BAOTAYNINH.VN trên Google News

Không thể xem nhẹ việc bảo vệ môi trường

Cập nhật ngày: 29/10/2013 - 04:53

Chủ tịch UBND tỉnh thăm một doanh nghiệp trong KCN Bourbon An Hoà (ảnh DH)

(BTN) - Trong những năm qua, Tây Ninh tăng cường mạnh mẽ việc phát triển khu, cụm công nghiệp để tăng tốc tiến trình công nghiệp hoá- hiện đại hoá. Từ đó, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều khu, cụm công nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư. Trong số khu công nghiệp (KCN) đã hình thành có 2 khu quy mô lớn với diện tích trên 1.000 ha, đó là Khu Liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Phước Đông - Bời Lời (gọi tắt là Khu liên hợp Phước Đông- Bời Lời) và KCN Bourbon An Hoà. Tuy nhiên, những năm gần đây do tình hình kinh tế suy thoái, số nhà đầu tư đến với Tây Ninh không nhiều. Điều đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai 2 KCN lớn của tỉnh. Để tăng cường khả năng thu hút đầu tư, một hướng đi mới được đề xuất- đó là thành lập phân khu công nghiệp dệt may trong các KCN này.

PHƯỚC ĐÔNG - BỜI LỜI ĐI TRƯỚC...…

Khu liên hợp Phước Đông - Bời Lời là KCN có quy mô diện tích lớn nhất tỉnh Tây Ninh hiện nay, được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào danh mục KCN dự kiến ưu tiên thành lập mới từ tháng 4.2008. Dự án do Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG làm chủ đầu tư.

Theo đồ án quy hoạch chung, Khu liên hợp Phước Đông - Bời Lời có tổng diện tích hơn 2.800 ha, bao gồm 2 khu chính là: KCN có diện tích khoảng 2.200 ha và khu đô thị - dịch vụ chiếm khoảng hơn 600 ha. Hiện nhà đầu tư đang thực hiện giai đoạn 1 với hơn 1.200 ha và đã triển khai xây dựng hạ tầng.

Sau hơn 2 năm triển khai, tình hình thu hút đầu tư vào Khu liên hợp này vẫn còn rất khiêm tốn, tỷ lệ lấp đầy còn quá thấp. Đến giữa năm 2012, chỉ mới có 6 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 490 triệu USD. Thời điểm đó, tổng diện tích đất mà các dự án thuê được 89 ha- chỉ hơn 13% tổng diện tích đất công nghiệp của Khu liên hợp trong giai đoạn 1.

Tình hình thu hút đầu tư vào Khu liên hợp Phước Đông - Bời Lời chưa khả quan không chỉ do kinh tế thế giới suy thoái kéo dài, mà còn do phải cạnh tranh khá gay gắt với nhiều KCN khác ở các tỉnh lân cận có nhiều điều kiện thuận lợi hơn. Chủ đầu tư Khu liên hợp đã đề xuất với UBND tỉnh cho phép thành lập phân khu CN dệt may và công nghiệp hỗ trợ vào trong quy hoạch Khu liên hợp.

Bởi trong thực tế, công nghiệp dệt may trên phạm vi toàn quốc đang yếu và thiếu. Ngành dệt may là ngành quan trọng của cả nước, có giá trị xuất khẩu lớn nhưng chủ yếu chỉ là gia công, nguyên liệu vải hầu như phải nhập khẩu nên giá trị thực tăng của toàn ngành không cao. Do đó, năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

Khoảng gần cuối năm 2012, chủ đầu tư Khu liên hợp Phước Đông - Bời Lời đề xuất tỉnh cho phép bổ sung quy hoạch phân khu CN dệt may nằm trên đất quy hoạch Khu liên hợp với quy mô diện tích là 327,8 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp là 277,56 ha.

Các ngành nghề dự kiến phát triển ở KCN dệt may gồm: sản xuất sợi, dệt vải, nhuộm, máy móc thiết bị và nguyên phụ liệu ngành dệt may. Lúc đó không ít người băn khoăn về vấn đề môi trường khi thành lập KCN dệt may trên địa bàn tỉnh.

Bởi trong các công đoạn hoạt động thuộc ngành công nghiệp này có công đoạn nhuộm- từng gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng ở một số địa phương khác. Từ đó, đề xuất thành lập phân khu CN dệt may đã được các ngành, các địa phương liên quan đưa ra mổ xẻ, xem xét thận trọng. Một số sở, ngành cho rằng: với công nghệ tiên tiến hiện nay thì việc kiểm soát môi trường ở Khu liên hợp Phước Đông - Bời Lời là có thể thực hiện được.

Các ngành chức năng, các địa phương liên quan tuy đồng tình với việc cho phép Khu liên hợp thành lập phân khu CN dệt may nhưng yêu cầu nhà đầu tư dự án có công đoạn nhuộm phải cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định về môi trường, phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động kết nối với công ty hạ tầng; đồng thời có biện pháp kiểm soát nước thải, khí thải để bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.

Đầu năm 2013, qua nhiều lần họp xem xét, UBND tỉnh Tây Ninh đã đồng ý chủ trương cho thành lập phân khu CN dệt may trong Khu liên hợp Phước Đông - Bời Lời với diện tích 327 ha. Từ khi phân khu hình thành, khả năng thu hút đầu tư vào Khu liên hợp được cải thiện tốt hơn. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2013, trong khu vực này đã thu hút thêm được 4 dự án đầu tư mới và 2 dự án đầu tư tăng thêm vốn với tổng vốn đăng ký là 262 triệu USD và 5 tỷ đồng.

Luỹ kế đến tháng 9, Khu liên hợp Phước Đông - Bời Lời có 10 dự án đầu tư (7 dự án nước ngoài, 3 dự án trong nước), tổng vốn đăng ký là 722 triệu USD và 616 tỷ đồng, trong đó đã có 3 dự án đi vào hoạt động. Đến quý III năm nay, trên diện tích quy hoạch phân khu CN dệt may cơ bản đã lấp đầy dự án.

Trong đó có một số dự án của các tập đoàn lớn như: Công ty TNHH Vĩnh Dụ Việt Nam với diện tích 12 ha; Công ty TNHH Brotex (Việt Nam) với 63,43 ha; Công ty TNHH Gain Lucky (Việt Nam) với 83,83 ha... Hiện còn một số dự án đang đàm phán.

BOURBON AN HOÀ NỐI BƯỚC THEO SAU

KCN Bourbon An Hoà được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư vào cuối tháng 4.2008 với quy mô diện tích là 1.020 ha, bao gồm đất công nghiệp là 760 ha, khu kho cảng là 184 ha và khu dân cư là 76 ha. Đến nay, Công ty CP Bourbon An Hoà đã triển khai đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khá hoàn chỉnh trên diện tích giai đoạn 1 là 360 ha. Trong đó có đầu tư xây dựng một nhà máy cấp nước công suất 3.500m3/ngày đêm, một trạm xử lý nước thải tập trung công suất 2.000/m3/ngày đêm với tổng vốn đầu tư 1.434 tỷ đồng và đã đưa vào vận hành từ năm 2009.

Sản xuất tại Công ty TNHH Venkys thuộc KCN Bourbon An Hoà (ảnh DH)

Cũng nằm trong tình trạng chung- bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế thế giới, sau 3 năm triển khai, tình hình thu hút đầu tư vào KCN Bourbon An Hoà rất khó khăn. Tính đến tháng 6.2013, chỉ mới thu hút được 14 nhà đầu tư với tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê là 25,1 ha và 5.376m2 nhà xưởng- đạt 7% tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê giai đoạn 1 (360 ha) và 3,4% so với tổng diện tích đất công nghiệp trong toàn khu (760 ha).

Trước thực trạng đó, chủ đầu tư KCN Bourbon An Hoà đã phải “theo chân” Khu liên hợp Phước Đông- Bời Lời, xin chủ trương thành lập phân khu CN dệt may với tổng diện tích là 266,6 ha. Sau khi xem xét, UBND huyện Trảng Bàng thống nhất chấp thuận đề nghị này nhưng yêu cầu Công ty phải xác định rõ tiêu chí, điều kiện nghiêm ngặt đối với các dự án thu hút vào phân khu, cam kết tuân thủ 100% các quy định về quản lý, kiểm tra, xử lý để mọi hoạt động tại phân khu không gây ảnh hưởng đến môi trường.

Ban quản lý Khu kinh tế và các ngành chức năng của tỉnh cũng đồng ý với đề xuất của Công ty CP Bourbon An Hoà.

Yêu cầu quan trọng là KCN Bourbon An Hoà phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung chuyên xử lý cho phân khu CN dệt may, nước thải phải được xử lý 2 cấp: tại các doanh nghiệp xử lý đạt loại B, sau đó đưa về trạm xử lý tập trung để tiếp tục xử lý đạt loại A trước khi thải ra môi trường.

Các dự án có công đoạn nhuộm không được bố trí theo rìa phân khu để bảo đảm kiểm soát nước thải chặt chẽ, phải lắp đặt hệ thống quan trắc với đầu dò tự động để giám sát việc bảo vệ môi trường, cam kết thực hiện tiêu chuẩn quản lý môi trường SA 8000, ISO 14000.

Đồng thời, chủ đầu tư KCN Bourbon An Hoà cũng phải cam kết không tiếp nhận dự án có công nghệ lạc hậu, sử dụng thiết bị cũ vào phân khu CN dệt may; chỉ cho phép tiếp nhận một số dự án có công đoạn nhuộm trên dây chuyền sản xuất, không nhận gia công nhuộm cho các đơn vị ngoài phân khu.

Công ty CP Bourbon An Hoà có trách nhiệm bổ sung ngành nghề thu hút đầu tư trong báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Bộ Tài nguyên - Môi trường phê duyệt.

Sơn Trần