BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khu KTCK Mộc Bài năm 2010: Vẫn chưa khởi sắc

Cập nhật ngày: 21/12/2010 - 11:09

Doanh thu bán lẻ giảm

Tính đến hết năm 2010, Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có 34 nhà đầu tư với 46 dự án đầu tư, đăng ký sử dụng 1.665 ha đất, vốn đăng ký 6.217,6 tỷ đồng và 219,125 triệu USD. Đã có 14 dự án đi vào hoạt động, 12 dự án đang san lắp mặt bằng và thi công một số hạng mục công trình, 4 dự án đã thoả thuận xong đền bù nhưng chưa triển khai thi công, 13 dự án đang đền bù giải toả, 3 dự án đã có chủ trương đầu tư đang lập dự án. Các dự án tạo việc làm cho khoảng trên 3.000 lao động, trong đó hơn 80% lao động là người của địa phương huyện Bến Cầu và các vùng phụ cận.

Siêu thị bên trong chợ đường biên Mộc Bài thưa vắng khách

Trong năm 2010, Ban quản lý KKTCK Mộc Bài có văn bản trình và đã được UBND tỉnh chấp thuận chuyển đổi công năng khu thể dục thể thao, vui chơi, giải trí để xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Trung tâm thương mại và kho ngoại quan  do Công ty TNHH xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương làm chủ đầu tư (vốn đăng ký đầu tư 200 tỷ đồng, diện tích 7,7 ha). Tỉnh cũng đã thu hồi đầu tư một phần diện tích 10,116 ha của Công ty TNHH một thành viên xây dựng  Bình Minh; có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 2 dự án: khu công nghiệp 300 ha và khu dân cư 100 ha do Công ty cổ phần Đại An làm chủ đầu tư.

Tính đến thời điểm hiện nay, tại Khu thương mại – công nghiệp Mộc Bài có 54 doanh nghiệp đang kinh doanh. Doanh số bán lẻ giảm đáng kể so với năm trước. Tuy nhiên, do các doanh nghiệp xuất bán hàng hoá theo hợp đồng cho các khu phi thuế quan khác tăng nên tổng doanh số bán theo cả hai phương thức bán hợp đồng và bán lẻ tăng. Uớc doanh số bán cả năm 2010 là 1.477,885 tỷ đồng, vượt 5,6% so với kế hoạch năm 2010. Riêng doanh thu mặt hàng rượu bia chiếm khoảng 20%, giảm mạnh so với năm trước. Nguyên do là tại KKTCK Mộc Bài đang thực hiện hướng dẫn tại Thông tư số 116/2010/TT-BTC ngày 4.8.2010 của Bộ Tài chính, không mở tờ khai hàng hoá xuất khẩu đối với mặt hàng bia, rượu và thức uống có cồn rượu đưa từ nội địa và từ khu phi thuế quan khác vào khu TM-CN Mộc Bài.

Trong năm, lượt khách trong nước đến tham quan mua sắm giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng lượng khách đến từ Campuchia tăng khoảng 10%. 

Còn nhiều khó khăn

Theo Ban quản lý KKTCK Mộc Bài, trong năm 2010, tiến độ triển khai thực hiện các dự án của các nhà đầu tư trong nước là “không đáng kể”. Chỉ có một số dự án triển khai thi công cầm chừng với số vốn thực hiện thấp như: dự án khu dân cư của Công ty CP Tây Nam, dự án trụ sở giao dịch chi nhánh Ngân hàng công thương tại Mộc Bài, dự án cửa hàng ăn uống của DNTN Hoàng Tiến. Ngoài dự án đầu tư nhà máy giày của Công ty cổ phần Việt Nam Mộc Bài thực hiện tốt theo tiến độ đầu tư thì các dự án khác triển khai chậm. Riêng dự án đầu tư của Công ty Liên doanh Vận tải Hành khách Phương Trinh đã quá hạn nộp thuế cho cơ quan Hải quan để thực hiện thủ tục giải thể, chấm dứt đầu tư. 

 Một số dự án đã bàn giao đất cho nhà đầu tư, nhưng do “vướng” khâu đền bù giải toả và hạn chế về năng lực tài chính nên các dự án triển khai không đạt tiến độ đề ra như: dự án Cụm Công nghiệp 1 của Công ty TNHH Ngọc Oanh, dự án Cụm Công nghiệp 4 của Công ty CP Tây Nam, dự án Khu Dân cư của Công ty cổ phần và xây dựng địa ốc Chợ Lớn, dự án Khu Thương mại dịch vụ quốc tế, dự án Cụm Công nghiệp 2 của Công ty CP đầu tư Phi Long, dự án Khu Công viên của Công ty TNHH Hoàng Thái Gia. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của sự biến động giá vật tư, các công trình phải điều chỉnh giá, điều chỉnh dự toán, điều chỉnh kế hoạch đấu thầu… nên mất nhiều thời gian, làm chậm tiến độ thực hiện các dự án.

Năm 2010, tỷ lệ diện tích đất đền bù được tại KKTCK Mộc Bài “còn quá thấp”, tiến độ đền bù “còn rất chậm, hầu như đóng băng”. Nguyên nhân chính do giá đền bù có thay đổi; một số nhà đầu tư không có năng lực về tài chính; một số nhà đầu tư không tích cực bố trí nhân sự tổ chức thực hiện khâu đền bù; cán bộ phụ trách lĩnh vực này còn thiếu, còn hạn chế nên công tác đền bù giải toả luôn bị ách tắc, chậm chạp; công tác phối hợp điều tra kê khai hiện trạng của chủ đầu tư và tổ chuyên viên còn chậm; có trường hợp thuê tư vấn đo đạc mà không cắm mốc quy hoạch dự án, không bàn giao hồ sơ địa chính làm ảnh hưởng đến tiến độ lập phương án bồi thường.

Dự án Khu Dân cư Tây Nam đang được triển khai thi công

Một nguyên nhân khác khiến khâu bồi thường giải phóng mặt bằng bị trì trệ là do chính sách bồi thường có sự thay đổi. Theo Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13.8.2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường và hỗ trợ tái định cư, mức hỗ trợ bằng tiền từ 1,5 lần đến 5 lần giá đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi khiến nhiều nhà đầu tư bị động trong kế hoạch bồi thường. Một số nhà đầu tư không đủ năng lực về tài chính để thực hiện chi trả cho các dự án đã lập xong phương án đền bù.

Yêu cầu về nguồn nhân lực đã qua đào tạo cũng là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp tại KKTCK Mộc Bài. Với việc đưa vào hoạt động nhà máy giày xuất khẩu của Công ty Taekwang Vina và yêu cầu phát triển các khu công nghiệp lớn từ năm 2010 và các năm sau, hằng năm khu vực này phải được cung ứng hàng ngàn lao động có chuyên môn trong khi nguồn lao động tại chỗ tuy có nhưng chưa qua đào tạo, cơ sở đào tạo chưa được đầu tư đòi hỏi phải thu hút lao động từ các nơi khác đến làm phát sinh các nhu cầu về chỗ ở, phương tiện đi lại, tăng thêm áp lực cho địa phương trong việc giải quyết nhiều yêu cầu về xã hội.

Bên cạnh đó, thời hạn duy trì cơ chế mua hàng miễn thuế tại khu phi thuế quan theo Quyết định 93/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chỉ còn hai năm cộng với một số biện pháp thắt chặt việc đưa hàng từ nội địa vào khu phi thuế quan khiến một số nhà đầu tư mang nặng tâm lý bất an, chỉ đầu tư cầm chừng, nhỏ, lẻ chủ yếu vào những lĩnh vực đầu tư có khả năng thu hồi vốn nhanh.

ĐÌNH CHUNG