Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Không trả lại tài sản nhặt được có thể bị xử lý hình sự
Chủ nhật: 22:45 ngày 28/02/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhặt được của rơi đem trả lại cho người bị mất là việc rất đáng được biểu dương. Thời gian qua, không ít cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh khen thưởng cho cán bộ, người dân, học sinh, sinh viên... nhặt được của rơi, trả lại cho người mất.

Khen thưởng cá nhân có thành tích trong việc nhặt được của rơi, trả lại người bị mất.

Trước đó, UBND xã Thái Bình (huyện Châu Thành) tặng giấy khen cho anh Phạm Duy Hoàng- chiến sĩ dân quân thường trực, nhặt được của rơi, trả lại cho người mất. Theo lời kể của anh Hoàng, ngày 28.12.2020, trong lúc phun thuốc diệt cỏ trên đường ÐT781, đoạn từ khu vực UBND xã đến Nghĩa trang liệt sĩ huyện Châu Thành - thành phố Tây Ninh, anh nhặt được một cái ví, bên trong có nhiều giấy tờ tuỳ thân mang tên H.T.M.C (ngụ xã Trí Bình, huyện Châu Thành) và 1 điện thoại di động, 1 sợi dây chuyền vàng trị giá 19,6 triệu đồng.

Anh Hoàng đã mang đến giao cho UBND xã Thái Bình để thông báo tìm chủ sở hữu. Ðến ngày 30.12.2020, toàn bộ số tài sản trên đã được UBND xã trao trả lại cho chị H.T.M.C. “Số tài sản lớn như thế bằng thu nhập cả mấy tháng của tôi nhưng nghĩ đến người mất đang rất sốt ruột, lo lắng nên tôi nhanh chóng tìm cách để trả lại cho họ. Nhặt của người trả lại cho người là chuyện đương nhiên”- anh Hoàng chia sẻ.

Mới đây, ngày 4.2, anh Nguyễn Minh Trí (sinh năm 1983, ngụ tổ 2, ấp Thanh An, xã An Bình, huyện Châu Thành) nhặt được cái bóp ở trước cửa nhà mình, trong đó có tiền mặt và một chiếc lắc vàng, tổng trị giá khoảng 7 triệu đồng.

Anh đã mang đến giao cho chính quyền địa phương để thông báo tìm chủ sở hữu. Ðến ngày 7.2, chính quyền địa phương trao trả toàn bộ tài sản cho người mất. Ðể khích lệ và biểu dương hành động đẹp này, ngày 8.2, ngày UBND xã tặng giấy khen cho anh Trí.

Tuy nhiên, cũng xuất hiện không ít trường hợp nhặt được tài sản của người khác nhưng lại không trình báo để trả lại cho chủ sở hữu mà giữ làm của riêng. Cụ thể như trường hợp của anh N.T.N.T (ngụ huyện Châu Thành), cách đây khoảng 6 tháng, trên đường đi làm về nhà, anh đánh rơi một chiếc bóp, bên trong có hơn 2,5 triệu đồng cùng một số giấy tờ tuỳ thân.

Khi phát hiện mất bóp, anh quay lại để tìm kiếm nhưng không thấy. Ngay sau đó, một fanpage của Châu Thành trên facebook đăng tải thông tin việc người dân nhặt được chiếc bóp của anh nhưng bên trong chỉ còn lại giấy tờ tuỳ thân, tiền thì mất hết. “Mất tiền thì cũng buồn, nhưng nhận lại được giấy tờ tuỳ thân cũng coi như an ủi phần nào. Coi như của đi thay người vậy!”- anh T bày tỏ.

Hay như sự việc cô gái đánh rơi 30 triệu đồng trên đường ở TP. Hồ Chí Minh xảy ra vào ngày 28.1 vừa qua, bị một số người dân nhặt được nhưng không trả. Khi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, vài người đem đến trả. Trên thực tế, không ít người có suy nghĩ, nhặt được của rơi là được quyền sở hữu nên không cần có trách nhiệm trả lại cho người mất.

Theo luật sư Phan Văn Vĩnh- Ðoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh, dưới góc độ pháp luật, hành vi nhặt được tài sản của người khác nhưng cố ý không trả thì tuỳ theo giá trị tài sản, người nhặt có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản.

Ðối với xử phạt hành chính, nếu nhặt được tài sản bị đánh rơi mà chiếm giữ trái phép tài sản của người khác, người nhặt có thể bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng theo quy định tại điểm 2, khoản 2, Ðiều 15 Nghị định 167/2013/NÐ-CP ngày 12.11.2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Về xử lý hình sự, theo luật sư Phan Văn Vĩnh, căn cứ Ðiều 176 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc dưới 10 triệu đồng nhưng là tài sản di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Ngoài ra, có thể bị phạt tù từ 1-5 năm nếu tài sản có trị giá từ 200 triệu đồng trở lên.

Ðể hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật như vậy, luật sư Phan Văn Vĩnh cho biết, người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó. Nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

UBND cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu. Nếu sau 1 năm kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì người nhặt được tài sản sẽ được hưởng toàn bộ hoặc một phần giá trị tài sản nhặt được (tuỳ theo giá trị tài sản đó nhỏ hơn, bằng hoặc lớn hơn 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định) hoặc được thưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật (Ðiều 230 Bộ luật Dân sự 2015).

Thiên Di

Tin cùng chuyên mục