Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thi hành án thiếu tài sản:
Không thể để dân chờ đợi mãi
Thứ bảy: 13:33 ngày 03/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Bản án đã có hiệu lực hơn 10 năm nay nhưng chưa được thi hành, chỉ vì lý do việc cưỡng chế thi hành án chưa đúng, gây mất đất của gia đình tôi. Nên chúng tôi muốn làm rõ hành vi thiếu sót của chấp hành viên thực hiện công vụ này, đồng thời yêu cầu cơ quan chức năng sớm thi hành bản án đã có hiệu lực từ năm 2006, hoặc phải bồi thường theo quy định”- đó là nội dung chính trong đơn của ông Đinh Văn Phụng và vợ là bà Nguyễn Thị Khánh (ngụ ấp Lộc An, xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng) gửi cho Báo Tây Ninh.

Vợ chồng bà Khánh.

THI HÀNH ÁN CHƯA ĐÚNG HIỆN TRẠNG ĐẤT?

Theo đơn trình bày, trong thời gian công tác tại Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Trảng Bàng, chấp hành viên H.V.U (hiện đang công tác tại Chi cục THADS huyện Gò Dầu) có thực hiện cưỡng chế giao quyền sử dụng đất, theo Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật số 290/2006/PTDS ngày 29.9.2006 của TAND tỉnh (Bản án số 290).

Trong vụ án này, nguyên đơn là ông Lê Văn Lang tranh chấp quyền sử dụng 3.339m2 đất với bị đơn là bà Đoàn Thị Lâm và ông Nguyễn Văn Bình (chồng bà Lâm); ông Đinh Văn Phụng, bà Nguyễn Thị Khánh với vai trò là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, vì trước đó có sang nhượng của ông Lang một phần đất 1.210m2 trong phần diện tích 3.339m2.

Bản án số 290 tuyên: Không chấp nhận yêu cầu phản tố tranh chấp quyền sử dụng đất của bà Lâm và ông Bình đối với ông Lê Văn Lang. Ông Lang được quyền quản lý, sử dụng diện tích đất 2.129m2 với tứ cận giáp ranh: Đông giáp đường xe; Tây giáp đất ông Phụng đang sử dụng; Nam giáp đất ông Bình và bà Lâm; Bắc giáp đường đất sỏi phún. Ngoài ra, ông Phụng, bà Khánh được quyền sử dụng diện tích đất 1.210m2 đã mua của ông Lang.

“Bản án đã nêu cụ thể từng hướng tứ cận giáp ranh với hiện trạng đất, chi tiết từng độ dài các cạnh của thửa đất. Thế nhưng, khi chấp hành viên H.V.U thực hiện thi hành án để giao đất cho ông Lang lại đo “lố” sang phần đất của vợ chồng tôi. Đến khi gia đình tôi yêu cầu thi hành Bản án số 290 thì bất khả khi vì không còn đủ đất như toà án đã tuyên”- bà Khánh kể.

Sau khi Bản án số 290 có hiệu lực, ngày 12.3.2007, Chi cục THADS huyện Trảng Bàng ra Quyết định số 100 về việc thi hành bản án này, giao 2.129m2 cho ông Lang. Thực tế, ông Bình và bà Lâm không tự nguyện chấp hành Quyết định số 100, nên đến năm 2009, cơ quan chức năng tiến hành cưỡng chế giao quyền sử dụng đất cho ông Lang.

Trong biên bản cưỡng chế giao quyền sử dụng đất, đề ngày 20.5.2009 của Chi cục THADS huyện Trảng Bàng, có chữ ký của ông Phụng và bà Khánh với vai trò người có đất giáp ranh làm chứng. Biên bản cưỡng chế còn thể hiện nội dung: “Tài sản trên đất có 77,7m2 tường gạch chưa tô của vợ chồng ông Đinh Văn Phụng và bà Nguyễn Thị Khánh, tự nguyện thoả thuận tháo dỡ trả đất cho ông Lang”.

Tuy nhiên, qua tiếp xúc với phóng viên vào ngày 27.2.2018, vợ chồng ông Phụng - bà Khánh đều phủ nhận nội dung “tự nguyện thoả thuận tháo dỡ bức tường trả đất cho ông Lang”. “Từ khi mua đất, vợ chồng tôi đã xây tường rào phân ranh, ông Lang cũng không hề có ý kiến.

Hơn nữa, trong Bản án số 290, gia đình tôi có tranh chấp với bên nào đâu mà phải trả đất cho ai? Cần thiết phải xem lại tính xác thực của phần nội dung cho rằng chúng tôi tự nguyện đập bỏ tường rào ranh đất để giao tài sản cho ông Lang, điều này thiếu thuyết phục. Vợ chồng tôi ký tên vào biên bản chỉ với vai trò của một trong số tứ cận giáp ranh làm chứng việc thi hành án, chứ không có chuyện tự nguyện đem giao tài sản của mình giao cho người khác”- vợ chồng ông Phụng, bà Khánh khẳng định.

Ông Phụng nhận xét thêm: “Sau khi thi hành xong bản án cho ông Lang, gia đình tôi xét thấy, có thể trong quá trình đo đất, chấp hành viên đã không đo phần hiện trạng có con đường khá rộng tồn tại bên trong một cạnh thuộc thửa đất 3.339m2, kể cả đã chừa ra một phần diện tích đất mà hiện nay đang vô chủ.

Việc này, dẫn đến đo “lố” sang phần đất 1.210m2 của chúng tôi, gây thiệt hại hơn 500m2 đất (ước tính theo giá thị trường hiện nay khoảng 500 triệu đồng)”. Thực tế, sau khi ông Lang nhận đất đã tiến hành xây nhà và tường rào trên một phần thửa đất mà vợ chồng ông Phụng - bà Khánh đã mua, dù họ đã nộp đơn yêu cầu chính quyền địa phương ngăn chặn.

KHÔNG THỂ ĐỂ DÂN CHỜ MÃI…

Quyết tâm làm rõ vấn đề, ngày 29.11.2010, gia đình bà Nguyễn Thị Khánh nộp đơn yêu cầu TAND tỉnh giải thích Bản án số 290. Ngày 30.11.2010, TAND tỉnh có văn bản trả lời, theo đó, Toà đã chấp nhận yêu cầu của ông Lang, giao cho ông Lang được quyền sử dụng phần đất tranh chấp với ông Bình và bà Lâm.

Riêng phần đất 1.210m2 của vợ chồng bà Khánh có tứ cận giáp ranh cụ thể như trong bản án phúc thẩm đã tuyên; trước đó ông Lang đã chuyển nhượng cho vợ chồng bà Khánh nên hai người được quyền tiếp tục sử dụng, không có ai tranh chấp. Thực tế, ông Phụng và bà Khánh cũng đang quản lý, sử dụng, nên Toà án không buộc ai có nghĩa vụ giao đất cho vợ chồng ông bà.

“Toà trả lời như vậy là quá rõ, tức trước khi đưa vụ án ra xét xử, Toà án đã thông qua công tác kiểm tra hiện trạng đất kỹ càng. Vậy, nguyên nhân nào sau khi thi hành án cho ông Lang thì lại phát sinh chuyện thiếu diện tích đất để thi hành án cho vợ chồng tôi, lỗi do đâu, đất không thể tự nhiên bốc hơi.

Thế nên, cần thiết phải xem xét việc chồng tôi nghi ngờ chấp hành viên H.V.U đo đạc chưa đúng hiện trạng đất trong biên bản cưỡng chế”- bà Khánh bức xúc. Vợ chồng bà Khánh đã nộp đơn khiếu nại Chi cục THADS huyện Trảng Bàng về việc “thi hành án sai dẫn đến mất đất của ông bà, ngoài ra còn khiếu nại cơ quan này không giải quyết đơn khi gia đình bà gửi đến”.

Ngày 20.12.2010, Chi cục THADS huyện Trảng Bàng có Quyết định số 02 về việc giải quyết đơn khiếu nại của gia đình bà Khánh. Cụ thể: “Theo Bản án số 290 và Quyết định thi hành án số 100 thì diện tích đất phải giao cho ông Lang là 2.129m2, nhưng khi đo thực tế chỉ có 2.058,2m2.

Ông Lê Văn Lang tự nguyện nhận theo diện tích đất thực tế là 2.085,2m2. Khi tiến hành đo đất, giữa ông Lang và vợ chồng bà Khánh có sự thoả thuận với nhau về ranh đất, đồng ý cho trồng trụ xi măng giáp ranh theo sự chỉ dẫn của vợ chồng bà Khánh.

Ngoài ra, ông Phụng, bà Khánh còn cam kết tự nguyện tháo dỡ 77,7m2 tường gạch chưa tô (xây lấn qua đất phải giao) trả đất cho ông Lang trước sự chứng kiến của các cơ quan ban ngành tham gia cưỡng chế, cũng như thể hiện trong biên bản. Do đó, Chi cục Thi hành án có cơ sở khẳng định đã đo, giao đất đúng vị trí cho ông Lang theo bản án tuyên”.

Quyết định số 02 còn nêu: “Căn cứ vào Điều 59 Pháp lệnh Thi hành án dân sự và Điều 140 Luật Thi hành án dân sự quy định về quyền khiếu nại thì thời hiệu khiếu nại của vợ chồng bà Khánh cũng đã hết. Từ cơ sở trên, quyết định không chấp nhận toàn bộ đơn khiếu nại của ông Phụng và bà Khánh, ông bà có quyền khiếu nại quyết định này lên Cục trưởng Cục THADS tỉnh Tây Ninh”.

Tất nhiên, vợ chồng bà Khánh không đồng ý với Quyết định số 02, đồng thời chỉ ra rằng, trong bản án phúc thẩm có phần nội dung nêu rõ: “Ngày 21.5.1997, ông Lang được UBND huyện Trảng Bàng cấp giấy chứng nhận QSDĐ với diện tích 4.700m2. Tuy nhiên, qua đo đạc thực tế vào ngày 6.5.2004 thì diện tích là 3.339m2”. Trong khi, đến lúc chấp hành viên H.V.U thực hiện đo đạc để cưỡng chế giao đất cho ông Lang lại “tuột” xuống chỉ còn 2.058,2m2.

Nhận thấy, có vấn đề ở khâu đo đạc hiện trạng đất, bởi nếu theo các số liệu được bày ra như trên thì rõ ràng có sự chênh lệch giữa cơ quan Toà án và Thi hành án. Từ đó, ông Phụng và bà Khánh đã nộp đơn khiếu nại Quyết định số 02 của Chi cục THADS huyện Trảng Bàng.

Ngày 4.5.2011, Cục THADS tỉnh Tây Ninh ra Quyết định số 492 về việc giải quyết đơn khiếu nại của vợ chồng bà Khánh, quyết định nêu: “Chấp nhận một phần đơn khiếu nại của ông Đinh Văn Phụng và bà Nguyễn Thị Khánh về việc khiếu nại Quyết định số 02 của Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Trảng Bàng, vì Chi cục đã không ra quyết định thi hành án khi người được thi hành án có đơn yêu cầu trong khi thời hiệu vẫn còn. Huỷ bỏ một phần Quyết định giải quyết khiếu nại số 02, yêu cầu Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Trảng Bàng ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu đúng quy định pháp luật”.

Ngày 10.6.2011, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Trảng Bàng ra Quyết định số 368 về việc thi hành án theo đơn yêu cầu của ông Phụng và bà Khánh. Tuy nhiên, cho đến nay, quyết định này vẫn chưa được thi hành. Bởi theo vợ chồng bà Khánh cho hay, trên thực tế đã không còn đủ đất để thi hành đúng với bản án đã tuyên. Sự việc cứ thế nhùng nhằng kéo dài từ năm này sang năm khác.

Luật sư Phạm Thanh Điền, Trưởng Văn phòng luật sư Thanh Điền, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh (người đã được vợ chồng bà Khánh uỷ quyền) nêu ý kiến: “Tổ chức thi hành án không đúng với bản án có hiệu lực pháp luật là hành vi trái pháp luật, trừ trường hợp các đương sự có thoả thuận.

Đối với vụ việc này, ông Phụng và bà Khánh ký tên vào biên bản cưỡng chế giao đất do chấp hành viên H.V.U lập là có nhầm lẫn và không có giá trị pháp lý”. Luật sư Điền giải thích rõ hơn: “Bởi lẽ, bản án có hiệu lực pháp luật không tuyên như nội dung biên bản cưỡng chế, không thể hiểu việc ký tên này là có giá trị như việc thoả thuận khi thi hành án. Tuy các đương sự có quyền thoả thuận thi hành án khác với nội dung bản án, nhưng điều đó phải thể hiện trong “Văn bản thoả thuận thi hành án” mà các bên hiểu rõ nội dung và tự nguyện”.

Luật sư nhận định thêm, nếu chấp hành viên H.V.U có cưỡng chế giao một phần đất của vợ chồng bà Khánh cho ông Lang là hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ. Cơ quan Thi hành án có quyền huỷ kết quả thi hành án do chấp hành viên lập nếu có đủ cơ sở xác định sai.

Trong vụ việc này, cơ quan Thi hành án chưa có văn bản xác định hành vi thi hành công vụ của chấp hành viên H.V.U là đúng hay sai, nên ông Phụng và bà Khánh không có cơ sở để yêu cầu bồi thường. Nếu đúng là chấp hành viên có làm sai, thì phải chịu bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Do đó, cơ quan Thi hành án cần huỷ kết quả thi hành án (theo biên bản cưỡng chế giao đất) hoặc xác định hành vi của chấp hành viên nói trên là sai mới có cơ sở xử lý tiếp theo. “Cũng không thể để người dân chờ đợi mãi…”, luật sư Điền góp ý.

Quốc Sơn

Tin cùng chuyên mục