Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Khu phố giữa ruộng đồng, sông nước
Thứ ba: 11:34 ngày 29/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trước kia, nơi đây được xem như ốc đảo, vì đường sá đi lại rất khó khăn. Đây là một trong những khu vực có người đến khai hoang, vỡ đất lập nghiệp từ lâu đời. Đó là ấp An Thới thuộc xã An Hoà, mà người dân gọi là xứ Vàm Trảng.

Đường đến ấp An Thới.

Tương lai không xa, Trảng Bàng sẽ là thị xã. Khi đó, xứ Trảng sẽ có 6 phường và 4 xã. Khi xã thành phường, các ấp sẽ là khu khố. Trong số những nơi sắp thành khu phố có một ấp có địa hình khá đặc biệt- nằm giữa vùng ruộng đồng, sông nước. Trước kia, nơi đây được xem như ốc đảo, vì đường sá đi lại rất khó khăn. Đây là một trong những khu vực có người đến khai hoang, vỡ đất lập nghiệp từ lâu đời. Đó là ấp An Thới thuộc xã An Hoà, mà người dân gọi là xứ Vàm Trảng.

Rời quốc lộ 22, bên chân cầu vượt đường Hồ Chí Minh, tôi rẽ phải theo con đường nhựa nhỏ về hướng Nam- con đường chính dẫn đến xứ Vàm, nhỏ mà hư hỏng nặng nên di chuyển rất khó khăn. Qua khu dân cư thuộc địa phận ấp Bình Nguyên 2 (xã Gia Bình, huyện Trảng Bàng) chừng ba cây số đến một đồng trống ngập nước. Mùa này lụt nên nông dân bỏ ruộng không. Bên kia cánh đồng thấp thoáng khu dân cư thuộc ấp An Thới.

Theo con đường nhựa chạy một đoạn nữa, tôi rẽ phải thẳng tiến đến bờ sông Vàm Cỏ Đông. Đây là con đường trục chính của ấp nhưng nhỏ hẹp, qua hai chiếc cầu cũng nhỏ hẹp. Phía bên trái con đường (tính từ hướng xã Gia Bình đi ra), gần rạch Trảng Bàng (còn gọi rạch Vàm Trảng- một phụ lưu lớn của sông Vàm Cỏ Đông) nhà dân khá đông.

Xen lẫn với những ngôi nhà tường mái tôn mới xây là những mái ngói cũ kỹ, có một ngôi được xây cách đây gần 70 năm. Ông Đỗ Anh Dũng (sinh năm 1961)- chủ nhà cho biết, ngôi nhà được ông nội của ông cất từ năm 1952. Vùng sông nước, để làm được ngôi nhà- nhất là tạo được cái nền, gia đình tốn rất nhiều công sức và tiền bạc. Mái nhà lợp ngói móc. Nhà trên có chiều ngang 8,5 mét, gồm 16 cây cột tròn, còn nhà dưới 8 cây cột, đều bằng gỗ vừng. Lúc mới cất, nhà đóng vách tấp (vách bằng gỗ), nền đất.

Đến năm 1956, ông nội ông Dũng phá vách tấp xây tường xung quanh và lan can phía trước. Từ đó đến nay, ngôi nhà vẫn giữ nguyên trạng, ông Dũng không sửa chữa gì thêm. Nhờ ông giữ gìn cẩn thận, ngôi nhà vẫn còn vững chắc, cột kèo và cả phần gỗ phía trên không hề có mối, mọt gì cả. Ông Dũng cho biết thêm, khu vực này còn có một nhà khác cũng được xây cất lâu gần bằng nhà ông, theo kiểu chữ đinh. Mặt trước xây tường, xung quanh đóng vách tấp. Ngoài ra, trong ấp vẫn còn gần 10 ngôi nhà ngói được xây cất khá lâu.

Ngôi nhà cổ của ông Dũng.

Theo lời ông Dũng, hai chiếc cầu nhỏ mà tôi đi qua ban nãy bắc qua hai con kênh có tên là “Bà Cả B” và “Bà Cửu”. Bà Cả là vợ ông Hương Cả, chính là ông bà cố của ông Dũng. Lúc mới đến đây khẩn đất, khai hoang lập nghiệp, ông bà cố của ông Dũng thuê mướn người đào hai con kênh dẫn nước vào ruộng.

Trong đó có một con kênh đào từ rạch Vàm Trảng vào cánh đồng bên khu Giồng Cấm (phía Nam dòng rạch) gọi là kênh Bà Cả A. Nay con kênh này nằm trong vùng đất Khu công nghiệp Thành Thành Công. Còn con kênh thứ hai được đào từ rạch Vàm Trảng vào cánh đồng phía Bắc dòng rạch, gọi là kênh “Bà Cả B”. Chiếc cầu bắc qua kênh này gọi cầu “Bà Cả B”.

Kênh Bà Cửu do gia đình bà Cửu thuê mướn đào dẫn nước từ rạch Vàm Trảng vào phần ruộng đất của gia đình từ thời mới đến đây vỡ hoang. Do lâu đời quá, hiện nay, không ai biết nguồn gốc và con cháu của bà Cửu ở đâu.

Ông Lê Văn Thành- Trưởng ấp An Thới cho biết, khu dân cư này được hình thành từ rất xa xưa. Từ thời ông sơ, đến ông cố, ông nội của ông đã sinh sống tại đây. Trước kia, khi chưa có khu công nghiệp, địa bàn ấp rộng hơn 500 ha, với gần 500 hộ dân. Phía Tây của ấp giáp với sông Vàm Cỏ Đông. Dòng rạch Trảng Bàng (còn gọi rạch Vàm Trảng) chảy ngang giữa ấp và chia địa bàn ấp thành hai khu vực biệt lập. Dòng rạch khá rộng, mà không có cầu nên người dân trong ấp qua lại bằng xuồng ghe.

Khu vực phía Nam dòng gọi là Giồng Cấm. Sở dĩ gọi vậy vì ngày xưa có một giồng rộng (gò đất) cao giữa vùng ruộng trũng, có nhiều cây cao, rậm rạp và thú dữ. Để bảo đảm an toàn, người lớn cấm trẻ em đến giồng, từ đó có địa danh Giồng Cấm. Khu vực này rộng hơn 300 ha, là trung tâm của ấp, với hơn 300 hộ, có trường tiểu học và trung học cơ sở; trạm cấp nước sạch; cơ sở thờ tự, nghĩa địa công...

Khi xây dựng khu công nghiệp, Giồng Cấm nằm trọn trong vùng quy hoạch, nhà cửa dân cư, trường học và các công trình công cộng di dời đi nơi khác. Còn khu vực phía Bắc rạch Trảng Bàng, được gọi khu Cầu Mương - Rạch Môn rộng gần 200 ha, phía Tây giáp sông Vàm Cỏ Đông, phía Nam giáp rạch Trảng Bàng, các mặt còn lại với các cánh đồng giáp với địa phận các xã Gia Bình (huyện Trảng Bàng) và Thanh Phước (huyện Gò Dầu).

Nhà dân khu vực này xây cất tập trung gần bờ sông Vàm Cỏ và gần bờ rạch Trảng Bàng. Trước kia ở đây có hơn 190 hộ dân. Sau khi Giồng Cấm vào khu công nghiệp, một số hộ dân di dời qua khu Cầu Mương - Rạch Môn. Hiện nay, ấp An Thới chỉ còn khu vực Cầu Mương - Rạch Môn, với 205 hộ dân và hơn 700 nhân khẩu.

Người dân ấp An Thới phải mua nước dự trữ trong mái để xài

Theo ông Thành, khó khăn lớn nhất của bà con nơi đây là vấn đề nước sạch và đường sá. Những năm đầu mới giải phóng, giáo viên về xứ Vàm Trảng này công tác cảm hứng mấy câu: “Xa Vàm thì nhớ thì thương/ Về Vàm thì sợ cái mương cái cầu/ Xa Vàm thì nhớ thì rầu/ Về Vàm thì sợ cái cầu, cái mương”. Ngày nay, chuyện “cái cầu, cái mương” không còn đáng sợ nữa.

Nhưng do địa hình vùng sông nước, đi lại bằng đường bộ cũng khó khăn. Con đường trục chính của ấp nhỏ hẹp, nhiều đoạn hư hỏng nặng. Vào mùa lụt lớn, nhiều đoạn ngập nước và trên đường trục chính qua hai dòng kênh, có bắc hai chiếc cầu làm bằng bê tông nhưng nhỏ hẹp, việc qua lại rất khó khăn. Còn các con đường ngõ xóm vào nhà dân đều là đường bờ ruộng.

Nước sạch cũng là vấn đề bức xúc lớn của người dân nơi đây. Do địa hình, giếng khoan đều nhiễm phèn rất nặng, chỉ có thể dùng cho tắm, giặt. Trước kia, bên Giồng Cấm có trạm cấp nước sạch, người dân bên khu Cầu Mương - Rạch Miễu chèo ghe qua lấy nước về dùng. Nay trạm cấp nước không còn nữa, bà con ở đây phải mua nước ghe từ nơi khác đến bán để nấu ăn, uống.

Ông Thành cho biết thêm, nhà ông có 10 chiếc mái (lu lớn) loại 500 lít để dự trữ. Ông phải mua nước, với giá 15.000 đồng/mái để dành nấu ăn, uống được khoảng 3 tháng. Hầu hết bà con trong ấp đều phải mua nước sạch từ những ghe chở nước đi bán.

Trước khi ấp An Thới được đổi thành khu phố An Thới, bà con xứ Vàm này mong muốn Nhà nước sớm đầu tư mở rộng đường trục chính của ấp, nâng cấp hai chiếc cầu; và đặc biệt là việc cung cấp nguồn nước sạch cho bà con sử dụng.

N.H

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục