BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khu vực biên giới ở Tây Ninh: Lĩnh vực công nghiệp ngày càng phát triển

Cập nhật ngày: 21/09/2010 - 10:50

Tây Ninh có đường biên giới giáp Campuchia dài 240 km. Nhiều năm trước đây, hầu hết khu vực biên giới đều hoang vu, dân cư thưa thớt và đời sống còn rất khó khăn. Trong những năm gần đây, khu vực biên giới Tây Ninh ngày càng thay đổi, đời sống cư dân biên giới được nâng lên. Song song đó là sự hình thành những khu dân cư tập trung, trong đó có một số khu đang trên đà đô thị hoá. Một trong những yếu tố góp phần quan trọng trong việc phát triển khu vực biên giới là sản xuất công nghiệp, thương mại khu vực này đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ.

Cùng với sự phát triển kinh tế chung cả tỉnh, trong những năm qua, lĩnh vực kinh tế khu vực biên giới Tây Ninh- Campuchia cũng đã có sự phát triển đáng kể mà trong đó phát triển lĩnh vực sản xuất công nghiệp có vai trò rất quan trọng. Khởi đầu cho sự phát triển công nghiệp khu vực biên giới Tây Ninh là sự hình thành Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài cách nay hơn 10 năm. Trong quy hoạch phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có quy hoạch phát triển nhiều khu, cụm công nghiệp. Trong thời gian qua tại Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài lĩnh vực thương mại, dịch vụ phát triển khá mạnh, vài năm gần đây đã có một số dự án đầu tư sản xuất công nghiệp. Trong đó có dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giày xuất khẩu quy mô lớn, có khả năng thu hút đến hàng ngàn công nhân đang hoàn tất, chuẩn bị đưa vào hoạt động. Sự phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã là đầu tàu kéo toàn khu vực biên giới huyện Bến Cầu phát triển theo và đang hình thành một đô thị biên giới ở Tây Ninh.

Nhà máy xi măng Fico Tây Ninh đã hoạt động ổn định

Năm 2003, Tây Ninh tiếp tục đầu tư xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Xa Mát với tổng diện tích quy hoạch chung hơn 34.000 ha. Trong Khu KTCK Xa Mát có khu đô thị cửa khẩu nằm sát biên giới Việt Nam- Campuchia có diện tích 728 ha. Trong khu đô thị cửa khẩu có khu dịch vụ thương mại quốc tế, khu dịch vụ thương mại trong nước, chợ đường biên, khu dịch vụ tổng hợp, siêu thị trung tâm và cả khu công nghiệp. Trong thời gian qua, tại Khu Kinh tế cửa khẩu Xa Mát đã có nhà đầu tư xin chủ trương đầu tư xây dựng khu công nghiệp với quy mô hơn 100 ha. Ở trong khu vực biên giới quy hoạch xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Xa Mát hiện nay cũng đã có một số nhà máy sản xuất công nghiệp lĩnh vực chế biến hoạt động. Khi khu công nghiệp hình thành, lĩnh vực sản xuất công nghiệp khu vực này sẽ phát triển mạnh hơn nữa. Tuy khu đô thị cửa khẩu chưa xây dựng hoàn thành, nhưng khu vực biên giới Xa Mát hiện nay đã có nhiều thay đổi- nhất là khu tái định cư hiện đại- kiểu mẫu đã được triển khai xây dựng có quy mô dân số đến 2.000 người.

Ngoài 2 Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát, khu vực hoang vu thuộc xã Tân Hoà, huyện Tân Châu trong vài năm gần đây cũng đang hình thành khu dân cư tập trung từ khi nơi đây ra đời Nhà máy xi măng Fico- Tây Ninh. Nhà máy xi măng Fico- Tây Ninh được xây dựng với tổng vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng, có công suất 1,5 triệu tấn xi măng mỗi năm đã hoàn thành và đưa vào hoạt động từ năm 2008. Năm 2010, Công ty Tafico đang chuẩn bị dự án xây dựng dây chuyền 2 nhà máy để nâng công suất từ 1,5 triệu tấn lên 3 triệu tấn xi măng/năm. Lúc đó, khu vực chung quanh nhà máy sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa. Nhà máy xi măng ra đời không chỉ khai thác tiềm năng một vùng biên giới, góp phần phát triển công nghiệp chung mà còn tạo động lực phát triển cho cả một vùng biên giới hoang vu, hình thành khu đô thị biên giới, tạo công ăn việc làm cho cả ngàn lao động, góp phần nâng cao đời sống người dân nơi đây.

Song song đó, khu vực biên giới Tây Ninh- Campuchia còn được quy hoạch phát triển thêm nhiều cụm công nghiệp khác như: Cụm công nghiệp Tân Hà, Cụm công nghiệp Ninh Điền, Cụm công nghiệp mía đường phía Tây sông Vàm Cỏ Đông… Đến nay, một số cụm công nghiệp- đặc biệt là Cụm công nghiệp mía đường phía Tây sông Vàm Cỏ Đông đã có nhà đầu tư và đang trong giai đoạn triển khai thực hiện.

Ngoài những khu vực phát triển công nghiệp tập trung đã triển khai xây dựng, ở khu vực biên giới Tây Ninh- Campuchia còn có không ít cơ sở sản xuất công nghiệp đang hoạt động. Theo con số thống kê của ngành chức năng, trong những năm gần đây cơ sở sản xuất công nghiệp khu vực biên giới ngày càng phát triển mạnh hơn- nhất là lĩnh vực chế biến cao su và tinh bột khoai mì. Đến nay, tổng số cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn các xã biên giới lên đến hơn 500 cơ sở. Tuy nhiên, song song với sự phát triển công nghiệp khu vực biên giới vẫn có không ít điều băn khoăn mà trong đó nỗi băn khoăn lớn nhất là về môi trường. Bởi vì ngoại trừ một số nhà máy có quy mô sản xuất lớn, công nghiệp hiện đại như Nhà máy xi măng Fico- Tây Ninh thì hầu hết các cơ sở công nghiệp khu vực biên giới có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, dễ gây tác động tiêu cực đến môi trường. Để hạn chế tình trạng ô nhiễm khu vực biên giới do sản xuất công nghiệp gây ra thì việc ngăn ngừa tác động môi trường cần được thực hiện nghiêm túc ngay từ bây giờ.

Sơn Trần