Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Khu phố cũ- quá khứ và tương lai
Thứ năm: 03:20 ngày 02/10/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Dù ngôi chợ nhỏ đã chuyển đi, dù bệnh viện cũ đã không còn- thay thế cho nó là Trung tâm Y tế Thị xã (nay là Thành phố) khang trang hơn, thì vẫn còn có thể nhận ra ở khu phố cũ không chỉ là một mô hình trung tâm hành chính tỉnh lỵ thu nhỏ có từ thời Pháp thuộc, mà còn là một trung tâm tương thích với đời sống dân cư đô thị.

Rạch Tây Ninh

Đi trên năm đường phố nhỏ trong khu phố cũ hầu như lúc nào cũng vắng hoe bây giờ, hẳn trong lòng nhiều người quen sống tại đây sẽ ngân lên câu hát cũ: “Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó”. Dẫu biết bài hát ấy là viết về Hà Nội, nhưng có khác gì đâu, khi lòng người Việt Nam mình ở đâu cũng thế, cũng thuỷ chung như nhất với nơi cắt rốn, chôn nhau.

Mà dẫu người có gốc gác từ nơi khác đến thì- như một nhà thơ đã viết: “Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương”. Phố nhỏ vẫn nhỏ như xưa thôi, mới thích! Năm đường phố ấy, mặt đường được trải bê tông nhựa phẳng lì, êm mát, còn hai bên vẫn chưa có vỉa hè.

Nhờ thế, mới còn những mảng cỏ xanh chen đầy hoa dại, mới còn những dây bìm hoa tím, những bờ rào kết bằng bông trang hoa đỏ hoặc bụi bông tra rực rỡ hoa vàng…

Hầu như đường nào cũng thoai thoải dốc xuống mé sông. Nên mưa to đến mấy cũng không đọng nước. Nhược điểm duy nhất sau mưa lớn là cát, sỏi lề đường bị trôi xuống đường Trần Hưng Đạo làm cho con đường này bỗng nhiên lởm chởm đá và cát. Còn những phố nhỏ kia thì vẫn cứ sạch bong.

Xem lại vài trang mô tả quang cảnh về đêm qua các đường phố trong sách “Tây Ninh xưa” của Huỳnh Minh, nhận thấy nếp sinh hoạt của dân cư khu phố cũ cũng không khác xưa (hồi 1972) là mấy. Như xóm chùa Thiền Lâm gần đường Yết Ma Lượng (nay là đường Nguyễn Văn Cừ) thì: “Đường phố vắng vẻ yên tịnh, nhưng cũng có những quán nép mình trong một khung cảnh tịch mịch”. Xin thưa, giờ cũng chỉ có vài ba quán ăn sáng, cà phê “nép mình” bên phố vắng. Và thêm, không quá hai nơi có thể tìm quán cơm ăn hai bữa trưa, chiều.

Sách trên còn viết: “ở phía bên kia đường Trần Hưng Đạo, Phan Thanh Giản, Quang Trung… nhà ở trong xóm, phạm vi Châu Thành, hàng quán lô nhô khoe màu sắc… Đáng chú ý hơn hết có quán Việt Anh, vị trí tốt nằm sát mặt đường, phía sau là con rạch Tây Ninh… khách ngồi day mặt ra bờ rạch thưởng gió mát, trăng thanh, nhìn xem sóng gợn lao xao…”. Riêng khung cảnh sau cùng là đã không còn. Do tỉnh đã có chủ trương rất đúng đắn là giải toả khu phố nhà ven rạch trên đường Quang Trung và Trần Hưng Đạo.

Bờ rạch nay đã thành công viên đẹp và thoáng đãng, như một chiếc ban công uốn lượn dịu dàng ở mặt tiền của toàn bộ khu phố cũ; trả lại sự an toàn sinh thái cho dòng sông đã được nạo vét, kè đá hai bên. Đây cũng là sự đổi thay tích cực nhất đối với khu phố cũ, đến nay mới độ trên dưới 10 năm.

Dù ngôi chợ nhỏ đã chuyển đi, dù bệnh viện cũ đã không còn- thay thế cho nó là Trung tâm Y tế Thị xã (nay là Thành phố) khang trang hơn, thì vẫn còn có thể nhận ra ở khu phố cũ không chỉ là một mô hình trung tâm hành chính tỉnh lỵ thu nhỏ có từ thời Pháp thuộc, mà còn là một trung tâm tương thích với đời sống dân cư đô thị.

Xin dẫn chứng ngay đây! Trong khoảng 35 ha ấy có một ngôi chùa gọi tên là Thiền Lâm cổ. Từ hai phố Nguyễn Văn Cừ và Hàm Nghi đều có hẻm nhỏ dẫn tới chùa. Đường Nguyễn Văn Cừ xưa từng có tên là Yết Ma Lượng. Yết Ma là chức danh của tu sĩ một hệ phái Phật giáo xưa, tương đương chức hoà thượng bây giờ.

Yết Ma Lượng tu cùng thời với hoà thượng Như Nhãn những năm đầu thế kỷ 20, sau hoà thượng mở chùa mới là Thiền Lâm Gò Kén. Còn chùa miếu của người Hoa thì có tới ba ngôi, đều tập trung trên đường Trần Hưng Đạo. Chính những ngôi chùa miếu này sẽ cho ta bằng chứng về sự hình thành khu phố cũ, nếu được nghiên cứu kỹ. Thiên Hậu miếu có chiếc lư đá được hiến tặng vào năm Quang Tự thứ 5 (nhà Thanh) cho ta đoán định miếu được xây trước năm ấy (1879).

Dĩ nhiên là với tài năng buôn bán và nghề nghiệp dịch vụ, người Hoa chỉ đến định cư ở những nơi có thể phát triển sở trường, thường là những vùng đã đông đúc dân cư. Vậy cũng có thể đoán khu phố cũ có chặng phát triển đầu tiên là từ 1862 đến 1879.

Hai phố phải có trước tiên phục vụ cho quân sự và hành chính chắc chắn là đường Hàm Nghi (thẳng với cổng thành Săng- đá, nay là BCH Quân sự tỉnh) và Lê Văn Tám (thẳng với cổng phụ Toà Bố, nay là UBND tỉnh). Sau mới là các phố còn lại. Các đường Trần Hưng Đạo, Quang Trung ven rạch, tiện cho thuyền buôn người Hoa cập bến, hình thành nên con phố vừa có mật độ cao các cửa hàng buôn bán và dịch vụ, vừa tập trung các công trình tín ngưỡng, tâm linh.

Chùa Thiền Lâm cổ thuộc phường 2.

Khu phố cũ chắc là quan trọng, nên hầu như quy hoạch nào cũng đề cập đến. Nhưng trong hai mặt của một vấn đề quy hoạch đô thị là bảo tồn và phát triển, thì hình như các nhà thiết kế luôn chú trọng đến vế thứ hai- phát triển. Vậy nên từng có một dự án cầu Mới bắc qua rạch Tây Ninh hơi gần với cầu Quan.

Để rồi sau đó lại tiếp tục có một dự án cầu cách cây cầu Mới độ trên trăm mét. May mà lãnh đạo tỉnh đã kịp nhận ra sự vô lý ấy nên cho dừng lại. Lại có cả đề xuất phá bỏ nhà cổ Thư viện cũ, nay là trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật để phân lô bán nền, hoặc xây dựng nhà cao tầng.

Cũng may có người có thẩm quyền kiên quyết giữ, để nay ngôi nhà vừa tròn trăm tuổi lại được phục hồi- giữ nguyên cấu trúc cũ mà lại tươi tắn như công trình mới. Các quy hoạch đã kể đều quan tâm đến khu phố cũ. Nào là “tái tạo khu trung tâm” khi “trung tâm hành chính được di dời”.

Nào là “thúc đẩy sự sáng tạo của một trung tâm hiện đại và năng động…” nếu vẫn giữ lại trung tâm hành chính hiện tại. Rồi các khái niệm mới như vùng lõi nén đô thị, thành phố hoà đồng, thành phố sôi động v.v và v.v…

Mặt sau của khu phố cũ, bây giờ đã trở thành mặt tiền của tuyến trung tâm đô thị trải dài theo đại lộ 30.4. Dù cho ở trung tâm ấy luôn nhộn nhịp, người xe tấp nập thì các phố nhỏ “xóm chùa” vẫn lặng lẽ, trầm tư như thủ thỉ kể chuyện mình- những chuyện ngày xưa.

TRẦN VŨ

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục