BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khu Liên hợp Phước Đông Bời Lời: Đền bù nhanh, nhưng phải lo “hậu giải toả” cho dân

Cập nhật ngày: 21/05/2010 - 08:36
HTML clipboard

Khu Liên hợp công nghiệp- đô thị- dịch vụ Phước Đông- Bời Lời Tây Ninh (gọi tắt là Khu Liên hợp Phước Đông- Bời Lời) được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào danh mục khu công nghiệp dự kiến ưu tiên thành lập mới từ tháng 4.2008. Đây là dự án có quy mô diện tích lớn nhất Tây Ninh hiện nay, do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam làm chủ đầu tư. Năm 2009 dự án bắt đầu triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB). Giai đoạn 1 bồi thường GPMB triển khai rất thuận lợi và đến nay cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, lãnh đạo một số địa phương vẫn còn băn khoăn…

Theo đồ án quy hoạch chung, Khu Liên hợp Phước Đông- Bời Lời có diện tích hơn 2.800 ha, nằm trên đất của các xã Phước Đông, Bàu Đồn thuộc huyện Gò Dầu và Đôn Thuận thuộc huyện Trảng Bàng, được quy hoạch bao gồm 2 khu chính là: Khu công nghiệp có diện tích khoảng 2.200 ha và Khu đô thị- dịch vụ có diện tích khoảng 650 ha. Đất quy hoạch thực hiện dự án đa phần là đất trồng cây lâu năm, đất vườn tạp, một số là ruộng với năng suất thấp, còn đất ở chiếm tỷ lệ nhỏ. Để giải quyết nơi ăn ở cho những hộ dân bị thu hồi đất, chủ đầu tư quy hoạch xây dựng trước khu tái định cư với diện tích hơn 70 ha trên địa bàn xã Bàu Đồn, dự kiến định cư cho khoảng 8.000 nhân khẩu.

Lãnh đạo xã Phước Đông đề xuất sớm triển khai dự án

Giữa năm 2009, Khu Liên hợp Phước Đông- Bời Lời tiến hành triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để GPMB theo 3 giai đoạn: Ở giai đoạn 1, phần lớn diện tích bồi thường nằm trên địa bàn xã Phước Đông, huyện Gò Dầu. Theo ông Nguyễn Văn Lập- Chủ tịch UBND xã Phước Đông thì giai đoạn 1 trên địa bàn xã bồi thường GPMB trên diện tích hơn 960 ha với tổng số gần 1.300 hộ gia đình có đất bị thu hồi. Đến giữa tháng 5.2010, trong khu vực GPMB giai đoạn 1 ở xã Phước Đông dự án đã chi trả tiền bồi thường cho hơn 1.230 hộ- đạt tỷ lệ 95% tổng số hộ với tổng số tiền bồi thường là gần 500 tỷ đồng, tổng diện tích đất đã bồi thường GPMB gần 920 ha- đạt 96% tổng diện tích phải thu hồi. Hiện nay ở Phước Đông chỉ còn khoảng 45 hộ chưa nhận tiền bồi thường. Chính quyền xã đang tích cực vận động những hộ này chấp thuận để hoàn tất công tác bồi thường GPMB giai đoạn 1.

Còn trên địa bàn xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, ông Bùi Văn Nhung- Chủ tịch UBND xã cho biết tổng diện tích phải bồi thường giải toả để thực hiện dự án Khu Liên hợp Phước Đông- Bời Lời là hơn 1.800 ha. Giai đoạn 1 bồi thường GPMB gần 250 ha; giai đoạn 2 bồi thường GPMB hơn 720 ha và giai đoạn 3 là hơn 870 ha. Đến nay, ở xã Đôn Thuận đã có 278/290 hộ nhận tiền bồi thường giai đoạn 1, đạt tỷ lệ hơn 95%, với tổng số tiền đã bồi thường là hơn 130 tỷ đồng. Xã đang tiếp tục vận động để số ít hộ còn lại đồng ý nhận tiền đền bù.

Như vậy, ở 2 xã Phước Đông và Đôn Thuận tổng diện tích bồi thường GPMB giai đoạn 1 là hơn 1.200 ha, đến nay đã thực hiện thu hồi được hơn 95%. Tiến độ bồi thường GPMB giai đoạn 1 dự án Khu Liên hợp Phước Đông- Bời Lời được đánh giá là khá nhanh và hiện nay chuẩn bị hoàn tất để chuyển sang giai đoạn 2. Đạt được kết quả đó là do giá cả bồi thường hợp lý, đồng thời các cấp, các ngành liên quan hết sức nỗ lực vận động, triển khai. Tuy nhiên, hiện nay chính quyền các địa phương vùng dự án đều có nỗi băn khoăn. Lãnh đạo xã Phước Đông băn khoăn nhất là việc chuyển đổi ngành nghề của các hộ có đất bị thu hồi. Theo phương án thì các hộ có đất bị thu hồi- tuỳ tỷ lệ diện tích mà được hưởng định suất hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề 1,5 triệu đồng cho mỗi lao động và thời gian hỗ trợ chỉ có 6 tháng mà thôi. Thực tế thì người dân nhận tiền hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề chỉ biết đem tiền ra sử dụng cho nhu cầu sinh hoạt bình thường chứ chẳng có học nghề nào khác. Bởi lẽ ngoài tiền hỗ trợ, chủ đầu tư không có chương trình, kế hoạch đào tạo nghề cụ thể cho người dân. Nay thời gian hỗ trợ đã hết mà hầu hết người muốn chuyển nghề chưa biết sẽ chuyển nghề gì cho phù hợp để sau này có thể làm việc tại Khu Liên hợp. Có một số hộ muốn chuyển sang làm dịch vụ, nhưng cũng phải chờ đến khi Khu Liên hợp triển khai xây dựng, thu hút được nhà đầu tư đến mới có thể làm được. Trong thời gian chờ đợi này, sẽ có không ít hộ sử dụng hết tiền bồi thường và đến khi dự án triển khai sẽ không còn vốn làm ăn nữa.

Còn lãnh đạo xã Đôn Thuận cũng băn khoăn về tình hình an sinh của các hộ dân sống trong vùng quy hoạch triển khai dự án hiện nay. Công tác thu hồi GPMB ở xã Đôn Thuận triển khai làm 3 giai đoạn và càng về sau diện tích thu hồi càng nhiều hơn. Hiện nay chỉ mới triển khai thu hồi đất giai đoạn 1, nhưng tất cả các hộ đang sinh sống trong khu vực- dù hiện tại chưa tiến hành thu hồi nhưng đã bị hạn chế sử dụng đất như: không được sửa chữa nhà ở, không được trồng cây lâu năm, không được mua bán, sang nhượng… Điều này khiến hầu hết các hộ thuộc khu vực giải toả sau không thể yên tâm. Thời gian triển khai các giai đoạn tiếp theo càng chậm, nỗi băn khoăn của các hộ dân càng kéo dài nặng nề hơn. Theo lãnh đạo xã Đôn Thuận, đã có một số hộ thuộc khu vực sẽ giải toả trong các giai đoạn sau đề nghị được nhận tiền bồi thường trước để sớm ổn định cuộc sống, nhưng chưa được chủ đầu tư trả lời.

Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu -Dương Văn Thắng cũng đồng tình với những đề xuất của lãnh đạo các xã trong vùng dự án và cho rằng việc chủ đầu tư nhanh chóng triển khai dự án để người dân trong khu vực sớm có công ăn việc làm là tạo điều kiện cho các hộ dân được hưởng lợi từ dự án, đồng thời thực hiện đúng quan điểm “xây dựng khu công nghiệp không để người dân bị thiệt và bị nghèo hơn”.

SƠN TRẦN