BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khu vực đất nông nghiệp tại đoạn đầu kênh T15-A5 bị ngập úng 

Cập nhật ngày: 31/05/2024 - 15:30

BTN - Người dân và chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần phối hợp nạo vét kênh tiêu để khơi thông dòng chảy.

Trong những năm qua, nhiều diện tích đất nông nghiệp tại khu vực đoạn đầu kênh tiêu T15-A5 (ấp Bình Lương, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành) khó thoát nước vào mùa mưa. Người dân và chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần phối hợp nạo vét kênh tiêu để khơi thông dòng chảy. Tuy nhiên, qua thời gian, khu vực này lại tiếp tục bị ngập úng gây ảnh hưởng đến cây trồng.

Một góc khu vực đất nông nghiệp tại đoạn đầu kênh tiêu T15-A5 bị ngập sâu trong nước (ảnh chụp từ thiết bị flycam)

Ngày 27.5.2024 vừa qua, nhiều người dân dùng máy bơm tháo nước để cứu những vườn cây ăn trái. Tại thời điểm đó, mực nước trong vườn cây chanh của bà Trần Thuỳ Mỵ dâng cao khoảng 1m. Các diện tích đất trồng cây sầu riêng của những hộ dân gần đó cũng gặp phải tình trạng tương tự.

Ông Lê Văn Hải, người chăm sóc vườn cây chanh của bà Mỵ cho biết khu vực đất tại đoạn đầu kênh tiêu T15-A5 rất khó thoát nước, có nơi bị ngập sâu và kéo dài qua nhiều ngày, nhất là vào mùa mưa. Nguyên nhân là do đoạn đầu kênh tiêu có quá nhiều lục bình, cỏ dại, độ dốc dòng chảy cách đầu kênh khoảng 500m (đoạn ngang qua đám cây tràm) có chiều hướng cao hơn đoạn đầu kênh gây khó thoát nước.

Ông Nguyễn Minh Hoàng, người dân canh tác khoảng 3 ha lúa tại khu vực trên cho rằng, ngoài nguyên nhân do lục bình và cỏ dại gây cản trở dòng chảy, còn có tình trạng một số cống đặt ngang kênh chưa bảo đảm để thoát nước với lưu lượng lớn. Ông Hoàng kiến nghị cơ quan chức năng rà soát lại toàn bộ các cống đặt ngang kênh tại khu vực này, cụ thể là đoạn ngang qua đám cây tràm và trang trại nuôi heo; đồng thời có hướng xử lý lục bình, cỏ dại, cây xanh mọc hoang hoá trong lòng kênh.

Ông Phạm Hữu Lộc- Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Khởi cho biết, kênh tiêu T15-A5 được đào từ năm 1990, chiều dài khoảng 3,5 km, phục vụ tiêu thoát nước cho khoảng 350 ha đất nông nghiệp. Đến năm 2003, kênh tiêu T15-A5 được nạo vét theo chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của UBND tỉnh (trồng mía). Năm 2013, UBND xã vận động các mạnh thường quân trong khu vực bỏ kinh phí để tiếp tục nạo vét kênh tiêu này.

Ông Hải đang bơm nước cứu vườn cây chanh.

Ông Lộc cho biết thêm, đến năm 2022, chính quyền địa phương nhận được phản ánh của cử tri về việc khu vực trên bị ngập úng. Qua đó, UBND xã nhận thấy việc nạo vét kênh tiêu kiểu “chắp vá” không mang lại hiệu quả lâu dài nên đã kiến nghị Xí nghiệp thuỷ lợi huyện Châu Thành, Công ty TNHH MTV khai thác thuỷ lợi Tây Ninh xin chủ trương khảo sát, nạo vét kênh tiêu T15-A5. Sau đó, đơn vị quản lý kênh đã thực hiện đo đạc, nạo vét được khoảng 1,5km đoạn cuối kênh, từ đây đến đoạn đầu kênh hiện nay vẫn chưa được nạo vét. UBND xã Đồng Khởi tiếp tục kiến nghị đơn vị quản lý kênh xem xét, phân khai vốn để nạo vét đoạn kênh còn lại.

Trao đổi với phóng viên Báo Tây Ninh vào cùng ngày 27.5.2024, ông Đinh Hùng Danh- Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác thuỷ lợi Tây Ninh cho biết, Công ty ghi nhận những kiến nghị trên của người dân và UBND xã Đồng Khởi. Công ty sẽ cho kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các cống đặt ngang kênh T15-A5, cũng như nguyên nhân gây ngập úng tại khu vực đoạn đầu kênh nhằm có hướng xử lý phù hợp.

Ông Danh khuyến cáo người dân nên cân nhắc trước khi trồng cây ăn trái trên vùng đất lúa, do đây là vùng trũng thường xuyên bị ngập nước vào mùa mưa. Ngoài ra, người dân cũng nên chủ động trục vớt lục bình, cỏ dại trôi nổi trong lòng kênh, phát quang cây xanh mọc hoang hoá, không vứt nhánh cây và rác thải xuống kênh gây ách tắc dòng chảy.

Quốc Sơn