Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Không thiếu đất san lấp
Thứ sáu: 10:15 ngày 19/05/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thời gian qua, nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm của tỉnh gặp khó khăn, chậm tiến độ do khan hiếm nguồn đất san lấp, đất sỏi đỏ để thi công nền hạ.

Mỏ đất vừa được cấp phép khai thác của Công ty TNHH Ngọc Phát Tài tại xã Phước Vinh, huyện Châu Thành.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 44 mỏ vật liệu xây dựng thông thường còn hiệu lực khai thác. Trong đó có 27 giấy phép khai thác đất làm vật liệu san lấp (thời điểm tháng 8.2022 có 30 giấy phép, hiện nay đã hết hạn 6 giấy phép, UBND tỉnh cấp mới 3 giấy phép), tổng trữ lượng hiện còn là 4.122.305m3; 17 mỏ cát xây dựng, trong đó 1 mỏ đang trình UBND tỉnh gia hạn, tổng trữ lượng cát xây dựng còn lại là 6.912.511m3.

Trong năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường dự kiến trình UBND tỉnh cấp phép khai thác 4 mỏ vật liệu san lấp, tổng trữ lượng đã được phê duyệt là 1.250.488m3 và dự kiến trình UBND tỉnh phê duyệt trữ lượng 5 mỏ vật liệu san lấp đã được UBND tỉnh cấp phép thăm dò với trữ lượng dự báo khoảng 1.239.588m3.

Theo kết quả kiểm tra tại các mỏ tháng 8.2022 và kết quả kiểm kê trữ lượng cuối năm 2022, Sở TN&MT chưa phát hiện tình trạng các mỏ khai thác khoáng sản ghim hàng, trữ đất làm vật liệu san lấp không xuất bán ra ngoài. Việc các đơn vị tạm ngưng khai thác chủ yếu là do nước ngập toàn bộ diện tích mỏ, chờ qua hết mùa mưa tiếp tục khai thác. Một số trường hợp ngưng khai thác do đạt công suất thiết kế năm.

Trong năm 2023, Sở Xây dựng chủ trì phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành có liên quan tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên một số mỏ vật liệu xây dựng thông thường và cơ sở bán vật liệu xây dựng của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, ghi nhận giá đất san lấp bình quân tại mỏ dao động từ 66.000 đồng đến 140.000 đồng/m3, giá cát san lấp bình quân bán tại mỏ 90.000 đồng/m3, giá cát xây dựng 269.500 đồng/m3.

Sản lượng đất san lấp mà các mỏ đang khai thác có thể cung cấp đủ nhu cầu cho các công trình giao thông trọng điểm đang thi công, nhưng hầu hết các nhà thầu đều than “hiếm” nguồn đất san lấp.

Theo tìm hiểu của phóng viên, phần lớn các mỏ đất san lấp hiện đang khai thác đều nằm trên địa bàn hai huyện Tân Biên, Châu Thành, nên có thể thấy rằng, bất cập về nguồn đất san lấp không phải do “khan hiếm” mà do khoảng cách địa lý.

Hầu hết các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh đều ở các huyện Dương Minh Châu, Gò Dầu, thị xã Trảng Bàng… khá xa các mỏ khai thác đất san lấp. Từ đó xảy ra chuyện nhà thầu than khó khi kiếm nguồn đất, còn chủ mỏ lại than ế.

Ông Nguyễn Thành Trung- Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Phát Tài vừa mới đưa vào khai thác một mỏ đất có diện tích hơn 5,3 ha tại xã Phước Vinh, huyện Châu Thành cho biết, giá đất tại mỏ là 170 ngàn đồng/m3 đất sỏi đỏ; đất san lấp rẻ hơn, nhưng lại “ế”.

Ông Nguyễn Thành Trung cho biết thêm, doanh nghiệp ông cũng có thi công công trình giao thông tại huyện Dương Minh Châu, dù có mỏ đất, nhưng chi phí vận chuyển quá cao, đành chấp nhận mua đất san lấp từ Bình Phước.

 Đại diện Công ty TNHH Thanh Điền cho biết, mỏ đất mà công ty đang khai thác nằm trên địa phận xã Ninh Điền, huyện Châu Thành. Ngoài việc phục vụ cho các công trình mà công ty trúng thầu, doanh nghiệp còn bán nguồn đất san lấp cho bất cứ ai có nhu cầu chứ không găm hàng. Hằng tháng, doanh nghiệp đều cung cấp giá đất san lấp về Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Châu Thành để nơi đây báo cho Sở Xây dựng.

Như vậy nguồn đất san lấp không khan hiếm, nhưng do các mỏ khai thác trong quy hoạch nằm một nơi, dự án nằm một nẻo.

Thiên Tâm

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục