BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khu đất công 309 ha bị bao chiếm ở xã Phước Minh (DMC): Bao giờ mới giải quyết xong?

Cập nhật ngày: 27/10/2010 - 11:36

Kỳ 1: đất công bị “tư hoá” do quản lý lỏng lẻo

Hơn 10 năm nay, trên địa bàn xã Phước Minh (huyện Dương Minh Châu) tồn tại một thực trạng bất cập, “mơ hồ” trong việc quản lý một khu đất công có diện tích khoảng 309 ha (tại ấp B2). Nếu lấy “mốc thời gian” từ ngày 16.8.1999, là thời điểm UBND huyện Dương Minh Châu chính thức ra thông báo về việc “thắt chặt” quản lý khu đất trên, đến nay đã 11 năm nhưng khu đất này vẫn nhập nhằng thực trạng “công, tư bất phân”. Người dân vẫn tự do mua bán, trao đổi, trồng cây lâu năm, xây dựng công trình bán kiên cố hoặc kiên cố… trên gần hết diện tích 309 ha. Dù rằng, thông báo ngày 16.8.1999 của UBND huyện Dương Minh Châu có nêu: Người dân đang tạm sử dụng đất công ở khu vực 309 ha phải giữ nguyên hiện trạng đất, không được trồng cây lâu năm hoặc xây dựng các công trình nhà cửa trên đất, chờ UBND huyện có kế hoạch chung.

Đất công thành đất tư

Theo một số tài liệu và thông tin từ chính quyền địa phương cho biết, trước đây khu đất trên được Công ty Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng trực tiếp quản lý kể từ khi xây dựng xong công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng. Công ty đã cho nhiều hộ (chủ yếu là cán bộ, công nhân viên chức của Công ty) “mượn” một số đất để sản xuất, cải thiện đời sống. Khi cho mượn, Công ty Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng có nêu rõ là “cho mượn, khi Nhà nước cần thì trả lại”. Đến năm 1999, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 160/QĐ-UB, giao 309 ha đất trên cho UBND huyện Dương Minh Châu quản lý.

Tuy nhiên, một phần diện tích đất trong khu này không chỉ được sử dụng vào mục đích “sản xuất, cải thiện đời sống”. Nhiều ngôi nhà đã được cất  lên, ngày càng kiên cố hơn, bề thế hơn. “Chờ” khá lâu mà chưa thấy Nhà nước thu hồi hay có chủ trương cụ thể, nhiều người sử dụng khu đất này đã mặc nhiên xem như “đất của mình”. Đáng nói hơn, một số hộ đã đăng ký quyền sử dụng đất đối với nhiều diện tích đất ở khu vực này nhưng vẫn được xã, huyện xét cấp “sổ đỏ”!? Nhiều diện tích khác bị người dân bao chiếm, sang nhượng một cách tuỳ tiện (hình thức mua bán bằng giấy tay), sau đó dẫn đến tranh chấp rất phức tạp, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương.

Cao su, tràm, nhà cửa trên đất công

Mới đây, trao đổi với phóng viên, một cán bộ xã Phước Minh cho biết trong  khoảng 3 năm trở lại đây, địa phương không thống kê nên không nắm chính xác số hộ đang ở trên khu đất này cũng như số căn nhà xây cất bất hợp pháp và diện tích từng loại cây trồng. Theo số liệu thống kê từ thời điểm năm… 2008, tại khu đất 309 ha ở xã Phước Minh có 98,7 ha được UBND tỉnh cho 6 doanh nghiệp thuê, nhưng chỉ có khoảng 26 ha được sử dụng đúng mục đích, còn lại nằm trong các dự án “treo” và đã được UBND tỉnh thu hồi giao lại cho UBND huyện DMC. Có 52,5 ha được UBND huyện DMC cho doanh nghiệp thuê, hiện có 34,5 ha được sử dụng đúng mục đích, còn lại đã được UBND huyện thu hồi (phần lớn diện tích này đã bị bao chiếm, bỏ hoang hoặc được người dân “tuỳ nghi sử dụng”). Có 13,86 ha được các cơ quan Nhà nước quản lý sử dụng, 6 ha đất đường giao thông; có 30 ha chưa sử dụng (hiện cũng đã bị bao chiếm); có 182,6 ha do 470 hộ dân sử dụng. Cụ thể: có 26 hộ sử dụng diện tích 0,78 ha đất thuộc hành lang bảo vệ đập chính; 427 hộ sử dụng diện tích 103,12 ha vào mục đích đất ở, đất nông nghiệp, trồng cây lâu năm, cây ngắn ngày; 9 hộ sử dụng diện tích 42,18 ha để trồng cao su; 8 hộ sử dụng 36,5 ha vào việc nuôi trồng thuỷ sản. Có trên 120 hộ thừa nhận đất họ đang sử dụng là do tự “khai phá”, lấn chiếm; có gần 200 hộ khẳng định là họ được Công ty Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng “cấp” trước đây nhưng thực tế thì chỉ có 69 hộ trưng ra được giấy tạm cấp đất của Công ty; hơn 20 hộ cho biết họ đang sử dụng đất do cha mẹ chia cho; có 34 hộ được UBND xã Phước Minh “tạm cấp”; 119 hộ thừa nhận tự ý sang nhượng đất với nhau; trong khi có 10 hộ không biết rõ nguồn  gốc đất (!?).

Thực tế, diện tích đất Công ty Khai thác Thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng và UBND xã Phước Minh cấp, cho mượn từ ngày 21.6.1999 trở về trước là 85,38 ha, (do 222 hộ sử dụng tại thời điểm cuối năm 2007). Trong diện tích 182,6 ha đất mà người dân đang sử dụng trong khu 309 ha đất công ở xã Phước Minh, chỉ có 47 ha của 226 hộ là phù hợp với quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2003 – 2010 của xã Phước Minh (đã được phê duyệt). Theo chính quyền địa phương, số hộ sử dụng đất, số căn nhà xây cất trái quy định trên khu đất công và số diện tích đất trồng cao su ở thời điểm hiện tại (cuối năm 2010) đã tăng lên đáng kể so với vài năm trước.

Hiện tại, trừ một số ít diện tích đất do cơ quan Nhà nước quản lý, sử dụng, hầu như ở khu 309 ha đất này “không còn chỗ trống”. Mặc dù UBND huyện đã có chủ trương không cho trồng cây lâu năm nhưng nhiều khu đất ở đây hiện đã thành vườn tràm, vườn cao su, trong đó có cả vườn cao su khoảng 5 ha của một cơ quan Nhà nước ở huyện Dương Minh Châu. Theo chính quyền địa phương, thẩm quyền và lực lượng của xã bị hạn chế nên không thể ngăn chặn hiệu quả tình trạng người dân bao chiếm đất công, xây cất nhà cửa và các công trình khác một cách trái phép. Có nhiều căn nhà được xây cất… trong đêm. Sau đó, dù chính quyền địa phương phát hiện, lập biên bản đình chỉ nhưng người dân vẫn tiếp tục lén lút xây cất. Người này trông người kia, cho rằng “họ xây cất được thì mình cũng xây cất được”. Vậy là, chủ trương cấm xây cất nhà cửa, cấm trồng cây lâu năm của UBND huyện trước đó đã bị “vô hiệu”.

Chính quyền và người dân đều lo

Một số hộ dân có nhà, đất trong khu vực 309 ha ở xã Phước Minh cho biết, ngoài những hộ mới đến ở và sản xuất trong khoảng vài năm trở lại đây, có nhiều hộ đã sản xuất, định cư ổn định hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, người dân chỉ “được sử dụng” chứ không được cấp sổ đỏ vì chính quyền địa phương cho biết không thể cấp sổ đỏ cho người sử dụng đất công. Điều này thì người dân công nhận, nhưng họ thắc mắc tại sao có một số trường hợp lại “lọt sổ”, được cấp “sổ đỏ”? Đây là do “sơ suất” hay do sự cố ý của một số cán bộ Nhà nước? Những trường hợp này đã được làm rõ hay chưa và xử lý ra sao? Người dân cũng cho biết nếu Nhà nước chỉ “để” người dân sử dụng đất mà không có chủ trương cụ thể, rõ ràng, dứt khoát, để kéo dài, dây dưa tình trạng này thì “dân thì khổ, Nhà nước thì lo”. Dân khổ vì sống, canh tác trên đất nhưng phải luôn ở trong tâm trạng bất an, “hồi hộp” vì không biết ngày mai sẽ ra sao. Không được công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp nên một số hộ dân có nhu cầu xây dựng, tôn tạo nhà cửa, trồng cây lâu năm… nhưng không dám thực hiện vì sợ bị cưỡng chế dỡ bỏ, di dời sẽ hao tiền tốn của. Nhiều người ao ước “phải chi được Nhà nước cấp sổ đỏ, người dân sẽ có điều kiện vay vốn sản xuất, làm ăn”… Chính quyền địa phương lo vì quản lý không xuể, lo vì xử lý vi phạm không xong, lo vì chưa biết giải quyết tình trạng này ra sao, đến bao giờ mới dứt điểm. Tình trạng “đất công có hai chủ” là “gánh nặng” của chính quyền địa phương xã Phước Minh trong nhiều năm qua. “Gần đây, địa phương muốn tìm một mảnh đất để xây nhà tình nghĩa mà không có. Trong khi cả khu vực rộng lớn này lại do người dân sử dụng”, một cán bộ xã nói.

BẢO TÂM