BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài: Gian lận thương mại “kéo lùi” sự phát triển

Cập nhật ngày: 01/05/2009 - 11:12

Ông Phan Minh Thành – Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Mộc Bài cho biết hiện nay, các doanh nghiệp ở đây đang bị “sốc” và rất hoang mang, lo lắng cho “vận mệnh” các dự án đầu tư của họ kể từ khi Chính phủ ban hành Quyết định số 33/2009/QĐ - TTg về việc Ban hành cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu.

KHÁCH THAM QUAN NỘI ĐỊA SẼ KHÔNG CÒN ĐƯỢC MUA HÀNG MIỄN THUẾ?

Nếu thực hiện bán hàng miễn thuế theo Quyết định số 33/2009/QĐ - TTg, KKTCK Mộc Bài sẽ trở nên đìu hiu, vắng lặng. Ảnh: ST

Tại khoản 4 điều 21 của Quyết định số 33/2009/QĐ - TTg nêu: Quy định ưu đãi về thuế đối với khách tham quan du lịch khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu ban hành trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 30.6.2009, từ ngày 1.7.2009 trở đi thực hiện theo Quy chế về kinh doanh bán hàng miễn thuế ban hành kèm theo Quyết định số 24/2009/QĐ-TTg ngày 17.2.2009 của Thủ tướng Chính phủ. Quy định này đã khiến các nhà đầu tư, các doanh nghiệp bị “choáng váng”.

Điều 5 tại Quy chế về kinh doanh bán hàng miễn thuế ban hành kèm theo Quyết định số 24/2009/QĐ-TTg ngày 17.2.2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định về đối tượng và điều kiện được mua hàng miễn thuế như sau: Đối tượng và điều kiện được mua hàng là người xuất cảnh, quá cảnh: Người xuất cảnh, quá cảnh qua các cửa khẩu quốc tế Việt Nam sau khi hoàn thành thủ tục xuất cảnh, quá cảnh hoặc người chờ xuất cảnh được mua hàng miễn thuế; người xuất cảnh, quá cảnh khi mua hàng phải xuất trình hộ chiếu, giấy thông hành đã được phép xuất cảnh hoặc xuất trình Thẻ lên máy bay (Boarding pass) đối với người xuất cảnh, quá cảnh bằng đường hàng không; người chờ xuất cảnh mua hàng miễn thuế tại cửa hàng miễn thuế trong nội thành phải xuất trình hộ chiếu hợp lệ, vé đã đăng ký ngày xuất cảnh. Hàng được nhận tại khu cách ly cửa khẩu xuất cảnh.

Điều 6 của Quy chế về kinh doanh bán hàng miễn thuế quy định định lượng mua hàng miễn thuế như sau: Người xuất cảnh, quá cảnh được mua hàng miễn thuế không hạn chế số lượng và trị giá nhưng phải tự chịu trách nhiệm về thủ tục và định lượng để nhập khẩu vào nước nhập cảnh. Trường hợp mua hàng miễn thuế với trị giá trên mức ngoại tệ, đồng Việt Nam phải khai báo hải quan theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì người xuất cảnh khi mua hàng phải xuất trình với nhân viên bán hàng chứng từ chứng minh nguồn gốc ngoại tệ, đồng Việt Nam theo quy định. Người xuất cảnh bằng giấy thông hành xuất nhập cảnh được mua hàng miễn thuế như khách xuất cảnh bằng hộ chiếu hợp lệ. Như vậy, theo quy định trên, khách nội địa sẽ không còn được mua hàng miễn thuế tại khu kinh tế cửa khẩu như hiện nay.

“THẮT” QUÁ “CHẶT”?

Những quy định trên có tác dụng hạn chế đối tượng được mua hàng miễn thuế, tránh được tình trạng gian lận thương mại và tệ mua gom hàng miễn thuế như đã diễn ra trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo ông Phan Minh Thành, việc “thắt” quá “chặt” như Quyết định số 33/2009/QĐ - TTg quy định sẽ có tác động tiêu cực tới sự phát triển ở KKTCK Mộc Bài. Nếu thực hiện theo Quyết định này, sẽ có rất nhiều dự án phải “bỏ trôi”, nhiều doanh nghiệp “đóng cửa”, nhiều nhà đầu tư phải “rút chân”.

Ông Thành nói: “Sẽ có khoảng 2/3 doanh nghiệp kinh doanh ở đây phải đóng cửa. Thực tế cho thấy, số lượng hàng hoá bán ra hằng năm ở KKTCK Mộc Bài chủ yếu được khách tham quan, du lịch nội địa mua. Các doanh nghiệp kinh doanh “sống được” là nhờ nhóm đối tượng khách hàng này. Nay Chính phủ không cho phép họ mua hàng miễn thuế nữa thì liệu sẽ còn mấy người tới đây?”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, lượng khách quốc tế (người nước ngoài hoặc khách làm thủ tục xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Mộc Bài) mua hàng miễn thuế chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, chưa tới 1/5 lượng khách mua hàng miễn thuế ở Mộc Bài. Lượng hàng hoá bán cho khách quốc tế chiếm chưa đến 1/3 số hàng hoá bán được hằng năm ở đây. Như vậy, khi thực hiện Quyết định số 33/2009/QĐ – TTg, doanh thu ở KKTCK Mộc Bài sẽ giảm hơn 2/3 so với hiện tại.

Tuy nhiên, điều đáng nói không chỉ ở đây. Dù bộ mặt của KKTCK Mộc Bài hiện khá sung túc, nhiều doanh nghiệp làm ăn ở đây cũng đạt được hiệu quả tương đối khả quan nhưng vẫn còn rất nhiều dự án đầu tư bị “ngâm”, bị “treo”. Theo ông Phan Minh Thành dự đoán, một khi Quyết định số 33/2009/QĐ – TTg có hiệu lực (1.7.2009), Khu Thương mại – Công nghiệp tại KKTCK Mộc Bài sẽ trở nên vắng lặng, đìu hiu. Điều này sẽ càng khiến cho các nhà đầu tư trở nên ngán ngại việc làm ăn ở đây. Từ đó dẫn tới tiến độ thực hiện các dự án cũng như “lực hấp dẫn đầu tư” bị giảm sút nghiêm trọng.

CÓ NÊN THAY ĐỔI CHÍNH SÁCH ĐỂ CHỐNG GIAN LẬN THƯƠNG MẠI?

Hoạt động gian lận thương mại, mua gom hàng miễn thuế ồ ạt ở Mộc Bài là do chưa có biện pháp phòng, chống hiệu quả

Tìm hiểu từ một số cán bộ công tác trong các ngành chức năng tại Mộc Bài, chúng tôi được cho biết khi thực hiện Quyết định số 33/2009/QĐ – TTg của Thủ tướng, có thể không còn tình trạng mua gom hàng miễn thuế nhưng tình hình buôn lậu hàng hoá qua biên giới ở khu vực này sẽ trở nên phức tạp hơn. Hàng miễn thuế sẽ được mua sang Campuchia rồi “đi lòn” về Việt Nam. Theo ông Phạm Phú Quốc – Phó Giám đốc Siêu thị GC thì Nhà nước cần đề ra những giải pháp chống gian lận thương mại, chống mua gom một cách hiệu quả chứ không nên thay đổi chính sách đột ngột, gây khó khăn cho hoạt động của những nhà đầu tư lành mạnh. “Nếu Nhà nước tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát và áp dụng mức chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm thì sẽ hạn chế được tình trạng gian lận thương mại ở đây”, ông Quốc nói.

Mới đây, Tổ Công tác của Bộ Công thương và Bộ Tài chính (được thành lập theo chỉ đạo của Thủ tướng) đã đến KKTCK Mộc Bài khảo sát tình hình đầu tư, kinh doanh ở đây để “kiến nghị biện pháp xử lý theo hướng vừa đảm bảo chính sách nhất quán, vừa kiểm soát được buôn lậu, gian lận thương mại”. Trước đó, UBND tỉnh Tây Ninh đã có công văn gởi Chính phủ về việc đề nghị xem xét lại việc áp dụng một số chính sách, cơ chế tài chính đối với KKTCK Mộc Bài theo Quyết định số 33/2009/QĐ – TTg.

BẢO TÂM