BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khu KTCK Xa Mát triển khai thực hiện chậm

Cập nhật ngày: 02/11/2010 - 11:32

Đợt giám sát do Thường trực HĐND tỉnh tổ chức được tiến hành trong các ngày 1, 2 và 3.11.2010. Nội dung giám sát bao gồm: tiến độ triển khai thực hiện quy hoạch, tình hình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư và giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất… ở các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ông Phan Văn Sử, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng Đoàn đã đến làm việc tại Khu Kinh tế cửa khẩu Xa Mát, huyện Gò Dầu, Thị xã và các sở, ngành liên quan.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh khảo sát thực tế tại Khu KTCK Xa Mát

Tại Khu Kinh tế cửa khẩu Xa Mát, báo cáo với Đoàn giám sát HĐND tỉnh, ông Phạm Văn Sơn, Trưởng Ban quản lý cho biết đồ án quy hoạch Khu Kinh tế cửa khẩu Xa Mát được phê duyệt từ năm 2005 với quy mô tổng thể lên đến hơn 34.000 ha, bao gồm 2 xã Tân Bình và Tân Lập của huyện Tân Biên. Trong đó, khu đô thị cửa khẩu có quy mô diện tích 728 ha gồm các phân khu chức năng: hành chính, công nghiệp, thương mại quốc tế, thương mại trong nước. Đến nay Ban quản lý đã hoàn thành các công trình cơ bản như: trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính; dự án khoan thăm dò kết hợp khai thác nước ngầm; công tác đo đạc giải thửa và cắm mốc quy hoạch khu đô thị cửa khẩu…; đang triển khai xây dựng cổng và trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu Xa Mát. Ngoài ra, còn có một số dự án đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai như: kênh tiêu thoát nước; kết cấu hạ tầng khu tái định cư; các đường giao thông trong khu đô thị cửa khẩu; hệ thống điện, nước trong khu hành chính… Riêng khu tái định cư được quy hoạch với quy mô hơn 10 ha bố trí 373 nền, đã bồi thường giải phóng mặt bằng xong nhưng chưa có nguồn kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng nên đến nay vẫn chưa triển khai.

Theo đánh giá của Ban quản lý thì trong 5 năm qua, việc triển khai thực hiện quy hoạch Khu Kinh tế cửa khẩu Xa Mát còn rất chậm so với dự kiến. Có nhiều nguyên nhân khiến cho tiến độ triển khai chậm, nhưng khó khăn về khâu bồi thường giải phóng mặt bằng là nguyên nhân chính. Những năm trước đây, hầu hết người dân trong khu vực không đồng tình với phương án giải phóng mặt bằng- chủ yếu là giá bồi thường. Từ năm 2008 đến nay- sau khi điều chỉnh phương án, nhiều người dân đã đồng ý nhận tiền bồi thường, nhưng nguồn kinh phí dành cho công tác này lại hạn chế. Do đó, đến nay trong khu đô thị cửa khẩu, chỉ mới bồi thường được hơn 30 ha, trong đó có 13,5 ha thuộc khu hành chính, 16,5 ha thuộc khu tái định cư và 0,39 ha giếng khoan nước ngầm. Riêng khu chợ đường biên hiện đang thoả thuận bồi thường. Từ việc giải phóng mặt bằng chậm, công tác thu hút đầu tư và triển khai các dự án đầu tư đã đăng ký cũng chậm theo. Đến nay, Khu KTCK Xa Mát đã thu hút được 14 dự án được UBND tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư với tổng diện tích đất thuê là 364 ha và tổng vốn đăng ký là 822 tỷ VNĐ và 200 triệu USD. Tuy nhiên, do khó khăn về mặt bằng nên trong số 14 dự án, mới có 4 dự án lập quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng chưa triển khai, 10 dự án còn lại chưa lập quy hoạch chi tiết và đang chờ giao đất.

Cổng cửa khẩu Xa Mát đang xây dựng

Để tiến độ triển khai thực hiện quy hoạch Khu KTCK Xa Mát được nhanh hơn đồng thời tăng khả năng thu hút đầu tư, Ban quản lý Khu KTCK Xa Mát kiến nghị Nhà nước sớm hỗ trợ kinh phí bồi thường để tạo quỹ đất sạch- nhất là trong giai đoạn hiện nay vì đã có nhiều hộ dân đồng tình với phương án bồi thường; đồng thời Hội đồng bồi thường cần tăng cường đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án.

Kết thúc buổi làm việc, Trưởng Đoàn giám sát Phan Văn Sử đánh giá cao những nỗ lực của Ban quản lý, những kết quả đã thực hiện được trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện quy hoạch Khu KTCK Xa Mát; đồng thời cũng ghi nhận những khó khăn, những đề xuất của Ban quản lý để có ý kiến trao đổi với các ngành chức năng có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Ngày 2 và 3.11, Đoàn giám sát tiếp tục làm việc với UBND huyện Gò Dầu, Thị xã và lãnh đạo các sở Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Tài chính và Tài nguyên và Môi trường.

Sơn Trần