Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Trao đổi với phóng viên Nhân Dân điện tử cuối giờ chiều 11-5, ngay sau khi kết thúc buổi làm việc với Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, các thành viên Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã không đồng ý ký vào biên bản cuộc họp vì không tìm được tiếng nói chung, không giải quyết được các kiến nghị, đề xuất.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh trao đổi với báo chí chiều tối 11-5.
Chiều 11-5 tại Đà Nẵng, đoàn công tác của Tổng cục Du lịch do ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục Trưởng dẫn đầu đã có buổi làm việc với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng. Cuộc họp này xuất phát từ bức tâm thư của Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh gửi đến Thủ tướng Chính phủ nêu bốn điểm đề nghị xem xét lại “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà, TP Đà Nẵng”.
Bản quy hoạch này do Tổng cục Du lịch chủ trì thực hiện và được ban hành theo Quyết định 2163/QĐ-TTP của Thủ tướng Chính phủ, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ngày 9-11-2016.
Ngày 5-5, Tổng cục Du lịch có thư mời Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng ra Hà Nội họp để giải quyết các kiến nghị của Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng có liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà, TP Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị chuyển địa điểm họp tại Đà Nẵng vì Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà nằm tại địa phương này và đã được chấp thuận.
Đây là cuộc họp liên quan đến các kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng về Tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà, TP Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, mà dư luận đang quan tâm. Vì vậy, có rất đông phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương đến đăng ký tác nghiệp đưa tin, nhưng không được vào dự cuộc họp với lí do “họp nội bộ”.
Hiện trạng rừng Sơn Trà bị cày xới để làm khách sạn.
Tại cuộc họp này, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã gửi đến Tổng cục Du lịch thêm bốn kiến nghị, trong đó cốt lõi là điều chỉnh quy hoạch nhưng bị từ chối vì cho rằng quyết định mới ban hành nên không điều chỉnh. Ông Huỳnh Tấn Vinh cho biết, quan điểm của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng là dù mới nhưng không phù hợp thì phải điều chỉnh lại.
Các kiến nghị gồm, thứ nhất, ngày 21-03-2017 Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã gửi Công văn kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ về việc “Xem xét lại Quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà, TP Đà Nẵng”. Hiện đã có hơn 11.700 người ký tên đồng thuận với kiến nghị. Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, Hiệp hội Nữ doanh nhân Đà Nẵng cũng đã ủng hộ nội dung kiến nghị này. Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng mong nhận được phản hồi từ Tổng Cục Du lịch.
Thứ hai, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng mời các anh chị đại diện Tổng cục Du lịch sắp xếp thời gian đi thăm Sơn Trà để chứng kiến vẻ đẹp cùng sự đa dạng sinh học của Bán đảo Sơn Trà.
Thứ ba, trong thư phúc đáp gửi Tổng cục Du lịch ngày 9-5-2017, Hiệp Hội Du lịch Đà Nẵng đã đề nghị nên mời thêm các nhà khoa học, đại diện các hội, hiệp hội và các bên liên quan cùng tham dự cuộc họp này. Đề nghị Tổng cục Du lịch sớm tổ chức cuộc họp với thành phần tham dự nói trên để tổng hợp ý kiến, cũng như lắng nghe nguyện vọng của những người yêu và quan tâm đến Bán đảo Sơn Trà.
Thứ tư là gửi Thư khuyến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tám vấn đề về các giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà được rút ra từ Hội thảo “Giải pháp Bảo tồn và Phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học nước Việt xanh và Nhóm nghiên cứu Giảng dạy Môi trường-Tài nguyên sinh vật thuộc Đại học Đà Nẵng cùng phối hợp tổ chức ngày 28-4-2017.
Kết thúc cuộc họp, ông Hà Văn Siêu từ chối trả lời các phóng viên. Đại diện Tổng cục Du lịch cũng từ chối đi tham quan Bán đảo Sơn Trà theo lời mời của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng.
Theo nguồn tin riêng, tại cuộc họp này, đại diện Tổng cục Du lịch cho rằng, trước khi trình quy hoạch Quy hoạch tổng thể du lịch quốc gia bán đảo Sơn Trà để Thủ tướng phê duyệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lấy ý kiến của nhiều Bộ, ngành rồi mới hoàn thiện. Bản Quy hoạch tổng thể du lịch quốc gia bán đảo Sơn Trà được thực hiện từ năm 2013 và đến năm 2016 mới được phê duyệt. Trước khi làm quy hoạch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lấy ý kiến Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các chuyên gia.
Bán đảo Sơn Trà là ngôi nhà xanh của loài nữ hoàng linh trưởng Vọoc chà vá chân nâu.
“Tổng cục Du lịch chưa ai thấy được loài nữ hoàng linh trưởng Vọoc chà vá chân nâu. Tại cuộc họp này, chúng tôi và những người đại diện cho Tổng cục Du lịch đã không gặp nhau trong các vấn đề liên quan đến bản Quy hoạch Tổng thể phát triển Khu Du lịch Quốc gia Sơn Trà, TP Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chúng tôi tiếp tục đề nghị điều chỉnh Tổng thể quy hoạch Sơn Trà theo hướng bảo vệ đa dạng sinh học Sơn Trà, bảo vệ an ninh quốc phòng, bảo vệ cho báu vật Sơn Trà. Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Du lịch đã giữ quan điểm là sẽ không điều chỉnh và sẽ tiếp tục triển khai quy hoạch đã được phê duyệt đó vì cho rằng, quy hoạch đó mới ban hành và làm đúng quy trình, không thể thay đổi”, ông Huỳnh Tấn Vinh cho biết.
Ông Huỳnh Tấn Vinh tha thiết đề nghị các cấp, các ngành liên quan tổ chức một hội thảo khoa học rộng rãi về Sơn Trà, để tất cả những ai yêu mến Sơn Trà được tham dự. Và đây cũng là dịp để các cấp, các ngành lắng nghe một cách đầy đủ nhất những vấn đề tâm huyết với bán đảo Sơn Trà - lá phổi xanh của Đà Nẵng và nơi duy nhất, là ngôi nhà xanh của loài nữ hoàng linh trưởng Vọoc chà vá chân nâu nằm trong sách đỏ Việt Nam.
Bán đảo Sơn Trà đang dần bị “bê-tông hoá”.
“Chúng tôi tiếp tục có những kiến nghị cụ thể, đó là đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch quốc gia Sơn Trà theo hướng bảo vệ đa dạng sinh học của Sơn Trà, bảo vệ về an ninh quốc phòng và bảo vệ được báu vật Sơn Trà với người dân Đà Nẵng”, ông Vinh khẳng định.
Tháng 2-2017, UBND TP Đà Nẵng chính thức công bố Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, Khu vực quy hoạch phát triển Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà có tổng diện tích khoảng 4.439ha, với các sản phẩm du lịch chính là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch thể thao và thể thao mạo hiểm.
Từ đó, sẽ hình thành nên các trung tâm, cụm dịch vụ lưu trú nghỉ dưỡng cao cấp, cung cấp khoảng 1.600 buồng khách sạn đến năm 2030. Trong Quy hoạch tổng thể có tới 10 dự án về Trung tâm dịch vụ, biệt thự, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, hạ tầng kỹ thuật, nhưng chỉ có hai dự án liên quan tới bảo tồn là Khu cứu hộ động vật vườn thú bán hoang dã và Chương trình đầu tư bảo vệ môi trường.
Nguồn Báo Nhân dân