Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Mặc dù còn hơn 6 tháng nữa mới hết hạn được bán hàng miễn thuế cho khách tham quan tại Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Mộc Bài, thế nhưng hiện Khu thương mại Mộc Bài đang đìu hiu vắng lặng vô cùng.

Mặc dù còn hơn 6 tháng nữa mới hết hạn được bán hàng miễn thuế cho khách tham quan tại Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Mộc Bài, thế nhưng hiện Khu thương mại Mộc Bài đang đìu hiu vắng lặng vô cùng.
Hắt hiu “Thành phố” Mộc Bài
Một cán bộ ở KKTCK Mộc Bài cho biết, hiện nay, “trên giấy tờ”, toàn khu có khoảng 50 doanh nghiệp còn đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế thì có không đến một nửa số doanh nghiệp này đang hoạt động. Trong đó, có một số ít là hoạt động thường xuyên (như siêu thị miễn thuế Thế Kỷ Vàng, siêu thị chợ đường biên Satra, siêu thị Smiling), một số còn lại thì chỉ hoạt động cầm chừng.
![]() |
Khách mua hàng miễn thuế trong một siêu thị ở Mộc Bài |
Vào khu thương mại Nam Hiệp Thành, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước sự vắng lặng ở đây. Nếu có khách, thì cũng chỉ thưa thớt vài ba người đi mua gom… bột giặt, bia và đầu DVD (loại rẻ tiền)… Tương tự, siêu thị Smilling gần cổng chợ đường biên cũng vắng lặng, siêu thị Satra bên trong chợ cũng thưa thớt khách. Duy chỉ có siêu thị Thế Kỷ Vàng còn nhiều khách ra vào, nhưng so với trước đây thì lượng khách đã giảm đáng kể. Nhiều dự án, công trình xây dựng ở đây bị bỏ hoang phế, tiêu điều.
Thời điểm mới đi vào hoạt động, có những ngày, khu phi thuế quan thuộc KKTCK Mộc Bài đón trên 10.000 lượt khách tham quan, mua sắm. Trước đây, nhờ chính sách đặc biệt ưu đãi về thuế của Chính phủ, khu KTCK Mộc Bài thu hút 34 nhà đầu tư, có 47 dự án đăng ký sử dụng 1.665 ha đất (vốn đăng ký trên 6.000 tỷ đồng và trên 200 triệu USD).
Tuy nhiên, từ giữa năm 2009 lượng khách giảm mạnh, kéo theo đó là tình trạng kinh doanh ế ẩm của nhiều doanh nghiệp. Doanh thu những năm gần đây của các doanh nghiệp còn hoạt động liên tục giảm. Nhiều công ty, cửa hàng trong khu phi thuế quan đã phải đóng cửa vì kinh doanh không hiệu quả. Đến tháng 7.2009, thời điểm ngừng bán hàng miễn thuế cho khách tham quan ở các KKTCK theo quy định của Chính phủ, hoạt động của các doanh nghiệp tại Mộc Bài gần như bị “tê liệt” hoàn toàn, hầu hết các doanh nghiệp đóng cửa. Trước những khó khăn của các doanh nghiệp cũng như tác động tiêu cực đến đầu tư phát triển KKTCK Mộc Bài, UBND tỉnh Tây Ninh đã có văn bản kiến nghị Chính phủ gia hạn thời gian ngừng bán hàng miễn thuế. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận kiến nghị của tỉnh, cho khu thuế quan KKTCK Mộc Bài được bán hàng miễn thuế định mức 500.000 đồng/người Việt Nam/ngày đến cuối năm 2012.
Theo Quyết định số 93/2009/QĐ-TTg ngày 10.7.2009 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1.1.2013 trở đi, các KKTCK thực hiện theo quy chế về kinh doanh bán hàng miễn thuế ban hành kèm theo Quyết định số 24/2009/QĐ-TTg ngày 17.2.2009 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Điều 5 quy chế về kinh doanh bán hàng miễn thuế quy định đối tượng và điều kiện được mua hàng miễn thuế, thì tại KKTCK Mộc Bài, đối tượng được mua hàng miễn thuế gồm: Người xuất cảnh, quá cảnh qua các cửa khẩu quốc tế Việt Nam sau khi hoàn thành thủ tục xuất cảnh, quá cảnh hoặc người chờ xuất cảnh được mua hàng miễn thuế; cơ quan, tổ chức, cá nhân được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao. Như vậy, so với trước đây “công dân tại nội địa” khi đến tham quan, mua sắm tại Mộc Bài không còn được mua hàng miễn thuế.
![]() |
Đìu hiu một dãy ki ốt ở chợ đường biên Mộc Bài |
Đâu chỉ vì ngưng bán hàng miễn thuế
Trước đây, sở dĩ KKTCK Mộc Bài nhanh chóng phát triển, thu hút được nhiều nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp là do Chính phủ cho áp dụng nhiều chính sách ưu đãi về đầu tư, về sử dụng đất, về kinh doanh, về thuế… Trong đó, chính sách ưu đãi cho phép doanh nghiệp được bán hàng miễn thuế cho khách tham quan với định mức 500.000 đồng/người/ngày đã thu hút được hàng triệu lượt khách trong và ngoài tỉnh đến KKTCK Mộc Bài tham quan, mua sắm, tạo nên sự nhộn nhịp, khởi sắc cho vùng biên giới này. Một khi không áp dụng chính sách này nữa, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp sẽ “rút” đi, bởi khu thương mại trở nên ế ẩm. Thực tế diễn ra đã cho thấy, dù vẫn còn được mua hàng miễn thuế nhưng ngày càng vắng người đến đây. Đồng thời, từ khi Chính phủ có chủ trương chỉ cho bán hàng miễn thuế đối với khách tham quan đến cuối năm 2012, nhiều nhà đầu tư đã “tạm ngừng” triển khai một số dự án vì thấy bất lợi trước mắt.
Hiện Mộc Bài có 14 dự án (chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, nhà ở, gia công may giày xuất khẩu) hoạt động với tổng vốn đầu tư (đã thực hiện) trên 1.000 tỷ đồng và 75 triệu USD. Một số dự án về thương mại có quy mô lớn hiện đã “đi vào quên lãng” như siêu thị Winmart (khai trương vào tháng 5 năm 2009, với vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng, diện tích xây dựng 7.200m2, kinh doanh khoảng 20.000 mặt hàng); siêu thị Save a lot, siêu thị Hưng Thịnh, siêu thị T-smart; Trung tâm thương mại Nam Hiệp Thành (diện tích 24 ha, tổng số vốn đầu tư 217,5 tỷ đồng); chợ đường biên do Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) đầu tư với tổng vốn trên 42 tỷ đồng, diện tích 31.000m2; Trung tâm dịch vụ thương mại quốc tế Phi Long (diện tích 37 ha, vốn đầu tư 122,7 tỷ đồng). Tính chung, các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng các dự án thương mại và dịch vụ hơn 480 tỷ đồng. |
Quy hoạch đô thị Mộc Bài đến năm 2020 có quy mô 7.400 ha. Trong đó đất dân cư 1.033 ha, đất chuyên dụng 963 ha, đất dịch vụ thương mại 370 ha, đất du lịch sinh thái 600 ha, đất nông lâm nghiệp 4.284 ha và đất giao thông 150 ha. Quy mô dân số đến năm 2020 là 70.000 người (nội thị 60.000 người). Dự báo, tiềm năng phát triển của các khu công nghiệp ở Mộc Bài trong khoảng 10 năm tới là 963 ha, phát triển dịch vụ thương mại 370 ha, phát triển các khu dân cư tập trung 403 ha. Về lâu dài Mộc Bài là đô thị vệ tinh của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và TP. Hồ Chí Minh; đồng thời là trung tâm các hoạt động thương mại cửa khẩu đường bộ giữa Việt Nam và một số quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong. Thế nhưng, viễn cảnh tươi sáng của Mộc Bài có lẽ khó trở thành hiện thực trước nhiều khó khăn.
Do đó, vừa qua, UBND tỉnh Tây Ninh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho gia hạn thời gian được hưởng chính sách bán hàng miễn thuế đối với khách tham quan du lịch tại khu phi thuế quan thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đến năm 2018 thay vì đến hết năm 2012. Theo UBND tỉnh, việc tạm dừng chính sách bán hàng miễn thuế tại các khu phi thuế quan vào cuối năm 2012 đã gây ảnh hưởng lớn trong việc kêu gọi đầu tư và triển khai các dự án thời gian qua tại Khu KTCK Mộc Bài, gây không ít thiệt hại về kinh tế cho các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng và kinh doanh hàng miễn thuế vì chưa kịp thu hồi lại vốn. Mới đây, Chính phủ đã có văn bản giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu Chính phủ giải quyết kiến nghị của UBND tỉnh Tây Ninh.
Liệu rồi KKTCK Mộc Bài có được tiếp tục bán hàng miễn thuế như trước nữa hay không là một vấn đề được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, Mộc Bài chậm phát triển, thậm chí có phần “thụt lùi” không chỉ do chính sách về bán hàng miễn thuế mà do nhiều yếu tố khác. Trong đó, một số cơ chế, chính sách khác chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư; hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức cần thiết; thiếu vốn… Nếu nói việc ngưng bán hàng miễn thuế cho khách tham quan khiến các nhà đầu tư, các doanh nghiệp điêu đứng thì cũng chưa đầy đủ. Bởi với định mức mua hàng miễn thuế 500.000 đồng/người/ngày, hiện Mộc Bài chẳng còn hấp dẫn được mấy người, trừ những người đi mua gom hàng miễn thuế bán ra thị trường kiếm lợi. Do đó, “bài toán” phát triển KKTCK Mộc Bài không chỉ nằm ở “lời giải” được bán hàng miễn thuế cho khách tham quan hay không, mà cần được phân tích, đánh giá sâu rộng hơn.
ĐÌNH CHUNG