Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Lên dự cúng đình Hoà Hội dịp rằm tháng 2 Quý Tỵ, lần này tôi còn được biết thêm nhiều chuyện của dòng họ Nguyễn được coi là các vị tiền hiền khai phá rừng hoang, mở ấp lập làng. Ông tổ của dòng họ ấy chính là thành hoàng của đình.

(BTN) - Lên dự cúng đình Hoà Hội dịp rằm tháng 2 Quý Tỵ, lần này tôi còn được biết thêm nhiều chuyện của dòng họ Nguyễn được coi là các vị tiền hiền khai phá rừng hoang, mở ấp lập làng. Ông tổ của dòng họ ấy chính là thành hoàng của đình.
Chuyện thứ nhất là khu mộ của dòng Nguyễn tộc. Đình ở sát thềm sông Vàm Cỏ Đông, thuộc ấp Bưng Rò. Qua cầu Bến Sỏi chừng hơn cây số gặp ngã ba đầu tiên, quẹo phải thêm chừng 2 cây số nữa là tới. Băng qua một con đường bờ nho nhỏ, rồi theo con đường đất đỏ chừng ba trăm mét là tới khu mộ ấy. Chung quanh, đồng lúa còn tươi non hoặc mới gặt xong. Khu mộ Nguyễn tộc nổi cao nhờ nằm ở đỉnh gò. Phía Đông sát ruộng là một ngôi hơi giống chiếc võ ca với chiều rộng chỉ một gian nhưng có 4 nhịp nhà. Chỉ có hai hàng cột bê tông đúc, đỡ dàn mái tôn nhẹ phía trên, lợp bằng tôn màu xanh lá. Phía giáp ruộng ở hướng Đông có xây một bức bình phong, lát gạch men nâu đỏ. Trên nóc bình phong có mái che cẩn thận, tường hai bên vừa thấp xuống, vừa cong vào bên trong, nên nhìn toàn thể giống như hình ảnh một người đội nón ngồi trên ngai, hai tay trên đầu gối vòng vào như một cánh tay ôm. Mặt bên trong bức bình phong ấy chỉ gắn duy nhất một tấm đá khắc chữ đen trên nền xám trắng. Đôi câu đối ở hai bên, chữ to Nguyễn tộc trên đầu. Ở giữa ghi rõ 3 tầng dòng họ, cụ thể là:
Tiền tổ: Nguyễn Văn Sắc, Trần Thị Bút.
Kế tổ: Nguyễn Văn Huệ, Dương Thị Bường, Nguyễn Thị Xuân
Hậu tổ: Nguyễn Thị Chăng, Nguyễn Văn Ân, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Thị Mỹ, Nguyễn Thị Trinh, Nguyễn Thị Nguyệt.
Hai dòng cuối ghi Nhâm Thìn, 1952 chính là năm lập tấm bia này. Thật là một sự tình cờ vì Tây Ninh năm ấy có lũ lụt to, gần như cả huyện Châu Thành chìm trong biển nước. Còn hai câu đối, đọc từ phải sang: Hoà Hội địa, Hoàng tộc quyến thân hữu điệp/ Bưng Rò nhân, Nguyễn gia hưng tôn điệt hoà.
Khu mộ và võ ca thờ tộc họ Nguyễn làng Hoà Hội |
Ngay dưới tấm bia này, còn có tấm đúc dài ra phía trước làm thành chiếc ban thờ, trên đặt bát nhang, bình bông để con cháu tiện chăm lo hương khói.
Nằm đối diện với ngôi võ ca này, mặt tiền hướng vào nhau mới là ngôi mộ chính của “cụ tiền tổ” Nguyễn Văn Sắc. Ngoài khối mộ xây còn có nhà mồ với tường hậu và hai cột đúc. Nóc nhà kiểu bốn mái với bốn góc mái đầu đao hoa lá. Đỉnh mái đắp thêm đôi rồng cuộn kiểu “lưỡng long chầu nhật”. Nhà mồ này có đủ những công-xon, lan can con tiện, tam cấp cùng đôi sư tử gốm đứng chầu. Trên tấm tường hậu cũng có bia chữ và một ban thờ nhỏ. Bia bằng đá đen, chữ trắng và vàng, chung quanh còn ốp viền thêm gạch men sứ vẽ hoa dây. Bia ghi: Tiền hiền/ Nguyễn Văn Sắc/ SN 1798 Mậu Ngọ/ tử: 10- 4/ làng Hoà Hội- Tổng Hoà Ninh/ Hạt Tây Ninh/ Cải táng năm 1962/ lập mộ 8.3 Bính Tuất 2006/ Hậu tôn lập mộ.
Bên phải ngôi mộ chính của bậc “tiền tổ, tiền hiền” này (bên trái, từ ngoài nhìn vào) có một ngôi mộ chắc chắn cũ xưa hơn, bởi lối xây dựng giống với tập quán lâu đời của người Tây Ninh- mộ không có nhà mồ. Chỉ khác là ở những bờ móng tường bao quanh, thay vì bằng đá ong nay đã là tường xây tô vữa xi măng. Tường móng khuôn lại một hình chữ nhật rộng 3m, dài 5,4m tất cả được lát bằng đá xanh nguyên khối. Khối mộ xây nhô lên có nấm cong như kiểu mu rùa, với khối hình, gờ chỉ còn thô sơ giản dị. Minh chứng cho sự xưa, cũ ấy còn có một tấm bia đá xanh đặt riêng phía trước. Trán bia và hai bên tấm đá xanh còn thô sơ ấy cũng được chạm khắc khá cầu kỳ với những đường hoa lá lượn dưới một hình con dơi chính giữa. Chữ khắc trên bia là chữ Hán nhưng thật may là người ta đã dịch ra và khắc lại trên một tấm đá đen chữ vàng gắn trên bức tường cao đầu mộ. Nội dung như sau: Phía trên cùng ghi Đại Nam/ (1830 - 1899). Cột đứng ở giữa: hiển khảo tính Nguyễn Huệ. Cột bên trái: Nguyên sinh Canh dần hiệu. Cột bên phải: Tốt ư Kỷ hợi, thập nhị nguyệt sơ thập nhật. Dưới cùng là hai chữ chi mộ.
Phía bên trái ngôi mộ “tiên tổ”, cách qua một ngôi của bà Cao Thị Lánh có một ngôi khác cũng giống như mộ ông Nguyễn Huệ. Bia mộ ghi “Linh vị Nguyễn Văn Ân/ sinh 1855- Mậu Ngọ/ làng Hoà Hội/ Tổng Hoà Ninh/ hạt Tây Ninh/ tử 12.2/ lập mộ 1962.
Như vậy, ít nhất cũng có 3 ngôi mộ của ba đời những người có tên trong bia đá chung trong ngôi võ ca thờ dòng họ Nguyễn. Sau này nhờ anh Lý- cháu đời thứ 6 của ông Sắc, mới biết thêm rằng còn một ngôi mộ của bà Phong (chính là bà Trần Thị Bút, vợ ông Sắc). Một khu mộ cổ ở tận vùng sâu Bưng Rò, Hoà Hội thật khiến người ta sửng sốt, ngạc nhiên về tấm lòng hiếu nghĩa của con dân họ Nguyễn ở làng xưa Hoà Hội. Truyền thống “uống nước nhớ nguồn” này truyền nối cho tới ngày nay mà biểu hiện rõ nhất là ngày giỗ họ Nguyễn- Hoà Hội ngày 16. 3 âl ngay tại Bưng Rò.
TRẦN VŨ