BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khu KT-CK Mộc Bài: Nhiều dự án “treo” lâu chưa được xử lý

Cập nhật ngày: 18/07/2010 - 05:59
HTML clipboard

Thông tin từ Ban Quản lý (BQL) Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài cho biết, đến cuối tháng 6, tại Mộc Bài có 34 nhà đầu tư với 46 dự án, đăng ký sử dụng 1.675 ha đất. Tổng vốn đăng ký đầu tư tại Mộc Bài hiện là 5.828,6 tỷ đồng và 219 triệu USD. Có 6 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; 8 dự án nhà ở; 29 dự án về thương mại-dịch vụ (trong đó có 4 dự án có vốn đầu tư nước ngoài); 1 dự án du lịch sinh thái; 1 dự án dây chuyền lắp ráp hàng gia dụng; 1 dự án nhà máy sản xuất giày.

Trong 46 dự án đã đăng ký đầu tư, có 3 dự án có chủ trương chấp thuận đầu tư đang lập dự án; 12 dự án đang triển khai thi công san lấp mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng; 6 dự án đã thoả thuận mức đền bù nhưng chưa được triển khai; 13 dự án đang được đền bù, giải phóng mặt bằng; 12 dự án (chủ yếu thuộc lĩnh vực thương mại-dịch vụ và nhà ở) đã đi vào hoạt động. Trong 6 tháng đầu năm 2010, có một doanh nghiệp tại Khu kinh tế cửa khẩu là Công ty cổ phần Việt Nam - Mộc Bài điều chỉnh tăng vốn điều lệ từ 7 triệu USD lên 25 triệu USD, đồng thời tăng vốn đầu tư từ 17 triệu USD lên 75 triệu USD để mở rộng nhà xưởng, nhập khẩu thêm thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất.

Không ít dự án ở Mộc Bài được xây dựng hiện chỉ để…nhìn, chưa được khai thác hiệu quả

Theo nhận định của BQL, trong 6 tháng qua, công tác đền bù giải phóng mặt bằng trong Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được triển khai thực hiện rất chậm (tổng diện tích đền bù là 25 ha, trong đó chủ đầu tư đền bù 5 ha). Công tác phối hợp điều tra kê khai hiện trạng đất còn chậm. Trong quá trình thực hiện khâu đền bù, giải phóng mặt bằng có tình trạng thuê tư vấn đo đạc mà không cắm mốc quy hoạch dự án, không bàn giao hồ sơ địa chính làm ảnh hưởng đến tiến độ lập phương án bồi thường. Một thực trạng đáng quan tâm là có những nhà đầu tư không đủ năng lực về tài chính để thực hiện chi trả cho các dự án đã lập xong phương án đền bù nên cứ “treo” dự án trong suốt một thời gian dài. Có thể kể ra một số nhà đầu tư “treo” dự án như Công ty Ngọc Oanh (dự án Cụm công nghiệp 1), Công ty Tây Nam (Cụm công nghiệp 4), Công ty Phi Long (dự án khu Thương mại).

Công tác đền bù giải toả trong thời gian gần đây gặp khó khăn do một số chính sách quy định về bồi thường thay đổi “xoành xoạch”, thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ, thủ tục lại rườm rà đã tác động tiêu cực đến tiến độ thực hiện dự án. Một số dự án trình tỉnh phê duyệt giá và phương án chi trả bồi thường nhưng các ngành chức năng tỉnh tham mưu chậm, làm kéo dài thời gian thực hiện dự án. Trong khi đó, một số dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường và đã hoàn chỉnh hồ sơ bồi thường nhưng nhà đầu tư lại chưa phân bổ vốn để chi trả.

Theo tìm hiểu của phóng viên, những trường hợp nhà đầu tư “treo” dự án trong một thời gian dài (khoảng trên 2 năm) đã được BQL Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài báo cáo về UBND tỉnh nhiều lần. Nhưng cho đến nay, những dự án “treo” này vẫn không bị thu hồi, giao cho đơn vị khác có khả năng thực hiện dự án.

BẢO TÂM