BAOTAYNINH.VN trên Google News

Không thể lơ là phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ 

Cập nhật ngày: 06/11/2017 - 05:21

BTN - Những dịch bệnh thường xảy ra trong và sau mùa mưa lũ là các bệnh về tiêu hoá, bệnh ngoài da, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết (SXH)... Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ tháng 7 đến tháng 9.2017, toàn tỉnh có 768 ca mắc SXH, tăng cao so với cùng kỳ.

Một bệnh nhân được điều trị sốt xuất huyết tại Trung tâm Y tế thành phố Tây Ninh.

Thời gian gần đây, những đợt mưa to và kéo dài khiến cho nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Tây Ninh bị ngập cục bộ. Các chất thải, rác sinh hoạt, vi sinh vật theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ gây dịch bệnh, đe doạ sức khoẻ của người dân.

Những dịch bệnh thường xảy ra trong và sau mùa mưa lũ là các bệnh về tiêu hoá, bệnh ngoài da, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết (SXH)... Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ tháng 7 đến tháng 9.2017, toàn tỉnh có 768 ca mắc SXH, tăng cao so với cùng kỳ.

Thành phố Tây Ninh là một trong những địa phương có dịch bệnh SXH tăng cao. Từ tháng 8 đến tháng 10.2017, toàn Thành phố có 91 ca mắc SXH, 32 ổ dịch SXH. Bác sĩ CKI Phạm Diệp Quốc Hương- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Tây Ninh cho biết, so với cùng kỳ, số ca, ổ dịch SXH trên địa bàn Thành phố tăng so với cùng kỳ. Đa số ca mắc bệnh SXH chỉ ở tình trạng nhẹ, ổ dịch nhỏ.

Theo bác sĩ Hương, sau mưa, các dụng cụ chứa nước quanh nhà như bể nước, lọ hoa, vỏ dừa, lốp xe hỏng ngoài đường... là nơi muỗi đẻ trứng. Trên thực tế, vẫn còn một bộ phận người dân chưa quan tâm đến xử lý, dọn dẹp vệ sinh, loại bỏ hoặc lật úp các dụng cụ chứa nước quanh nhà, dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng.

Bên cạnh đó, không ít người dân Thành phố còn chủ quan về bệnh sốt xuất huyết, cho rằng bệnh SXH chỉ xảy ra ở trẻ em, Nhưng SXH xảy ra ở mọi lứa tuổi. So với những năm trước, tỷ lệ người lớn mắc SXH ở địa bàn Thành phố có xu hướng tăng cao.

Anh N.T.T, một bệnh nhân bị SXH ngụ tại phường Ninh Sơn chia sẻ, anh bị sốt khoảng một tuần, cơn sốt cứ âm ỉ, hạ sốt rồi lại sốt cao. Anh T nghĩ rằng bị sốt thông thường. Khi anh không còn sốt cao, nhưng cơ thể rất mệt mỏi, viêm họng nặng, đến trung tâm khám bệnh, anh mới biết mình bị SXH. Theo lời anh T, bác sĩ cho biết may là anh đến điều trị kịp thời, không là có thể xảy ra biến chứng nặng, ảnh hưởng đến tính mạng.

Trước tình hình dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, Trung tâm Y tế Thành phố đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp phòng, chống, ngăn chặn như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân phòng, chống SXH; tổ chức giám sát, theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh và xử lý triệt để các ổ dịch để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát; phun hoá chất và mở chiến dịch diệt lăng quăng ở các khu dân cư...

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đến thời điểm này, các ổ dịch SXH trên địa bàn Thành phố đã được khống chế, xử lý triệt để; số ca mắc SXH đã giảm, không có bệnh nhân nặng, không có tử vong do SXH.

So với các địa phương trong tỉnh, năm 2017, bệnh SXH trên địa bàn huyện Bến Cầu chiếm tỷ lệ thấp. Tuy nhiên, số ca mắc SXH ở địa phương vẫn tăng so với cùng kỳ. Từ tháng 1 đến tháng 10, toàn huyện có 84 ca mắc SXH.

Ông Ngô Văn Chỏl- Trưởng khoa Y tế dự phòng, Trung tâm Y tế huyện Bến Cầu cho biết, năm nay mưa to và kéo dài, không gây ngập nặng trên địa bàn huyện như năm 2016 nên các loại dịch bệnh về đường tiêu hoá, bệnh ngoài da không xảy ra. Do thời tiết nóng ẩm, là điều kiện thuận lợi để muỗi phát triển, dễ phát sinh dịch bệnh nên bệnh SXH vẫn diễn ra.

Nhờ chủ động phòng, chống, số ca mắc bệnh SXH trên địa bàn huyện vẫn trong tầm kiểm soát, không ở mức quá cao. Theo ông Chỏl: “Với thời tiết mưa nắng thất thường, dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào, người dân không nên chủ quan”.

Do đó, Trung tâm cùng với địa phương tập trung giám sát, theo dõi các ổ dịch cũ và mới để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch; tuyên truyền, vận động người dân dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, vật dụng sau mùa mưa lũ để tránh mầm bệnh. Ông Chỏl cũng khuyến cáo, để ngăn ngừa SXH, mỗi người dân hãy có ý thức về phòng, chống dịch bệnh SXH. Khi có dấu hiệu mắc bệnh, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được hướng dẫn, điều trị kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc.

Thời tiết giao mùa hiện nay, cũng là thời điểm của căn bệnh tay chân miệng (TCM) xảy ra ở trẻ em. Tính từ đầu năm đến cuối tháng 9.2017, tổng số ca mắc TCM trong toàn tỉnh là 1.524 ca, tăng cao so với cùng kỳ và diễn biến hết sức phức tạp.

Địa phương có số ca mắc TCM cao nhất là huyện Trảng Bàng. Trước tình hình đó, ngành Y tế tỉnh nhà cũng đã triển khai công tác phòng, chống bệnh TCM ở các địa phương; phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục thực hiện phòng, chống bệnh TCM tại trường học. Qua giám sát của ngành Y tế, các trường học đã quan tâm hơn đến công tác phòng, chống bệnh TCM; có bố trí nơi rửa tay và xà phòng cho giáo viên, học sinh; giáo viên được trang bị kiến thức phòng, chống bệnh TCM.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều trường học, công tác vệ sinh dụng cụ học tập, đồ chơi chưa được thực hiện hằng ngày, đúng theo quy định; thiếu xà phòng ở nơi rửa tay, nhà vệ sinh. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh còn chủ quan trong việc phát hiện bệnh, chăm sóc bệnh TCM ở trẻ, nhiều trẻ bị nhiễm bệnh phụ huynh vẫn cho con đến lớp.

Điều đó khiến công tác phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng, trường học gặp khó khăn, dẫn tới tỷ lệ trẻ mắc bệnh TCM ngày tăng cao. Để bảo vệ sức khoẻ cho con em mình, ngành Y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh cần quan tâm, theo dõi sức khoẻ của trẻ để kịp thời phát hiện, điều trị kịp thời; nên cho trẻ nghỉ học ở nhà để chăm sóc khi phát hiện mắc bệnh TCM. Đối với trường học, cần tăng cường các biện pháp phòng bệnh cho trẻ, nếu phát hiện ca bệnh, nhà trường nên khẩn cấp báo cho ngành Y tế địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh dịch bệnh lây lan rộng.

THẾ ANH