Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Mảnh đất hoang vu nằm cặp biên giới ngày nào nay đã được ủi phẳng, trên đó hàng trăm ngôi nhà được xây dựng khang trang dọc theo các tuyến đường giao thông nội bộ rộng rãi đã được rải phún phẳng phiu.

Ngày 21.4.2012, UBND huyện Tân Biên bắt đầu bàn giao nhà ở trong Khu dân cư (KDC) Chàng Riệc cho những hộ dân đã được xét duyệt giai đoạn đầu vào định cư. Đây là một trong 3 KDC biên giới được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thực hiện theo đề nghị của UBND tỉnh Tây Ninh nhằm ổn định và nâng cao đời sống người dân vùng biên giới. Vài năm trước đây, ít có ai ngờ ở vùng biên giới xa xôi thuộc địa bàn xã Tân Lập, huyện Tân Biên lại hình thành được một KDC quy mô lớn, làm đổi thay cả một vùng biên giới xa xôi.
![]() |
Trạm y tế trong KDC Chàng Riệc |
Từ năm 2008, UBND tỉnh Tây Ninh có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xin phê duyệt Đề án “Bố trí, sắp xếp, ổn định 3 khu dân cư biên giới Bắc Tây Ninh giai đoạn 2008- 2012”, bao gồm: KDC Ngã ba Xe Cháy; KDC cầu Sài Gòn và KDC Chàng Riệc. Tháng 10.2008, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý cho Tây Ninh thực hiện đề án. Tháng 3.2009, UBND tỉnh phê duyệt Đề án bố trí, sắp xếp, ổn định 3 khu dân cư biên giới Bắc Tây Ninh giai đoạn 2008-2012”. Tháng 7.2009, UBND tỉnh thông qua Quy hoạch chi tiết xây dựng KDC đầu tiên là Chàng Riệc. Theo Đề án, KDC Chàng Riệc được quy hoạch trên diện tích rộng 800 ha thuộc ấp Tân Đông 1, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, nằm dọc khoảng hơn 4 km theo đường tỉnh 792 gần ngã tư Chàng Riệc, quy mô lên đến 500 hộ gia đình với khoảng 2.500 nhân khẩu, vừa có nhà ở, đất ở, vừa có đất sản xuất. Đầu năm 2011, dự án KDC Chàng Riệc được khởi công.
Chúng tôi đến thăm KDC Chàng Riệc vào giữa tháng 4.2012- chỉ vài ngày trước khi UBND huyện Tân Biên bắt đầu đợt bàn giao nhà đất cho các hộ dân. KDC Chàng Riệc nằm tập trung trên diện tích hơn 81 ha phía trái đường 792 theo hướng từ ngã tư Chàng Riệc qua Xa Mát. Mảnh đất hoang vu nằm cặp biên giới ngày nào nay đã được ủi phẳng, trên đó hàng trăm ngôi nhà được xây dựng khang trang dọc theo các tuyến đường giao thông nội bộ rộng rãi đã được rải phún phẳng phiu. Những hàng trụ điện thẳng tắp đứng cặp đều ở các tuyến đường để đưa điện đến tận từng hộ dân. Trạm cung cấp nước sạch với những bồn xử lý lớn đứng gần hồ chứa rộng đang được nhóm thợ khẩn trương hoàn thành phần rào chung quanh trạm. Trạm y tế đã xây dựng xong, vài người thợ cố gắng hoàn tất phần sơn cửa các phòng bệnh nội trú trước khi bàn giao. Những ngôi nhà xây tường kiên cố, phía sau có nhà vệ sinh, đường điện, đường nước đến tận nơi. Gần KDC tập trung là khu đất sản xuất rộng hàng trăm ha cũng đã được san phẳng, phân lô để chuẩn bị bàn giao cho dân kèm theo nhà ở. Riêng tuyến đường 792- tuyến đường chính đi qua KDC Chàng Riệc thì đã được nâng cấp bê tông nhựa phẳng phiu, nối liền từ ngã tư Chàng Riệc đến cua chữ V đoạn đi vào Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Cả một khu vực biên giới rộng lớn đã thay đổi hoàn toàn.
Người dân huyện Tân Biên và Tân Châu đến bốc thăm nhận đất và nhà ở trong khu dân cư biên giới Chàng Riệc |
Đại tá Nguyễn Văn Trứ - Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, đơn vị chủ đầu tư xây dựng KDC Chàng Riệc cho biết, đối với 7 dự án thành phần trong KDC Chàng Riệc do BCHQS tỉnh là chủ đầu tư, đến ngày 18.4 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 5 dự án là: san lấp mặt bằng; hệ thống đường ngang; hệ thống đường dọc; hệ thống đường sản xuất và 300 căn nhà đã bàn giao cho UBND huyện Tân Biên. Công trình xây dựng Trạm y tế thì đã tổ chức nghiệm thu kỹ thuật, dự kiến sẽ nghiệm thu hoàn thành và bàn giao cho huyện Tân Biên trong tháng 4.2012. Còn công trình xây dựng trường mẫu giáo thì đã đấu thầu xong, chuẩn bị thi công. Riêng trạm cấp nước sinh hoạt với công suất 318m3/ngày đêm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thi công hoàn tất mạng lưới đường ống và đảm bảo phục vụ cho 300 hộ dân. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị trồng cây xanh dọc các tuyến đường để tạo bóng mát cho KDC. Tất cả đang sẵn sàng đón dân đến ở.
Như vậy, đến nay KDC Chàng Riệc đã xây dựng hoàn tất 300 căn nhà để tiếp nhận 300 hộ đến định cư. Trong đó mỗi hộ không chỉ được cấp 1 căn nhà có diện tích 42m2 trên đất vườn rộng 1.000m2 mà còn được cấp 1 ha đất sản xuất nằm liền kề với KDC. Còn mặt bằng của 200 căn nhà còn lại trong giai đoạn 2 cũng đã được san lấp, đường giao thông nội bộ đã hình thành và đường điện chính cũng đã được kéo về. Theo chủ đầu tư thì khả năng đến tháng 6 năm nay dự án sẽ tiếp tục xây dựng giai đoạn 2 để kịp hoàn thành đủ 500 căn trong năm nay.
Ông Lê Thiện Hồ - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Biên cho biết, theo tiêu chí đã phổ biến, giai đoạn đầu Ban chỉ đạo xây dựng KDC Chàng Riệc, huyện Tân Biên đã xem xét, chọn 197 hộ để bố trí vào định cư trong KDC Chàng Riệc. Trong đó có 107 hộ thuộc huyện Tân Biên, 89 hộ thuộc huyện Tân Châu và 1 hộ thuộc huyện Dương Minh Châu. Trong 197 hộ được bố trí vào ở KDC Chàng Riệc giai đoạn đầu có 50 hộ người dân tộc thiểu số. Để công bằng về vị trí nhà ở, Ban chỉ đạo đã tổ chức cho các hộ dân bốc thăm, ai trúng căn nào thì ở căn đó. Ngày 21.4.2012, Ban chỉ đạo đã bắt đầu bàn giao nhà cho dân đến ở. Theo dự kiến, đến ngày 24.4.2012 Ban chỉ đạo sẽ hoàn tất công việc bàn giao nhà cho 197 hộ trong đợt đầu tiên. Sau đó Ban chỉ đạo sẽ xem xét tiếp các hộ đến định cư trong KDC Chàng Riệc trong đợt 2 để lấp đầy 300 căn.
Tây Ninh là tỉnh biên giới, có đường biên dài đến 240 km giáp với Vương quốc Campuchia. Trong đó, dọc tuyến biên giới dân cư rất thưa thớt, kinh tế kém phát triển, đời sống nhân dân trong vùng còn khó khăn hơn các vùng khác. Việc quy hoạch, bố trí lại các khu dân cư, thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở… cho những hộ dân không có đất ở, đất sản xuất là hết sức cần thiết nhằm giải quyết vấn đề ổn định dân cư, ổn định tình hình xã hội và phù hợp tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. KDC Chàng Riệc hình thành đã cho thấy sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong tỉnh trong việc thực hiện chính sách yên dân của Đảng và Nhà nước. Sắp tới đây, Tây Ninh sẽ tiếp tục hình thành thêm 2 KDC biên giới nữa là KDC ngã ba Xe Cháy và KDC cầu Sài Gòn 2 để ngày càng có nhiều hộ dân nghèo được định cư và tạo lập cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Sơn Trần