BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khu KTCK tỉnh Tây Ninh:Cần có thể chế “vượt trội” để làm động lực phát triển

Cập nhật ngày: 21/01/2012 - 06:57

Với đường biên giới dài 240km, Tây Ninh giáp với ba tỉnh Vương quốc Campuchia: Kompông Chàm, Prây Veng và Svay Riêng, có hai cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và Xa Mát, 4 cửa khẩu quốc gia và 10 cửa khẩu phụ.

Xuất phát từ mục tiêu mong muốn tạo ra một vùng kinh tế động lực phát triển biên mậu, xây dựng vùng biên giới vững mạnh về quốc phòng an ninh, hai khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát đã được quy hoạch với quy mô khá rộng, Mộc Bài: 21.284ha và Xa Mát: 34.197ha. Dự đoán và đánh giá vai trò của các khu kinh tế cửa khẩu trong hội nhập phát triển, năm 2003 Tây Ninh đã tổ chức lập đề án nghiên cứu “ Chính sách phát triển đối với các khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh”, nội dung trọng tâm là đề nghị bổ sung chính sách đối với khu kinh tế cửa khẩu theo Quyết định số 53/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm tìm giải pháp khả thi đầu tư xây dựng hai khu kinh tế cửa khẩu nêu trên bằng nguồn nội lực.

Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài

Từ đề án này sau khi trình Chính phủ phê duyệt, Khu Kinh tế cửa khẩu Xa Mát vẫn duy trì hoạt động theo chính sách chung nên thực sự không hấp dẫn mấy đối với nhà đầu tư, dù rằng nơi đây kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2010 chiếm tỷ trọng 33,6% trên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Campuchia (614 triệu USD). Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài hoạt động theo cơ chế chính sách riêng thông qua một quyết định của Thủ tướng Chính phủ, với cơ chế chính sách vượt trội so với chính sách chung, nhất là cơ chế phi thuế quan đối với các hoạt động thương mại và sản xuất công nghiệp, năm 2004 các hoạt động đầu tư, thương mại dịch vụ tại Mộc Bài đã thực sự bắt đầu chuyển động và đạt được những thành tựu bước đầu với nhiều khởi sắc: Thu hút được 47 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký 6.500 tỷ đồng và 219 triệu USD, có 16 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn thực hiện 1.050 tỷ đồng và 75 triệu USD, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 10.500 lao động. Kim ngạch xuất nhập khẩu qua lại cửa khẩu năm 2011 ước đạt 567 triệu USD tăng gấp 6 lần so với năm 2006 trong đó có 44 triệu USD là kim ngạch xuất khẩu hàng hoá được sản xuất tại Mộc Bài; doanh số bán lẻ cũng tăng vượt bậc từ chỗ trước đây không có gì đến năm 2011 ước đạt 1.454 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 3,9% trên tổng mức bán lẻ toàn tỉnh; lượng khách qua lại cửa khẩu tăng nhanh từ 850.000 lượt người năm 2006, đến năm 2011 lên đến 2.702.000 lượt người. Hiệu quả rõ nét nhất của kết quả xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài là giúp huyện Bến Cầu từ một huyện thuần nông, nghèo nhất tỉnh thực hiện xoá đói giảm nghèo chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thảo tiếp đoàn các nước Nam Á thăm Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài

Năm 2008, Tây Ninh tổ chức sơ kết báo cáo kết quả thực hiện chính sách đối với các khu kinh tế cửa khẩu theo Quyết định 53/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ đó tỉnh cũng đã khẳng định chủ trương xây dựng và phát triển các khu kinh tế cửa khẩu là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế mở cửa, hội nhập, đặc biệt là chủ trương này hợp với lòng dân, đáp ứng yêu cầu thiết thực vì vai trò ý nghĩa của nó đã sớm đi vào cuộc sống và đem lại hiệu quả ngày càng rõ nét trên các lĩnh vực: -Tạo điều kiện phát huy tiềm năng ưu thế của địa phương có biên giới đường bộ và là động lực hỗ trợ Tây Ninh chuyển đổi cơ cấu kinh tế. -Góp phần mở rộng giao lưu phát triển biên mậu với nước láng giềng và các vùng phụ cận. -Đầu tư phát triển hạ tầng tại khu vực cửa khẩu được chú trọng đáp ứng yêu cầu phát triển giao lưu thương mại, tạo hấp lực mới thu hút đầu tư. -Hoạt động thương mại, sản xuất công nghiệp phát triển, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của cư dân địa phương và các khu vực lân cận, cải thiện đáng kể các quan hệ xã hội đối với vùng biên giới. -Thúc đẩy tăng cường quản lý trên nhiều phương diện, nên công tác quốc phòng an ninh ngày càng được củng cố, từng bước tạo ảnh hưởng lan toả về phía cửa khẩu nước bạn, mở rộng quan hệ giao lưu, thắt chặt thêm tình hữu nghị với nước láng giềng.-Bằng những cơ chế chính sách đặc thù làm thí điểm tại Mộc Bài tạo điều kiện nghiên cứu và xây dựng cho mô hình quản lý các khu kinh tế cửa khẩu với trọng tâm theo hướng mở về thể chế trong tổ chức quản lý, tạo bước đột phá phát triển các khu kinh tế và kinh tế cửa khẩu.

Thông qua sơ kết, những mặt tồn tại yếu kém trong quá trình xây dựng và phát triển khu kinh tế cửa khẩu cũng đã được làm rõ, cụ thể là: -Quy hoạch quá rộng, với cơ sở hạ tầng có quy mô vốn đầu tư lớn, trong khi nguồn lực lại có hạn nên gặp khó khăn trong việc triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ, đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu vận hành và thu hút đầu tư. -Quy hoạch xây dựng chỉ xuất phát từ mong muốn chủ quan của cơ quan quản lý, chưa gắn kết được quy hoạch với sự quan tâm của các nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế và không lôi cuốn được các trung tâm kinh tế lớn vào mối quan hệ giao lưu với Campuchia, do vậy quy hoạch khi triển khai thiếu sức sống. -Hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu của khu kinh tế cửa khẩu còn tự phát, chưa theo định hướng phát triển và phục vụ sản xuất trong nước, quy mô còn nhỏ bé chưa xứng với tiềm năng thể hiện mặt hàng manh mún, phương thức thanh toán chưa đảm bảo an toàn cho kinh doanh, các dịch vụ thương mại du lịch thông quan còn yếu, gian lận thương mại còn nhiều, công tác tổ chức quản lý còn bất cập trong phân công phân cấp hay uỷ nhiệm, dẫn tới hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm không tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình quản lý mới thúc đẩy sản xuất phát triển. –Về cơ chế chính sách Chính phủ ban hành, có những kiến nghị không được điều chỉnh kịp thời, thêm vào đó lại không nhất quán, đồng bộ… Tất cả những yếu tố này đã tác động không tốt đến hình ảnh phát triển của cả hai khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.

Tất cả những tồn tại yếu kém kể trên nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc: Chúng ta xây dựng và phát triển khu kinh tế cửa khẩu bên cạnh một nước kém phát triển, sức mua yếu nên trao đổi mậu dịch không lớn, nhưng buôn lậu thì nhiều nên chậm phát triển và hiệu quả chưa cao, thêm vào đó, nội lực chưa đủ, nhất là về vốn lại có giới hạn không đáp ứng yêu cầu. - Về quản lý Nhà nước, do chưa có cơ quan quản lý tập trung thống nhất ở Trung ương nên việc xây dựng điều chỉnh bổ sung cơ chế chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển các khu kinh tế cửa khẩu không kịp thời. Do phân tán, mỗi bộ ngành Trung ương đều tham gia nghiên cứu điều hành hoạt động các khu kinh tế cửa khẩu một cách riêng lẻ theo phạm vi được phân công, nên phần lớn các văn bản hướng dẫn đều không đồng bộ, không phù hợp với tình hình thực tế hoặc lúng túng khi xử lý các sự việc phát sinh. Quy trình thiết lập cơ chế chính sách từ thí điểm đến thống nhất tập trung quản lý theo Nghị định 29 còn rất nhiều lúng túng bất cập trên cơ sở chưa có tổng kết khoa học và thực tiễn để xây dựng mô hình quản lý.

Nhập khẩu hàng hoá từ Campuchia vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Xa Mát

Nguồn nhân lực phục vụ cho yêu cầu tổ chức quản lý xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu vừa yếu lại vừa thiếu, không được đào tạo huấn luyện theo mô hình quản lý mới, nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác tổ chức quản lý một cách có hiệu quả, làm tiền đề cho việc xây dựng mô hình quản lý: tự quản triệt để.

Có thể nói, trong thời gian qua, sự phát triển của Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tất cả những kết quả ban đầu có được so với cái chưa có của Khu Kinh tế cửa khẩu Xa Mát là do nhiều yếu tố tác động, nhưng trước hết chính là nhờ cơ chế chính sách vượt trội, trong đó bao gồm các chính sách ưu đãi và công tác tổ chức quản lý có phân công phân cấp làm đòn bẩy và động lực để phát triển. Chính các cơ chế chính sách thí điểm mang tính vượt trội này đã làm nền tảng cho sự ra đời Nghị định số 29, thống nhất mô hình quản lý đối với hoạt động của tất cả các khu kinh tế cửa khẩu.

Tóm lại, phải coi việc xây dựng và phát triển các khu kinh tế cửa khẩu là khâu đột phá trong chiến lược phát triển biên mậu và xây dựng vùng kinh tế biên giới vững mạnh, do vậy cần có chỉ đạo xây dựng tập trung hơn với hệ thống khu kinh tế cửa khẩu đã được phê duyệt, trong đó không chỉ tập trung vốn đầu tư cho các khu kinh tế cửa khẩu chiến lược, mà còn phải chú ý đến việc điều chỉnh quy mô quy hoạch phù hợp và thông qua thể chế vượt trội với mô hình tổ chức quản lý tiên tiến, thực sự tự quản làm động lực phát triển.

Phan Minh Thành