BAOTAYNINH.VN trên Google News

Không thích làm người tội nghiệp

Cập nhật ngày: 18/01/2010 - 07:46

Cắt cỏ hay xắt bầu không làm khó được anh Bình

Bắt đầu từ năm lên năm, vì gia cảnh nghèo khó, không tiền trị bệnh anh Nguyễn Văn Bình phải cam chịu cảnh mù loà suốt ba mươi năm qua, kể từ sau một cơn bệnh. Dù sống trong bóng tối nhưng người đàn ông này có một nghị lực thật đáng nể. Anh không chấp nhận số mệnh của mình mà quyết chí vươn lên để sống như một người bình thường.

Anh Bình kể, lúc còn nhỏ, gia đình không cho anh làm việc gì cả. Nhưng với bản tính siêng năng, anh Bình vẫn thường cố làm những việc mình muốn, anh có thể nấu cơm, cho heo ăn như bao người khác.

Sống ở ven sông nên anh Bình rất khoái bơi và bơi lặn thật tài, hơn cả nhiều người sáng mắt. Lúc đầu cha mẹ anh hết sức ngỡ ngàng về con trai, rồi cũng chấp nhận chiều theo, cho anh được sống như một người bình thường, khoẻ mạnh. Anh Bình đi chăn bò, mò cua, bắt ốc, kéo lưới, xúc tép rất thạo, còn việc nấu cơm, đun nước càng không làm khó được anh. Anh làm việc gì cũng giỏi, lặn cá, mò cua, bắt ốc… khó ai qua được, nghe tiếng “Bình mù” ai cũng lắc đầu chào thua.

Chàng thanh niên có dáng người cao lớn, tính tình lanh lợi Nguyễn Văn Bình thời ấy luôn có niềm tin vào cuộc sống, không hề có chút tự ti mặc cảm nào với sự bất hạnh của bản thân. Anh vẫn vui sống và cũng tỏ ra tinh quái, nghịch ngợm như bất cứ chàng trai… rắn mắt nào. Anh kể, cha mẹ anh rất khó vì sợ anh đi chơi khuya, dễ bị lạc nhưng anh bản tính ham vui nên có lúc đã bày trò dùng gối “nguỵ trang” trốn nhà đi chơi cho thoả chí. Anh thích thú khi được tham gia vào các hoạt động vui chơi bình thường chứ không muốn “vịn” vào số phận để được thương cảm hay giúp đỡ. Anh muốn tự mình làm việc và tin rằng mình sẽ làm tốt.

Linh hoạt trong công việc, sau khi lập gia đình, anh Bình cũng làm tốt vai trò của một người chồng, người cha. Anh cười cho biết: “điều  duy nhất khiến anh thấy không vui là chưa lo cho vợ con được tốt hơn”. Nhưng với chị Phạm Thị Đẹp - vợ anh, thì anh đã là một người chồng tốt. “Anh siêng năng, không rượu chè, chí thú làm ăn. Còn tốt hơn rất nhiều người đàn ông sáng mắt khác”. Sự kết hợp của anh chị giống như một sự xếp đặt của số phận. Cho đến bây giờ, chị Đẹp vẫn không hề hối hận khi lấy anh chồng mù. Chị kể, anh chị quen nhau vì ở chung  một xóm, không có yêu thương gì trước đó mà do hai gia đình chọn lựa, thế là cưới nhau. Đến nay, qua mười năm chung sống, anh chị đã có với nhau ba mặt con. Hằng ngày anh cùng chị đi làm việc, chiều về cùng ngồi nhâm nhi nước trà, những nụ cười hạnh phúc luôn bừng sáng trên gương mặt khi họ nói về nhau.

Anh Bình rất siêng năng làm việc, anh làm đủ nghề để kiếm sống như mò cua, bắt ốc, hái dừa, kéo lưới thuê. Hơn một năm nay, anh kéo cá mướn cho một chủ thuyền và được trả lương 70.000 một ngày. Nhưng  nay công việc này cũng khá bấp bênh vì “bây giờ đánh bắt cá không còn dễ như xưa, với lại cũng tuỳ mùa”.

Gia đình nhỏ của anh Bình, chị Đẹp luôn đầy ắp tiếng cười

Hôm tôi đến nhà anh Bình ở ấp Tân Tiến, xã Tân Phú (Tân Châu) anh đã thôi không còn đi kéo cá thuê. Anh cảm thấy bứt rứt vì mình không thể đi nhổ mì, vác mía, hay diệt cỏ như người khác. Nhưng anh không cho phép mình ở không, nên lại mò mẫm cột lại chiếc xe kéo để cùng vợ đi chở bầu về cho bò ăn. Anh chỉ vào con bò được cha mẹ cho hồi mới ra riêng đến giờ nói, cũng nhờ nó mà anh có tiền trang trải, mua sắm được ít thứ trong nhà. Anh cũng kể về hồ ba ba hơn 500 con mà vợ chồng anh đã nuôi được sáu tháng nay với số vốn đầu tư gần 14 triệu đồng. Anh lại cười: “cũng nhờ anh em thương, giúp vốn và cho trả góp chứ cũng không dễ gì mà có được”. Thấy tôi có vẻ bất ngờ khi nhìn anh tự mình xách ấm đi nấu nước pha trà mời khách, chị Đẹp nói: “Anh Bình việc gì cũng làm được, nấu nước, nấu cơm, xắt bầu, cắt cỏ là không hề gì”.

Điều đáng quý nhất ở cặp vợ chồng này là dù nghèo nhưng vẫn ráng nuôi cho ba đứa con học hành đàng hoàng. “Anh chị đã sống qua cảnh nghèo và chịu cảnh mù chữ nên bây giờ con cái đứa nào học được thì cứ nuôi cho nó học”- anh Bình nói.

Cho đến giờ, cuộc sống của gia đình anh Bình vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả, tuy nhiên anh không hề tỏ vẻ chán nản. Đã là giữa trưa nhưng anh chị vẫn rủ nhau đi chở bầu về cho bò ăn, rồi lại tiếp tục ra sông mò ốc về làm thức ăn cho ba ba. “Lịch làm việc” của anh Bình hầu như dày kín cả từ sáng sớm đến tối, vì- như lời anh nói: “không có vốn nên phải tự xoay xở để đỡ tốn chi phí phần nào hay phần đó”.

Người đàn ông khiếm thị ấy, trước sau vẫn kiên trì cách nghĩ: quyết không bao giờ chịu buông xuôi theo số phận.

NGÔ TUYẾT