Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Khu phố cũ
Chủ nhật: 05:03 ngày 17/08/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Trên địa bàn thành phố, nhiều người đã biết đến ngôi nhà trên đường Phan Châu Trinh bên bờ Tây rạch Tây Ninh. Nhà ấy hoàn thành năm 1897, do Đốc phủ sứ Nguyễn Tâm Kiên xây làm nhà ở. Sau nữa là đến ngôi nhà trên đường Nguyễn Đình Chiểu, xây khoảng những năm 1920 với dày đặc các điêu khắc gỗ ở mặt tiền.

Đường Nguyễn Văn Cừ (chỉ rộng vừa cho một rạp đám cưới).

Từ câu chuyện về đường Hàm Nghi, xin “dắt dây” sang khu phố cũ. Ở Tây Ninh ta, có lẽ chưa có nơi đâu được gọi là phố cổ dù nhà cổ thì đã có. Trên địa bàn thành phố, nhiều người đã biết đến ngôi nhà trên đường Phan Châu Trinh bên bờ Tây rạch Tây Ninh. Nhà ấy hoàn thành năm 1897, do Đốc phủ sứ Nguyễn Tâm Kiên xây làm nhà ở. Sau nữa là đến ngôi nhà trên đường Nguyễn Đình Chiểu, xây khoảng những năm 1920 với dày đặc các điêu khắc gỗ ở mặt tiền. Nhưng đấy có lẽ là những ngôi đơn lẻ, xuất hiện khi khái niệm phố còn chưa hình thành. Phố cổ nếu có, chỉ có thể là ở bên bờ Đông rạch Tây Ninh, sau khi Pháp chiếm trọn Tây Ninh vào năm 1862 rồi sau đó xây thành Săng-đá. Nhà giáo Trần Văn Rạng, người có nhiều nghiên cứu về lịch sử, hiện đang sống trên đường Nguyễn Thị Minh Khai thuộc khu phố cũ cho rằng: “Thực dân đến đâu, xây thành trì thì những đường phố đầu tiên sẽ xuất hiện ở đó. Như khu phố cũ bên phía bờ Đông rạch Tây Ninh, thoạt tiên là các xóm nhà mở ra để bán cà phê, ăn sáng, quán nhậu… cho lính Pháp”. Có thể lúc đầu người ta chỉ cất nhà tạm bợ bằng tre lá, nên ngày nay chẳng còn dấu vết một ngôi nhà cổ nào bên các phố cũ bờ Đông. Ngoài các công trình tôn giáo, tín ngưỡng ra thì nhà cổ xưa nhất có lẽ là ngôi nhà của bà Hai Tài, xây dựng năm 1920. Chẳng hiểu vì sao nhà cổ đến nay vẫn còn nguyên các cột gỗ tròn vo bóng loáng mà lại nằm trong một khu vườn ở khoảng giữa đường Hàm Nghi và Lê Văn Tám. Muốn tới phải đi bằng hai con ngõ hẻm. Ngõ từ đường Hàm Nghi vào chỉ rộng chừng tám tấc, vừa đủ cho một xe máy lăn bánh. Đa số các ngôi nhà khác đều xây sau 1954. Thầy giáo Rạng còn cho biết, các ngôi nhà đã nhiều lần đổi chủ. Như nhà thầy về đây khoảng giữa những năm 1950. Còn nhà chú Năm Chì- một cựu cảnh sát từ thời Pháp thuộc nằm ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Hưng Đạo thì mới xây năm 1958. Có một điều thú vị trên đường Nguyễn Thị Minh Khai: theo lời thầy Rạng thì năm xưa trên đường này có một tiệm ảnh Borna của người Pháp; nay cũng tại nơi ấy có một người hành nghề chụp ảnh- thấy tấm biểu hiệu treo ở ngoài ngõ là nhiếp ảnh Nguyễn Na.

Như thế có thể hiểu lý do tại sao lại gọi phố cũ chứ không phải là phố cổ. Độ 5 năm về trước, ở khu phố cũ vẫn còn những con đường đá khấp khểnh. Sau này, khi đường Quang Trung ven rạch được trải bê tông nhựa hồi cuối năm 2013 thì toàn bộ khu phố cũ đã có mặt đường mới mẻ, để xe ta được lướt bon bon mà ngắm lại một quy hoạch có từ thời Pháp thuộc.

Vâng! Quy hoạch ấy là đây, phía Bắc là đường Cách Mạng Tháng Tám chạy dài theo hướng gần Đông Bắc- Đông Nam. Phía Đông có đường 30.4 từ vòng xoay Bưu điện đến ngã tư Trường Nam. Đường Quang Trung ven rạch Tây Ninh là giới hạn phía Tây, còn phía Nam chỉ là đoạn ngắn đường Trưng Nữ Vương. Gần giống một hình ngũ giác. Ngoại trừ các đường bao đã kể và đường khu vực đi ngang qua như: Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Pasteur và Trần Quốc Toản, thì bên trong khu phố cũ cũng chỉ còn 5 phố nhỏ. Đấy là Nguyễn Thị Minh Khai, từ Trần Hưng Đạo hướng về phía cổng văn phòng Tỉnh uỷ; rồi Trương Định, Hàm Nghi, Lê Văn Tám, Nguyễn Văn Cừ. Đường dài nhất chính là đường Hàm Nghi. Trên tấm biển tên đường đặt ở giao lộ với Trần Hưng Đạo có ghi: chiều dài 800 mét; lộ giới 20 mét. Thực tế hiện nay mặt đường nhựa chỉ có 4 mét (không kể đoạn đầu từ Trần Quốc Toản đến Cách Mạng Tháng Tám). Lề đường mỗi bên 3 mét, nên lộ giới đường hiện tại chỉ rộng có 10 mét mà thôi. Các đường khác ngắn hơn, chỉ từ 300 đến 400 mét nhưng mặt nhựa rộng hơn chút ít, khoảng chừng 5 mét.

Bằng cách đo và tạm tính trên bản đồ, thì khu phố cũ chỉ có diện tích khoảng 35 ha, nghĩa là chỉ bằng hơn một phần ba khu Toà thánh Tây Ninh. Ấy vậy mà bằng việc chắp nối các công trình đã mất với các cái hiện trạng xanh rờn đầy sức sống hiện nay, người ta có thể hình dung ra các chức năng của một trung tâm đô thị trong quá khứ. Đây nhé! Góc ngã tư giữa đường Cách Mạng Tháng Tám và Trần Hưng Đạo là trung tâm hành chính với hạt nhân là toà bố, nay là trụ sở UBND tỉnh. Giữa đường Trương Định và Trần Quốc Toản là cơ quan cảnh sát và quân y viện. Ngay gần đấy, ở phía sau toà bố là khám đường. Vị trí Sở Kế hoạch Đầu tư hiện nay trước từng là một khu chung cư cho gia đình viên chức…

Ở đầu phía Nam của khu là đồn canh, thời Pháp gọi là Tua I. Khu cũng có chợ hẳn hoi, ở vào vị trí cuối đường Lê Lợi giáp rạch Tây Ninh. Cũng từng có một ngôi nhà hát ở kế bên khu chợ. Nếu kể đến cả các khu phố liền kề, thì có thể kể thêm bệnh viện và Toà án tỉnh ở công viên 30.4 hiện nay; rồi Trường Nam trung học ở bên kia ngã tư Trường Nam. Ngoài ra còn có nhà công sở xã Hiệp Ninh xây 1932, khi mà tỉnh lỵ còn nằm trong một xã. Thật là một mô hình thu nhỏ của bộ máy cai trị thực dân. Xin nhớ thêm là trong khuôn viên khu nhà cao tầng đang xây của tập đoàn Bourbon nằm giữa đường Hàm Nghi và 30.4 còn có một đài nước bê tông cốt thép; chính là đài nước cấp cho toàn bộ máy cai trị thời Pháp thuộc. Nay, ngoài ngôi khám đường đã được trùng tu thì tất cả các công trình cũ vừa nhắc đã không còn. Cái mô hình cai trị dài những hơn 80 năm (1862 - 1945) ở thành phố Tây Ninh rồi có thể sẽ bị rơi vào quên lãng.

TRẦN VŨ

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh