ, công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp huyện, các trạm y tế xã, phường, thị trấn; bác sĩ công tác tại cơ sở cai nghiện ma tuý thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (mức trợ cấp 4 triệu đồng/người/tháng). Công chức đang công tác tại cơ quan Sở Y tế và các chi cục trực thuộc Sở Y tế có trình độ chuyên môn là bác sĩ, dược sĩ (mức trợ cấp 3 triệu đồng/người/tháng). Viên chức và người được ký hợp đồng lao động đối với các vị trí việc làm là viên chức y tế theo quy định của pháp luật (mức trợ cấp 3 triệu đồng/người/tháng). Nhân viên y tế khu phố (mức trợ cấp 450.000 đồng/người/tháng).

Trao đổi thảo luận về Nghị quyết 47 tại kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khoá X, đại biểu Võ Kim Huệ băn khoăn về việc không đưa nhân viên y tế trường học vào đối tượng thụ hưởng chính sách. Trong khi đó, nhân viên y tế trường học hiện nay hưởng mức lương thấp; nhiều trường trên địa bàn tỉnh nói chung và thị xã Hoà Thành nói riêng có tình trạng nhân viên y tế trường học xin nghỉ việc và cũng rất khó tuyển dụng vị trí này.

Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri phường 3 thành phố Tây Ninh trước kỳ họp thứ 10, cử tri Nguyễn Thị Thuỷ nêu tâm tư của những người làm việc trong hệ thống y tế công lập (gồm: kế toán, nhân viên lái xe cấp cứu…) nhưng không được hưởng chế độ chính sách theo Nghị quyết 47. Bà cho rằng, một đơn vị y tế khi thực hiện nhiệm vụ thì không thể thiếu một mắt xích nào, vì tất cả nhân viên đều phải tiếp xúc hằng ngày với bệnh nhân.

Trả lời làm rõ những băn khoăn, tâm tư về việc tại sao không mở rộng đối tượng thụ hưởng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm cho biết, Nghị quyết 47 là chính sách để khuyến khích, ưu đãi, thu hút nhân lực của ngành Y tế. Mục tiêu của chính sách là dùng ngân sách của tỉnh để hỗ trợ đặc thù cho những người làm công tác chuyên môn về y tế, bởi vì hiện nay nhân lực Y tế của tỉnh Tây Ninh thiếu nhiều so với nhu cầu. “Trong điều kiện của tỉnh còn nhiều khó khăn, việc ban hành và thực hiện nghị quyết phải phù hợp với mục tiêu, định hướng cũng như cân đối nguồn lực theo điều kiện thực tế của tỉnh. Ngoài đội ngũ nhân viên y tế, nhiều đối tượng của ngành khác cũng cần phải có chính sách hỗ trợ đặc thù, đơn cử như giáo viên vùng sâu vùng xa”- Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm bày tỏ chia sẻ với cử tri.

Đề xuất 2.663 đối tượng được chi hỗ trợ

Xuất phát từ lý do này, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, thống nhất ban hành nghị quyết sửa đổi khoản 2 Điều 22 của Nghị quyết 47 để phù hợp với thực tế hiện nay và đã được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ 10.

Ngày 8.12.2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 66/2023/NQ-HĐND sửa đổi khoản 2 Điều 22 Nghị quyết 47 về chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ công chức, viên chức, nhân viên ngành Y tế tỉnh Tây Ninh. Theo đó, “kinh phí hỗ trợ sử dụng từ nguồn ngân sách của tỉnh theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, thực hiện từ năm ngân sách 2023”. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện chi hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng theo quy định.

Theo ông Trương Văn Hùng- Giám đốc Sở Y tế, ngay sau khi nghị quyết có hiệu lực thi hành (từ ngày 18.12.2023), Sở đã trình UBND tỉnh phê duyệt 2.663 đối tượng hưởng hỗ trợ hằng tháng theo Nghị quyết số 47. Trong đó, có 577 trường hợp là bác sĩ phục vụ, công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp huyện và trạm y tế xã, phường, thị trấn; 17 trường hợp bác sĩ, dược sĩ là công chức đang công tác tại Sở, các chi cục trực thuộc Sở và 2.069 trường hợp là viên chức và người được ký hợp đồng lao động theo quy định pháp luật. “Đây là những trường hợp thường xuyên, trực tiếp làm công việc về chuyên môn y tế, điều kiện, môi trường làm việc có tiếp xúc với người bệnh tính đến 31.12.2023, mức chi trả căn cứ theo thời gian làm việc thực tế của từng người”- ông Hùng cho biết.

Thống kê của Sở Y tế, toàn tỉnh có 7 đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên, 10 đơn vị bảo đảm chi một phần và 1 đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Với Nghị quyết số 66/2023/NQ-HĐND, bố trí toàn bộ kinh phí từ ngân sách của tỉnh đã giúp tháo gỡ một nút thắt quan trọng để thực hiện các bước chi trả cho đối tượng thụ hưởng. “Ở góc độ nhiệm vụ của ngành Y tế - cơ quan tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách này, Sở đã cố gắng hết sức với mong muốn chính sách sẽ sớm được thực hiện. Từ đó, hỗ trợ một phần kinh phí, góp phần động viên cán bộ, nhân viên ngành Y tế tiếp tục gắn bó với nghề, gắn bó với các đơn vị y tế công lập và thu hút đội ngũ y, bác sĩ về công tác tại các đơn vị y tế công lập trên địa bàn tỉnh”- Giám đốc Sở Y tế bày tỏ.

Ông cho biết thêm, sau khi UBND tỉnh phê duyệt danh sách 2.663 trường hợp mới có cơ sở để Sở Tài chính và các bộ phận liên quan triển khai thực hiện chi trả vào đầu năm 2024, dự kiến mức chi trên 100 tỷ đồng.

Nút thắt của Nghị quyết 47 đã được tháo gỡ. Hy vọng việc chi trả chính sách cho đội ngũ nhân viên y tế sớm được thực hiện. Đây là mong mỏi của hàng ngàn nhân viên y tế trên địa bàn tỉnh và cũng là việc không thể chậm trễ!

Phương Thuý - Tâm Giang

Tin cùng chuyên mục